Con vào lớp 1, vừa “chạy” vừa lo

Phụ huynh xem thông tin tuyển sinh tại các trường. Ảnh: Quốc Định
Phụ huynh xem thông tin tuyển sinh tại các trường. Ảnh: Quốc Định
“Tôi muốn cho con vào Trường tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình, TPHCM). Trường gần nhà nhưng con tôi lại thuộc diện trái tuyến nên tôi vừa “chạy” vừa lo", chị Trương Giang (quận Tân Bình), nói.

"Nếu không được, chắc phải cho con về học trường làng vậy”, chị Trương Giang than vãn trước mùa tuyển sinh vào lớp 1 năm nay.

Hết chạy trường đến học “tiền lớp 1”

“Mình muốn cho bé nhà mình vào Trường tiểu học Nam Sài Gòn trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7) mà nghe nói trường này tuyển sinh ít, lại khó nữa. Đến tháng 6 mới có thông báo tuyển sinh chính thức, các mẹ có quen ai bên đó, giới thiệu giúp gia đình mình với”, chị Phương Dung - một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 vừa lo lắng chia sẻ trên trang cá nhân về việc xin học đầu cấp cho con.

Chị tâm sự, hiện vợ chồng chị đang đứng ngồi không yên vì biết nhiều cha mẹ gần như đã “đặt chỗ” cho con từ cuối năm ngoái. Trong khi đó, gia đình chị vẫn chưa tìm được người quen để xin cho con vào Trường tiểu học Nam Sài Gòn như mong muốn.

Cũng có con sắp vào lớp 1, anh Tiến Sơn (nhà ở quận 3) càng lo lắng hơn. Anh chia sẻ trên diễn đàn làm cha mẹ: “Đến tháng 9 này con mình cũng vào lớp 1.

Lúc đầu mình cũng có ý định chạy cho con vào Trường tiểu học Trần Quốc Thảo hoặc Trường tiểu học Hòa Bình nhưng tham khảo nhiều ý kiến, bây giờ mình quyết cho con về trường làng, vừa gần nhà, vừa đúng tuyến”.

Cũng trên diễn đàn này, chị Thùy Liên (quận 7) chia sẻ: “Con mình năm nay cũng vào lớp 1. Mình ở khu Nam Long (quận 7) nên định cho bé vào đúng tuyến là Trường tiểu học Trần Quốc Toản. Mình băn khoăn, liệu có nên cho bé đi học chữ trước không?

Nếu học thì nên tìm lớp của cô giáo trường đó dạy luôn hay học các cô giáo đã nghỉ hưu nhỉ? Mình có ghé nhà một cô giáo ở đường Lý Phục Man nhưng thấy lớp học đông lắm, nóng nực, các cháu có vẻ sợ nên mình thấy ngại, không dám đưa con vào học”.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã cấm nhưng nhiều phụ huynh ở TPHCM vẫn cho con học chữ trước khi vào lớp 1 bởi tâm lý sợ con tiếp thu chậm so với các bạn cùng lớp.

“Con mình năm nay cũng vào lớp 1. Mình quyết định cho bé vào học Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch gần nhà. Mình hỏi vài phụ huynh có con cùng vào lớp 1 thì thấy các bé đã biết chữ, có bé còn đọc và viết rất tốt. Thực sự mình rất lo lắng nên muốn tham khảo ý kiến các mẹ có cần cho con đi học trước không?”, một phụ huynh ở quận Phú Nhuận cho biết.

Ban tuyển sinh phân tuyến

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, năm nay, việc tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 được thực hiện theo nguyên tắc: Học sinh cư trú tại phường nào sẽ học ở trường đóng trên địa bàn phường đó. Tuy nhiên, có một số tình huống xảy ra như phường đó chưa có trường, hoặc có trường nhưng quy mô không đáp ứng hết chỗ học cho trẻ thì Ban tuyển sinh sẽ phân tuyến vào những trường ở các phường lân cận.

Là người có rất nhiều năm kinh nghiệm trong tuyển sinh đầu cấp, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) cho rằng: “Về tuyển sinh lớp 1, lớp 6, năm nào Sở GD&ĐT cũng trình UBND thành phố và có văn bản hướng dẫn.

Ví dụ với học sinh lớp 1, có hướng dẫn về việc xin trái tuyến hay tự nguyện sao cho hợp lý. Có những địa bàn, cơ sở vật chất nhà trường chưa đồng đều, vênh nhau về chất lượng nên tâm lý phụ huynh thường muốn tìm trường tốt.

Thêm nữa, chỗ ở và nơi làm việc xa nhau nên việc đưa đón trẻ cũng là nguyên nhân khiến cha mẹ phải tìm chỗ học cho con sao cho hợp lý. Đấy là những điểm mà các ban tuyển sinh cần xem xét để việc tuyển sinh đỡ áp lực.

Chẳng hạn ở quận 5 có nhiều bệnh viện, nhưng không phải bác sĩ nào cũng ở quận 5. Do đó, quận này áp dụng phương pháp, chỉ cần bố mẹ chứng minh được mình đang làm việc trên địa bàn quận thì học sinh sẽ được vào học gần đó để cha mẹ tiện việc đưa đón.

Ngoài ra, có những địa bàn sẽ có một số trường sĩ số học sinh rất cao. Vì thế, ban tuyển sinh các phường phải phân tuyến cụ thể đến từng tổ dân phố để điều chỉnh sĩ số”.

Ông Lê Ngọc Điệp cho biết thêm: “Tuy nhiên, cha mẹ học sinh không nên quá lo lắng vì năm nay, TPHCM có một số trường mới xây dựng thêm ở các điểm “nóng”.

Chẳng hạn, quận 1 sẽ khánh thành Trường THCS Huỳnh Khương Ninh để giải tỏa áp lực cho Trường THCS Trần Văn Ơn cùng đóng tại phường Đa Kao. Tại quận 5, có một số trường xây mới như Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, Trường tiểu học Trần Quốc Toản sẽ giảm sức hút cho các trường khác”.

“Việc trẻ học trước vào lớp 1 là do thói quen lo lắng của cha mẹ. Hiện nay, học sinh lớp 1 không phải chấm điểm. Giáo viên cũng không được phê bình trước mặt trẻ mà chỉ được phép hướng dẫn, nhắc nhở. Vì thế, cha mẹ không nhất thiết phải “nhồi” con. Việc học trước là cái lợi trước mắt nhưng lâu dài sẽ rất ảnh hưởng vì trẻ sẽ có tâm lý chán học”, ông Điệp nói.

Các quận ở TPHCM có những phương thức phân tuyến đặc trưng. Chẳng hạn ở quận 1, Ban tuyển sinh quy định phân tuyến học sinh có thời gian nhập hộ khẩu tối thiểu 1 năm.

Tại quận 10, Ban tuyển sinh ưu tiên xét hộ khẩu theo cha mẹ. Do khu vực này áp lực thường tập trung vào những trường đạt chuẩn quốc gia nên Ban tuyển sinh quận sẽ căn cứ vào thực tế địa bàn để phân tuyến đến từng tổ dân phố lân cận với trường.

Để tránh trường hợp “chạy” hộ khẩu vào những khu phố học sinh được tuyển vào các trường nói trên, Ban tuyển sinh quận 10 sẽ xét ưu tiên hộ khẩu học sinh theo cha mẹ trước, sau đó mới tính đến các hình thức cư trú khác.

Theo Lương Mỹ

Theo Gia đình và Xã hội
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.