Cùng với hot trend của làn sóng phim cổ trang, rất nhiều tranh cãi xung quanh phong tục, cuộc sống, thậm chí trang phục của triều Nguyễn được đặt ra và gây tranh cãi. Sử sách không viết nhiều về những tiểu tiết này, công tác lưu trữ không đầy đủ, nên cho đến giờ người ta vẫn hoài nghi về bất cứ thứ gì nhìn thấy trên màn ảnh. Cuốn sách này đã góp phần “giải mật” một số điều.
Vợ Tham tá phải làm quần quật mới đủ ăn
Cuốn sách viết chung của ba con gái quan Thượng thư Võ Chuẩn có tên là “Lời thì thầm của ba người con gái Huế xưa”. Dịch giả Phan Thanh Hảo (cháu ngoại cụ Võ Chuẩn, con gái bà Băng Thanh – một trong ba tác giả) cho biết ban đầu nhiều người đề nghị rất nhiều cái tên đặc biệt cho cuốn sách, nhưng các con cháu lại thống nhất lấy tên “Lời thì thầm”, bởi những câu chuyện được kể giống hệt như những câu chuyện gia đình mà người lớn hay kể cho con cháu mình nghe, từ đời này qua đời khác, không có tô vẽ, làm màu.
Bà Hảo cũng nhấn mạnh, rất nhiều chi tiết mà bạn bè, người quen của bà cũng thấy ngạc nhiên. Họ hình dung cuộc sống của một gia đình quan lại thì lên xe xuống ngựa, phu nhân quan Tham tá ít nhất cũng có bộ sưu tập hàng trăm bộ áo dài. Nhưng không, trong sách, bà Tham Hải – tên thường gọi của phu nhân ngài Võ Chuẩn phải “nuôi thêm cả lợn lẫn gà, quần quật suốt ngày mới đủ ăn. Vì số lương tháng của người đàn ông không thể nào đủ chia cho hai người vợ với một bầy con, ông Tham phải nhận làm đại lý cho một hãng buôn ngoại quốc, mỗi năm giả vờ xin nghỉ dưỡng bệnh nhưng sự thật là để vào Sài Gòn lo công việc cho hãng” (trang 56).
Ngay cả khi ngài Võ Chuẩn làm đến chức Quản đạo Kon Tum, xây chùa Bác Ái (ngôi chùa cổ lâu đời nhất Kon Tum) thì vợ ngài cũng vẫn phải tự trồng rau, nuôi gà, các con gái phải vào bếp nấu cơm.
Một cuốn từ điển sống
Nghiên cứu sinh Nguyễn Hà Trang sau khi đọc “Lời thì thầm” đã kết luận đây là một cuốn từ điển sống, nó có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa ra những nguyên mẫu của nhiều phong tục, tập quán, và phục dựng lại cả một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt, giai đoạn chuyển mình từ truyền thống sang hiện đại qua cuộc sống của một gia đình quan lớn của triều Nguyễn.
Cũng qua cuốn sách này, nhiều độc giả trẻ biết thêm về những nữ sĩ tài danh của Huế. Trong ba tác giả, có đến hai nhà văn nổi tiếng một thời, trước cả Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca... nhưng lại ít người biết đến vì họ ở xa Huế.
Một người là Minh Đức Hoài Trinh, bà từng là phóng viên chiến trường quốc tế, xuất bản hàng chục đầu sách, là tác giả hai bài thơ nổi tiếng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc “Đừng bỏ em một mình” và “Kiếp nào có yêu nhau”.
Một người nữa là bà Linh Bảo, một nữ nhà văn được Nhất Linh giới thiệu, nổi tiếng với hai tác phẩm “Tàu ngựa cũ” và “Những đêm mưa”.
Riêng bà Băng Thanh tuy không tham gia sáng tác, song bà là vợ của nhà văn Phan Khắc Khoan, một tác giả trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Phần hồi ký của bà Băng Thanh nhận được nhiều ưu ái bởi những thông tin “giản dị nhưng chân thật”. Qua đó, người ta có những hình dung khác về một quan Tổng đốc, Thượng thư: “Ông là người tài hoa, thông thạo cả cầm kỳ thi họa. Ông làm văn, làm thơ rất hay, vẽ rất đẹp. Lại thạo cả mấy thứ đàn ta (đàn dân tộc).
Tuy rất bận rộn nhưng bố vẫn chăm dạy con học và vui nhất là những buổi tối có các con quây quần bên mình” (trang 324).
Hiện nay, tại Huế, ngôi nhà cũ của gia đình Thượng thư Võ Chuẩn trở thành trụ sở của Bộ chỉ huy đồn biên phòng Huế, trong sân vẫn còn cây bồ đề do ông Võ Chuẩn trồng.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Hà Trang sau khi đọc “Lời thì thầm” đã kết luận đây là một cuốn từ điển sống, nó có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa ra những nguyên mẫu của nhiều phong tục, tập quán, và phục dựng lại cả một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt, giai đoạn chuyển mình từ truyền thống sang hiện đại qua cuộc sống của một gia đình quan lớn của triều Nguyễn.