Con đường đến với khủng bố của thanh niên Pháp

Thanh niên Pháp gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Ảnh: AFP.
Thanh niên Pháp gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Ảnh: AFP.
Thất nghiệp, phạm pháp, tù tội và thiếu sự quan tâm của xã hội là con đường nguy hiểm đẩy nhiều thanh niên Pháp đến với chủ nghĩa khủng bố.

Cả nước Pháp và thế giới vừa bàng hoàng chứng kiến một loạt những vụ xả súng và đánh bom ở thủ đô Paris, khiến ít nhất 120 người thiệt mạng. Dù chưa tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về những vụ khủng bố này, các chuyên gia phân tích nghi ngờ phiến quân Nhà nước Hồi giáo hoặc al-Qaeda là thủ phạm.

Những vụ khủng bố này phản ánh một thực tế đáng báo động là nước Pháp đang chứa trong mình những kẻ khủng bố vô cùng nguy hiểm, có khả năng thực hiện những vụ tấn công đẫm máu, trong đó có không ít những thanh niên bị đẩy vào con đường cực đoan hóa.

"Dù thế nào tôi vẫn yên tâm khi nó đang ở Pháp chứ không phải Syria. Tôi thà thấy con trai trong tù còn hơn phải hình dung ra cảnh nó cầm súng phục vụ quân khủng bố", bà Liliane, một người mẹ 75 tuổi đau xót nói với phóng viên trang 20 Minutes sau khi thăm con trai tại nhà tù Fleury-Mérogis, thành phố Saint-Denis, ngoại ô Paris hồi đầu tuần.

Đây là lần đầu tiên bà được gặp Geoffrey kể từ khi cậu thụ án tại nhà tù này vào tháng 5/2015.

Tuy nhiên, từ lúc con trai vào tù, bà Liliane luôn sống trong tâm trạng sợ hãi khi nghĩ đến việc Geoffrey sẽ bị các phần tử cực đoan trong tù tiếp tục dụ dỗ đến với con đường khủng bố. Đối với bà, đó là nỗi bất hạnh lớn hơn cả cảnh tù tội mà Geoffrey đang trải qua.

Thật không may, nỗi lo lắng sau lần gặp gỡ này đã trở thành sự thật khi bà chứng kiến con trai  mình để râu trở lại, nét mặt cũng trở nên lạnh lùng, vô cảm hơn.

Bất chấp lời trấn an của Geoffrey: "Mẹ đừng lo lắng gì cả, mọi việc sẽ ổn thôi", người mẹ 75 tuổi vẫn thấy ớn lạnh sống lưng khi cảm nhận được sự bất cần trong từng lời nói của con.

Nhà tù trở thành nơi truyền đạo

Geoffrey năm nay 24 tuổi, từng một lần ngồi tù vì tội buôn bán ma túy, và có một quá khứ không mấy tự hào. Bị bố mẹ ruột bỏ rơi từ khi mới 4 tháng tuổi, dù được mẹ nuôi hết mực yêu thương, Goeffrey không thể tự tin trong học tập vì mặc cảm về nguồn gốc bản thân.

Do kết quả học tập kém, Geoffrey dần tỏ ra chán nản, thường xuyên bỏ học, giao du với những thanh niên lêu lổng không nghề nghiệp trong các khu phố của thủ đô Paris và sa vào con đường nghiện ngập lúc nào không hay.

Sau một thời gian nghiện ngập, Geoffrey bị cảnh sát bắt giam vì tội buôn bán ma túy. Theo bà Liliane, chính quãng thời gian ngồi sau song sắt nhà giam Villepinte ở Saint-Denis đã khiến cậu thanh niên mới lớn này bị cực đoan hóa.

"Nhà tù là môi trường thuận lợi nhất để các phần tử Hồi giáo cực đoan tuyên truyền và nhồi sọ các thanh niên không may bị bắt vào đây. Mỗi lần vào thăm con là mỗi lần tôi nhận thấy nó có sự thay đổi. Nó cùng rất nhiều bạn tù để râu, mặc áo chùng và luôn mang theo thảm cầu nguyện bên mình. Điều này thật nguy hiểm", bà Liliane cho hay.

Sau khi ra tù vào tháng 9/2014, Geoffrey bỏ nhà đi và bắt đầu mối quan hệ với các đối tượng Hồi giáo cực đoan. Đây là quãng thời gian đáng sợ nhất với bà Liliane. Bà luôn phải đối mặt với khả năng con trai sẽ vượt biên sang Syria bất cứ lúc nào.

Lo sợ cho tương lai của con, bà Liliane đã nhờ luật sư đưa Geoffrey vào một trung tâm chống cực đoan hóa tâm lý tại Saint-Denis. Tại đây, Geoffrey cùng rất nhiều thanh niên trở về từ Syria được trải qua các khóa huấn luyện tâm lý.

"Tôi đã thấy nó thay đổi rõ rệt, nó không còn mang theo thảm cầu nguyện và đã có bạn gái", bà Liliane nói, đồng thời khẳng định bà như được sống lại lần nữa vì sự tiến bộ của con.

Thiếu sự quan tâm của xã hội

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tháng 5/2015, Geoffrey một lần nữa bị bắt và kết án ba năm tù vì tội môi giới mại dâm.

"Tôi nghĩ cậu ta đã thực sự muốn quên đi những thứ cực đoan và muốn thay đổi cuộc sống, nhưng thật không may, nguy cơ khủng bố một lần nữa lại hiện hữu khi cậu ta phải quay lại nhà tù", một giáo viên từng huấn luyện Geoffrey cho hay.

"Nếu Geoffrey tiếp tục trở nên cực đoan trong tù, thì đó chính là lỗi của chúng ta, bởi khi khóa học kết thúc, chúng ta không có những biện pháp tiếp nối nhằm hỗ trợ học viên đoạn tuyệt hẳn với tư tưởng khủng bố", Solia Imloul, phụ trách trung  tâm Chống cực đoan hóa tâm lý ở Saint-Denis, nơi Geoffrey theo học, nói.

Mới đây, trung tâm này đã phải đóng cửa vì không có nguồn ngân sách để duy trì hoạt động.

Bà Liliane cho hay sau khi ra tù, Geoffrey và nhiều bạn tù khác không được giới thiệu việc làm, và không được hưởng bất kỳ sự trợ giúp xã hội nào.

Theo bà, chính sự thiếu quan tâm từ xã hội đã khiến con bà một lần nữa phải quay lại trại giam và đối mặt với nguy cơ trở thành một chiến binh khủng bố.

"Tôi không muốn đưa nó đi giáo dục nữa, mà sẽ theo dõi và chăm sóc chặt chẽ con trai mình. Nó chỉ còn tôi, chỉ có tôi mới có thể ngăn cản nó đến Syria. Nhưng tôi già rồi, không thể sống mãi được", bà Liliane nói trong nước mắt.

Không ai có thể chắc chắn được trạng thái tâm lý của Geoffrey sẽ như thế nào khi mãn hạn tù sau hai năm rưỡi nữa. Với những biểu hiện như người mẹ mô tả thì khả năng anh ta quay lại với khủng bố là rất cao, các chuyên gia nhận định.

"Giống như nghiện ma túy, một khi tái nghiện thì con nghiện khó có thể từ bỏ được", một chuyên gia về Hồi giáo cực đoan cho biết.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.