> Doanh nghiệp ì ạch cổ phần hóa, thua lỗ liên miên
> Haprosimex bán cả nhà máy có trả hết nợ?
Bức tranh về DNNN còn phải kể đến hàng chục doanh nghiệp nhà nước khác lâm vào cảnh nợ nần, thua lỗ kéo dài, tỷ suất lợi nhuận trên vốn gần như là con số không, sống dựa vào việc cho thuê lại nhà xưởng, đất đai của nhà nước.
Không phủ nhận những đóng góp, những nỗ lực của DNNN do địa phương quản lý đang làm ăn hiệu quả, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội nhưng chúng ta cũng không khỏi giật mình bởi thực trạng đang diễn ra không chỉ tại Hà Nội.
Chỉ tính riêng Hà Nội thôi, hơn 16.000 tỷ đồng vốn nhà nước đang nằm trong sự quản lý của lãnh đạo DNNN thành phố là khối tài sản không hề nhỏ. Ấy vậy mà khối tài sản ấy đang được quản lý có phần khá lỏng lẻo, bởi cung cách quản trị yếu kém, đầu tư dàn trải và thiếu kiểm soát.
Lấy quy định, hai năm không có lãi phải thay thế người điều hành làm ví dụ thì cũng đã đủ thấy sự trì trệ và buông lỏng quản lý các DNNN tại các địa phương đáng báo động ra sao khi Hà Nội nhiều năm chưa xử lý được giám đốc nào theo quy định này.
Sở Tài chính Hà Nội cho biết, với cơ chế điều hành hiện nay, trách nhiệm gây thua lỗ, thất thoát tại doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý trong một số trường hợp không hoàn toàn thuộc về người điều hành doanh nghiệp.
Lý do là với các khoản đầu tư lớn đều phải có sự chấp thuận của đại diện chủ sở hữu đó là lãnh đạo UBND cấp tỉnh, thành phố. Ngay như thực trạng đầu tư, làm ăn thua lỗ tại Haprosimex khi đầu tư Nhà máy dệt kim tại Ninh Hiệp cũng cần được xem xét trách nhiệm của nhiều cấp.
“Không phải là thành phố không biết vì năm nào chúng tôi cũng có báo cáo đầy đủ về thực trạng hoạt động của các DNNN hoặc nhà nước có cổ phần với các cơ quan chức năng của thành phố. Nhưng việc quyết định xử lý nhân sự, các khoản lỗ ra sao chúng tôi không có quyền”-một cán bộ lãnh đạo Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội cho hay.
Như vậy có thể thấy thực trạng hoạt động của DNNN do thành phố quản lý còn chưa rõ về trách nhiệm, hưởng lợi trên những lợi thế của nhà nước, chậm trễ trong xử lý và rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”.
Bức tranh về khối doanh nghiệp này, đâu đó rất rõ hình ảnh lối điều hành của thời bao cấp ngỡ đã lùi xa.