Di cảo Nguyễn Huy Thiệp:

Còn nhiều việc phải làm

TP - Tập di cảo Nguyễn Huy Thiệp Anh hùng còn chi bao gồm tác phẩm chưa từng in thành sách của nhà văn bao gồm thơ, truyện ngắn, tiểu luận - tạp văn và kịch bản phim truyện. Cuốn sách còn có phần dành riêng cho những ký họa trên gốm của Nguyễn Huy Thiệp và một số ảnh chụp nhà văn. Buổi ra mắt sách tại Hà Nội ngày 22/11 thu hút hàng trăm độc giả.
Còn nhiều việc phải làm ảnh 1
Các diễn giả Mai Anh Tuấn, Lê Thiết Cương và Phạm Xuân Nguyên (từ trái qua) tại buổi ra mắt tập di cảo Anh hùng còn chi. Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhấn mạnh, với hiện tượng văn chương như Nguyễn Huy Thiệp nếu không phải anh, ai đó cũng sẽ biên soạn tập di cảo này thôi: “Ứng xử với nhà văn lớn là thái độ văn hóa. Ở Việt Nam, số lượng tác giả có khả năng bảo hiểm vài ba thế hệ đọc (như Nguyễn Huy Thiệp) không nhiều". Anh cho biết, lượng tư liệu để thực hiện cuốn di cảo không nhiều nhưng khá lộn xộn, nên mất nhiều thời gian để định hình cấu trúc cuốn sách.

Còn nhiều việc phải làm ảnh 2

THƠ NGUYỄN HUY THIỆP

Cuốn Anh hùng còn chi phát lộ khía cạnh nhà thơ của Nguyễn Huy Thiệp khi công bố 21/51 bài trong tập Những vần thơ chua xót ông viết tặng ý trung nhân trong khoảng thời gian dạy học ở Sơn La (1971-1977). Chúng mộc mạc và một số mang tính riêng tư nhiều hơn. Tuy nhiên, một số bài cũng thể hiện quan điểm của nhà văn tương lai về thời cuộc: “Đâu cũng thấy bản tính nhác lười/ Thói vị lợi lân la tìm bạn/ Những khuôn mặt vô duyên, buồn chán/ Đất cằn khô, cỏ mọc chen hoa”. Hoặc tự vấn: “Ở trong anh cũng có ươn hèn/ Cũng vụ lợi, dại rồ, ích kỷ/ Cũng có tháng ngày sống vô nghĩa lý/ Cũng hóa tầm thường khi bụng hờn ghen”.

Một phần thú vị, mà lạ lùng, và còn chua xót hơn là những dòng thơ trần trụi ông viết trên giường bệnh. Nó có sức nặng của sự thành thật, thể hiện những cảm xúc, tâm lý rất người: “Con người nhỏ bé/ Xót xa xót xa/ Kiếp người trôi dạt/ Trên đường xót xa/ Chiều mưa buồn thế?”. Hay: “Muốn yêu vợ yêu con/ Muốn yêu hết tất cả/ Nay chỉ còn mong được/ Lòng yêu”. Như vậy, thơ mở đầu cho sự nghiệp viết lách của Nguyễn Huy Thiệp và cuối đời, ông lại vắt kiệt những giọt sống cuối cùng thành thơ.

Nguyễn Huy Thiệp khi còn trẻ từng mong trở thành họa sĩ, nhưng rồi ông nhận ra mình viết thì tốt hơn vẽ những gì mình nghĩ. Tuy nhiên, ông đặc biệt thích vẽ trên gốm, hầu hết để tặng bạn hữu. Ông để lại vài trăm ký họa trên đĩa gốm. Một số trong đó được chụp lại và đưa vào sách. Điều đặc biệt là mặt sau của mỗi chiếc đĩa ông lại viết vài dòng dành tặng cho người được vẽ ở mặt trước. Chẳng hạn đằng sau một bức tự họa nhân dịp tiểu thuyết Tuổi 20 yêu dấu ra mắt, ông viết: “Đời sách đời người chung một phận/ Tìm đạo nào đâu chốn cao siêu?/ Giữ được chữ ‘thường’ không phải dễ/ Sáng tinh khôi, thoắt đã bóng chiều” (trích).

