Câu chuyện giá xăng giảm liên tục, cước vận tải luôn “lỳ lợm” đứng yên thành chuyện không lạ. Chỉ khi báo chí mổ xẻ, lên tiếng cước vận tải mới có chuyển biến có lợi hơn cho người tiêu dùng. Với vận tải hàng hoá, sức ép từ các đối tác lớn, hợp đồng giữa doanh nghiệp với nhau, khiến doanh nghiệp vận tải phải linh hoạt. Tuy nhiên, với vận tải hành khách, đa số là vận tải khách cá nhân, nhiều khi khách hàng phải cắn răng chịu vì không còn lựa chọn nào khác nếu doanh nghiệp vận tải bắt tay nhau giữ giá. Thậm chí, 1-2 năm trở lại đây, có cảm giác như báo chí cũng “chán” với chuyện xăng dầu giảm giá nhiều nhưng cước vận tải vẫn bất động. Biết rồi, khổ lắm nói mãi! Biết rồi, nhưng không nói thì ai bảo vệ người tiêu dùng?
Mỗi lần bàn tới giá cước vận tải không giảm khi xăng dầu giảm mạnh, các doanh nghiệp luôn viện lý do quy định phức tạp, chi phí cho điều chỉnh giá cao để trì hoãn. Điều đó không phải tất cả, nhưng cũng đúng một phần. Trong khi các dịch vụ vận tải đặt qua ứng dụng di động ngày càng phát triển, tính cước theo giờ, thì cước taxi truyền thống vẫn quản lý như thuở sơ khai, khiến doanh nghiệp muốn điều chỉnh cũng không đơn giản. Và câu hỏi luôn đặt ra là trách nhiệm nhà nước ở đâu? Khi hỏi thì đại diện các cơ quan quản lý nhà nước luôn nói rằng, giờ thị trường rồi, để thị trường quyết; hoặc quy định đặt ra chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống doanh nghiệp làm ăn gian dối. Tuy nhiên, khi thực tế đã thay đổi, cách mạng công nghiệp 4.0 đã ập tới, thì cung cách quản lý nhà nước – như nhiều chuyên gia nói vẫn 0.4, đang đúng với quản lý cước taxi và cước vận tải. Ai cũng biết điều đó, nhưng tại sao mãi không thay đổi? Không quá khó để giải thích nếu biết rằng, mỗi quy định về điều kiện cho doanh nghiệp là một giấy phép con, mỗi giấy phép con lại phải 1 lần xin, mỗi lần xin lại 1 lần mất phí. Dù phí chính thức hay phi chính thức, doanh nghiệp vẫn phải trả cho người có quyền cấp giấy phép, quyền thông qua điều kiện.
Một điều nữa quan trọng không kém, vai trò quản lý nhà nước ở đâu, hay quản lý cước vận tải khó tới mức không cơ quan đủ khả năng làm? Ban đầu, ngành tài chính quản lý, doanh nghiệp vận tải phải thông báo, kê khai với cơ quan tài chính địa phương (Sở Tài chính) nếu thay đổi giá. Thì nay, trách nhiệm này chuyển giao sang Bộ GTVT, vốn chỉ quản lý nhà nước sao cho người dân đi lại an toàn, thuận tiện. Thế nên, tới nay giá cước vận tải có theo giá nhiên liệu hay không là câu chuyện giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp vận tải, của thị trường.
Người tiêu dùng biết kêu ai bây giờ khi họ mãi là người bị bắt làm con tin của quả bóng trách nhiệm.