Kỳ thi đấu gần nhất của Ánh Viên cho thể thao Việt Nam là tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Ánh Viên không có phong độ tốt, các thông số chuyên môn đều không tốt so với thành tích của chính cô trước đó.
Kết quả này không khiến những người rõ tình hình của Ánh Viên bất ngờ. Sau khi kết thúc chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ, Ánh Viên không còn được đầu tư như trước. Điều kiện tập luyện của Viên không đảm bảo trong sự thờ ơ của Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL. Nếu đề cập tới chuyện sa sút của Ánh Viên thì không thể không nhắc trách nhiệm của ngành thể thao.
Quá trình tập huấn kéo dài nhiều năm tại Mỹ đã được báo chí chỉ ra nhiều vấn đề, nhưng ngành thể thao không có sự điều chỉnh. Thậm chí nếu nói ngành “nói 1 đằng, làm 1 nẻo” cũng không sai khi một mặt đặt mục tiêu cho Ánh Viên hướng tới Asiad và Olympic, nhưng thi đấu dàn trải, việc tập huấn không được giám sát, phó mặc cho HLV Đặng Anh Tuấn cho tới khi ông Tuấn vỡ lở ra chuyện nợ nần.
Ánh Viên là VĐV lớn của thể thao Việt Nam với hàng chục tấm HCV các loại trong sự nghiệp thi đấu. |
Có thể việc ngành thể thao hạ mức đầu tư cho Ánh Viên xuất phát từ thực tế đánh giá cô không còn cơ hội phấn đấu ở đấu trường Olympic (vì đã lỡ thời gian tốt nhất để phát triển), nhưng sự thiếu quan tâm với Viên thời gian qua thực sự đáng trách. Cho dù thế nào, Ánh Viên vẫn là một VĐV lớn của thể thao Việt Nam với hàng chục tấm HCV các loại. Để dẫn tới việc Ánh Viên xin chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao vì bất kỳ lý do gì cũng là sự đáng trách.
Cách đây không lâu, một trường hợp khác là VĐV Phạm Thị Kim Huệ (bóng chuyền) cũng vất vả vì cách ứng xử tệ bạc của những người có trách nhiệm. Sức ép của dư luận khiến Bộ VH-TT&DL phải vào cuộc nhưng cuối cùng cũng theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, không đi tới đâu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có lẽ còn bận rộn nhiều việc quan trọng khác nên không quan tâm hết, nhưng nếu ngành thể thao tiếp tục ứng xử với các nhân vật lớn của ngành mình như vậy, người khác nhìn vào thể thao thật khó có vị thế.