Nói chung, thơ Nguyễn Huy Thiệp tự nhiên, không trau chuốt nhưng đủ độ chiêm nghiệm, day dứt để độc giả có thể lẩy ra một đoạn đăng Facebook. Chẳng hạn, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã chọn những dòng nhà văn gửi vợ: “Ôi thế gian cay đắng vô cùng/ Anh đã khóc như là trẻ nhỏ/ Trong tất cả những gì anh có/ Mong lòng tin đậu ở em thôi”. Vẫn về người vợ, mấy thập kỷ sau ông lại có những dòng viết trực diện: "Vợ tôi như mẹ tôi/ Chăm sóc lo từng tí/ Cho ăn rồi cho uống/ Cho ngủ lại cho nằm/…/ Đái dầm vẫn cười tươi”. Chắc cũng hiếm tác giả nào có thể đi trọn, diễn tả lại trọn vẹn chuyện tình của mình đến như vậy.

Chỉ có ba tác phẩm đại diện cho mảng truyện ngắn vốn là thế mạnh của Nguyễn Huy Thiệp: Truyện đầu tiên Cô My và truyện thứ hai Vết trượt được báo Văn Nghệ chọn đăng, một năm trước khi ông làm nên chuyện với Tướng về hưu (1987), truyện Những bài hát (1989) cũng mới chỉ xuất hiện trên báo. Những truyện ngắn thời kỳ đầu có khoảng cách nhất định về bút pháp so với những tác phẩm làm nên tên tuổi tác giả sau này. Hoặc khó có thể tiên đoán được người viết những dòng đó không lâu sau sẽ thành tên tuổi lớn, đại diện cho cả một thời kỳ.

Có thể thấy, tập di cảo đã điền vào những khoảng trống trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn mà độc giả có thể vẫn tò mò, làm nên một chân dung đầy đủ và trọn vẹn về một tác giả gây tranh cãi và phải chịu không ít lận đận trên đường văn.

Còn nhiều việc phải làm ảnh 3
Họa sĩ Nguyễn Phan Bách - con trai nhà văn - nói lời cảm ơn quan khách cũng như tri ân bố mình. Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

“Thường khi bố tôi còn sống, anh em chúng tôi vẫn ngồi đàm đạo với ông về văn học. Nhưng nói thật là tôi cũng không hiểu lắm về văn học của bố tôi. Cho đến khi bố tôi mất, tôi có khoảng thời gian đọc lại, hiểu hơn về những lời dặn dò, câu chuyện của bố tôi với anh em tôi. Với tư cách con trai nhà văn, tôi vô cùng cảm ơn ông. Trước hết là nhà văn có lẽ là có danh tiếng. Thứ hai là một người bố đã sinh thành và nuôi dưỡng cũng như bảo ban dạy dỗ anh em chúng tôi nên người”.

Họa sĩ Nguyễn Phan Bách

CHUYỆN CHƯA KỂ

Họa sĩ Lê Thiết Cương kể trong buổi ra mắt tập di cảo về chiếc ghế vốn dành để chơi piano mà không hiểu sao một người bạn gái lại tặng cho nhà văn kèm bàn viết (việc này cũng được nhà văn ghi lại bằng thơ: “... Chiếc bàn viết em tặng/ Anh đã giữ suốt đời/ Vật cũ người không cũ/ Vẫn như ngày nào thôi”). Kiểu ghế này có thể tăng giảm độ cao và dưới mặt ghế có một khoang trống dành để cất bản nhạc. Ai dè chỗ đó sau này (vào đầu những năm 1990 khi ông bị quy kết là “phản động”, “hạ bệ thần tượng” khi công bố một số truyện lịch sử) lại là nơi nhà văn cất giấu một số bản thảo khi công an ập vào nhà và tịch thu những trang viết được tìm thấy trên bàn.

Chúng sau đó không được trả lại cho nhà văn nhưng bằng cách nào đó Lê Thiết Cương lại có bản photo của một trong số những truyện ngắn bị lấy đi đó. Anh hứa sẽ tặng lại cho các con của Nguyễn Huy Thiệp. Được biết hai con trai của nhà văn là họa sĩ Nguyễn Phan Bách và Nguyễn Phan Khoa đang xúc tiến làm nhà lưu niệm Nguyễn Huy Thiệp tại 71 ngõ 77 Bùi Xương Trạch.

