Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của TAND Tối cao, VKSND Tối cao; báo cáo của Chính phủ về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Ðình chỉ nhiều cán bộ để điều tra
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, với những nỗ lực không ngừng kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ, không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì. Điều đó khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, việc kê khai tài sản lần đầu phải hoàn thành trước 31/12/2019 nhưng do Nghị định của Chính phủ chưa được ban hành nên việc kê khai tài sản, thu nhập theo luật mới chưa thực hiện được. Tuy nhiên, ông Khái nói, việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc theo đúng Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị.
Theo Chính phủ, trong kỳ báo cáo, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người; trong đó 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Nhiều trường hợp bị tạm đình chỉ để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, như Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến…
Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, qua thanh tra, kiểm tra và phản ánh của dư luận, báo chí cho thấy, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp. Tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra.
Cũng theo bà Nga, việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng theo phản ánh của dư luận còn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng. Chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành còn hạn chế; dư luận, cử tri cho rằng còn có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong công tác thanh tra chuyên ngành. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng.
Trước thực trạng trên, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Đồng thời, tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong đó cần tăng cường công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động; nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng…
Nhức nhối tội phạm “tín dụng đen”
Báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thời gian qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực. Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 tái bùng phát.
Đáng lưu ý, qua điều tra cho thấy, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân hàng, thuế…). Bộ Công an lưu ý, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, cụ thể là vụ công ty con tại tỉnh Bắc Ninh của Công ty Tanma (Nhật) có dấu hiệu hối lộ một số cán bộ của Việt Nam để trốn thuế.
Theo Bộ Công an, tội phạm hoạt động “tín dụng đen” truyền thống vẫn hoạt động rải rác, nhỏ lẻ ở một số địa phương và đang chuyển dịch theo phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, công tác phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn có mặt hạn chế và chưa thực sự hiệu quả. Đáng lưu ý, đã xuất hiện một số hình thức cho vay qua ứng dụng công nghệ cao (vay tiền online, qua app) thủ tục đơn giản nhưng lãi suất rất cao, đồng thời người cho vay có hành vi “khủng bố” tinh thần khách vay, người thân của họ để thu hồi nợ đang gây nhiều hệ lụy trong xã hội, tuy nhiên việc quản lý và phòng ngừa còn hạn chế. Điển hình là vụ cho vay tiền và đòi nợ tại Công ty tài chính Fe Credit thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), hay vụ 7 người Việt Nam và Trung Quốc cho vay lãi nặng thông qua app điện thoại tại TPHCM.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu và một số đại biểu cũng tỏ ra lo ngại trước tình trạng “tín dụng đen”, điển hình như vụ việc ở Thái Bình liên quan đến “Đường Nhuệ”. Đại biểu đề nghị chỉ rõ thực trạng này tăng hay giảm để Quốc hội và cử tri nắm được. “Băng nhóm ở Thái Bình đã vậy, ở các thành phố lớn khác cũng đã xuất hiện “tín dụng đen”. Họ biết sai mà vẫn làm. Vậy công tác quản lý nhà nước của chúng ta thế nào, đã chặt chẽ chưa?”, một đại biểu nêu.
Theo Ủy ban Tư pháp, số vụ việc, vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra chuyên trách phát hiện, khởi tố, điều tra còn ít; vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình như bị can Vũ Đình Duy bị truy nã đặc biệt về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Cty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex); bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Cty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; bị can Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, khi bị khởi tố không có mặt tại địa phương...