Con không về với mẹ, lời hẹn 'về quê tìm dâu, cưới vợ' mãi mãi không thành

TPO - Hẹn mẹ dịp tới về quê tìm dâu, cưới vợ, thế nhưng thượng uý Lê Đức Thiện (SN 1980), một trong 22 chiến sỹ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4, gặp nạn trong vụ sạt lở núi ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã không trở về như lời hẹn.

Ngồi ôm kỷ vật của con, bà Trần Thị Tươi (SN 1956), mẹ của thượng uý Lê Đức Thiện thương nhớ, kiệt sức gọi tên con.

Thanh Hoá những ngày mưa dầm dề, càng làm cho xóm nhỏ ở thôn Thạch Đài, xã Định Tăng, huyện Yên Định, quê nhà của thượng uý Lê Đức Thiện, thêm buồn.

Nghe tin thượng uý Thiện cùng 21 đồng đội không may gặp nạn, người thân, xóm giềng, chính quyền địa phương đã đến gia đình động viên, chia buồn, cùng bố mẹ anh, chờ đón anh về quê.

Con không về với mẹ, lời hẹn 'về quê tìm dâu, cưới vợ' mãi mãi không thành ảnh 1 Bà Trần Thị Tươi xem các kỷ vật của con được lưu giữ tại gia đình
Dù được lãnh đạo xã và Trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã báo tin, nhưng bố mẹ thượng uý Lê Đức Thiện là ông Lê Xuân Năm (SN 1955) và bà Trần Thị Tươi vẫn hy vọng phép màu sẽ đến. Nhưng rồi phép màu đã không xảy ra.

Lặng lẽ, đau đớn chờ đón thi thể con đưa về quê, ông Năm, bà Tươi lần dở những kỷ vật của con được cất giữ cẩn thận trong ngôi nhà nhỏ.

Bà Tươi kể: Thiện là đứa ngoan hiền, chịu thương chịu khó nhất nhà. Cả gia đình sống bằng nghề nông, vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT, Thiện nhất định không thi đại học. Thiện bảo, con sẽ nghỉ học đi bộ đội để cho các em ăn học. Năm 1998, Thiện lên đường nhập ngũ, sau 2 năm nghĩa vụ, nhờ sự nỗ lực, Thiện được biên chế vào bộ đội chuyên nghiệp.

 Thượng uý Lê Đức Thiện là con thứ hai trong gia đình có năm anh chị em, hiện chị gái đầu lấy chồng, những anh em còn lại đều vào nam lập nghiệp. Đã 40 tuổi, nhưng thượng uý Thiện chưa cưới vợ. Trong cuộc gọi điện thoại với mẹ gần đây nhất, thượng uý Thiện hứa với bố mẹ, tháng 9 âm lịch sẽ về thăm quê, lo chuyện cưới vợ.

Từ khi bước chân vào quân ngũ, có năm thượng uý Thiện về thăm nhà vài ba lần, có năm chỉ về 1 lần. Rất ít khi thượng uý Thiện đón Tết ở nhà vì anh luôn xung phong ở lại trực Tết cho những đồng đội khác đã có vợ con. Lần thượng uý Thiện về quê gần đây nhất là sau dịp Tết Nguyên đán 2020.

Con không về với mẹ, lời hẹn 'về quê tìm dâu, cưới vợ' mãi mãi không thành ảnh 3 Ảnh chụp thượng uý Lê Đức Thiện
“Cách đây vài ngày, con hẹn sẽ về thăm tôi, từ đó tôi luôn thấy cồn cào, nóng ruột, trông ngày trông đêm. Không ngờ đó lại là cuộc trò chuyện cuối cùng…”, bà Tươi đau đớn cho biết.

Trước đó, rạng sáng 18/10 tại khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Quân khu 4, thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đã xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng đè sập nhiều dãy nhà và vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ của đơn vị. Đến chiều ngày 19/10, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy toàn bộ 22 thi thể. Các anh được đưa về TP Đông Hà và chuẩn bị cho buổi lễ tang - lễ truy điệu chung.

Niềm tự hào của gia đình

Trong số 22 cán bộ, chiến sỹ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 gặp nạn trong vụ sạt lở núi ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, có thượng tá Lê Văn Quế (SN 1971, thôn 1, xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Căn nhà cấp 4 nơi thượng tá Quế sinh ra và lớn lên mấy hôm nay luôn có các đoàn thể, bà con hàng xóm đến động viên, chia sẻ các thành viên trong gia đình. Ông Lê Văn Thế (SN 1945, là thương binh, bố của anh Quế), mắc bệnh cao huyết áp và nhiều triệu trứng tuổi già vốn đã làm sức khỏe của ông suy kém, nay tin dữ báo về từ đơn vị của con trai, càng khiến ông không thể ngồi dậy.

Con không về với mẹ, lời hẹn 'về quê tìm dâu, cưới vợ' mãi mãi không thành ảnh 4 Nhiều người đến động viên, chia sẻ với người thân của thượng tá Lê Văn Quế
Ông Lê Văn Tám, chú ruột Thượng tá Quế cho biết: thượng tá Quế là con trai đầu trong gia đình có năm anh em. Từ nhỏ, anh là một người anh mẫu mực và hiền lành. Nhà đông con, anh phải vừa học vừa phụ giúp bố mẹ dạy bảo cho từng đứa em của mình. Khi anh theo con đường binh nghiệp, gia đình rất tự hào vì người con, người cháu của mình đã trưởng thành và đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nghe tin anh Quế hy sinh, mọi người trong gia đình không khỏi đau đớn.

Tháng 9 năm 1990, anh Lê Văn Quế lên đường nhập ngũ rồi tiếp tục theo học để tiếp nối con đường quân sự chuyên nghiệp và công tác cho đến nay. Trong quá trình công tác, thượng tá Quế không ngừng nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đảm nhiệm nhiều chức vụ với tinh thần tất cả vì nhân dân, vì Tổ quốc. Con trai thứ 2 của thượng tá Quế cũng đang nối tiếp con đường của bố đã lựa chọn.

 Ông Hà Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trinh cho biết: Từ khi nhận được tin thượng tá Lê Văn Quế gặp nạn ở tỉnh Quảng Trị, chính quyền xã thường xuyên cử cán bộ đến chia sẻ, động viên gia đình.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.