Nguyễn Huy Thiệp những ngày cuối đời vẫn dành cho Lê Thiết Cương những dòng trọng thị. Họa sĩ kể, nhà văn là người duy nhất có thể đến nhà anh mà không cần hẹn trước, thoải mái sử dụng phòng vẽ cũng như máy tính của anh để sáng tác. Kịch bản Nhà ô-sin chính là lấy cảm hứng từ “gia cảnh” của Lê Thiết Cương khi đó cần tới 8 người giúp việc. Nhà văn khuyên họa sĩ nên bớt dùng người giúp việc vì theo ông người giúp việc có khi còn điều khiển cả chủ.

Tập Anh hùng còn chi in hai kịch bản điện ảnh do chính Nguyễn Huy Thiệp viết là Tướng về hưuKhông có vua (chưa dựng). Ðược biết ông không bằng lòng với cái kết khác kịch bản của Tướng về hưu, nên từng mong muốn đăng kịch bản này lên báo. Những bộ phim được dựng từ tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp: Tướng về hưu (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đưa lên màn ảnh chỉ một năm sau khi công bố truyện), Thương nhớ đồng quê (Ðặng Nhật Minh), Những người thợ xẻ (Vương Ðức) và Tâm hồn mẹ (Nhuệ Giang).

Sau đó, chính họa sĩ được NSND Lê Khanh nhờ đưa đến nhà Nguyễn Huy Thiệp để xin phép đưa Nhà ô-sin lên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Vở kịch được kết thúc bằng hai câu thơ mà đến tận hôm nay vẫn được nhiều người trích lại: “Bỏ cả giang sơn vì người đẹp/ Ai ngờ người đẹp thích giang sơn”. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên không rõ đây có phải thơ của Thiệp không, nhưng ông được tiếp xúc đầu tiên qua tác phẩm này. Lát sau, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh đăng đàn khẳng định đó là thơ của ông. Đồng thời cho biết luôn xuất xứ của câu “Rồi sông đãi hết anh hùng còn chi” được ông Thiệp dùng trong truyện Chảy đi sông ơi.

Hai ông hay ngồi cà phê với nhau ở Hàng Hành, rồi rủ nhau đi bộ vòng quanh hồ Gươm. Bảo Sinh kể: “Khi còn trẻ đi một vòng Bờ Hồ có 15 người bắt tay hỏi thăm. Rồi dần rút lại còn 10 người, 5 người, 1 người… Về sau đi hai vòng hồ mới được một người. Nguyễn Huy Thiệp mới bảo, hình như sông biển đãi hết cả anh hùng”. Bảo Sinh cho biết thơ/văn của họ cứ xen vào nhau kiểu như vậy: “Ông Thiệp có thể triển khai mấy câu thơ thành truyện ngắn tuyệt vời, còn tôi thu lại cả vở kịch thành câu thơ”.

Bảo Sinh khẳng định, mình là người gần Nguyễn Huy Thiệp nhất trong suốt 40 năm. Hai người cùng nhau đi khắp Việt Nam. Mỗi ngày ông trò chuyện với nhà văn chừng 5 tiếng vào ban ngày, buổi đêm lại được nghe tâm sự của bà Trang - vợ nhà văn qua điện thoại - gọi là “ngày Thiệp đêm Trang”. Bảo Sinh còn cho biết ngủ chung với Nguyễn Huy Thiệp rất thích vì nhà văn... không ngáy.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho hay, còn hai tác phẩm nữa của Nguyễn Huy Thiệp chưa thể công bố là Mộ nhà vănBên rìa nước. Anh hy vọng, khi tình hình xuất bản khác đi, tập di cảo sau này của Nguyễn Huy Thiệp sẽ có Mộ nhà văn, còn Bên rìa nước sẽ được in độc lập. Từ 2001, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã xuất bản cuốn tiểu luận Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp dày hơn 500 trang tập hợp các bài viết về Nguyễn Huy Thiệp. Ông hy vọng trong thời gian tới sẽ có một cuốn tương tự cũng dày chừng đó của các tác giả quốc tế. "Chúng ta còn nhiều việc phải làm”, Phạm Xuân Nguyên kết luận.