Ông bà Nguyễn Viết Kiểm - Phan Du. |
... Bữa ngồi lâu lâu với ông Đoàn Duy Thành cựu tù Côn Đảo cựu Phó Thủ tướng tôi có được ông dặn là cứ cữ 12 tháng mười hai dương lịch là các cựu tù Côn Đảo họp mặt hằng năm.
Tôi ân hận lỗi tại mình bởi cứ nhớ nhớ quên quên bao lần vậy mà đã bẵng mãi đi cái hẹn của một việc tử tế ấy... Tình cờ một lần dự cuộc khai mở một căn hầm trong khu núi đá Lương Sơn, Hòa Bình (như là một thứ giải mật?) tôi gặp được một người... Người đó là cụ Nguyễn Viết Kiểm!
Cũng cần nói qua chút khu hầm bí mật này. Dạo chiến tranh phá hoại của Mỹ bắt đầu ở miền Bắc, Thành ủy Hà Nội đã tính đến việc sơ tán những cơ quan chủ chốt của Thành ủy phòng tránh tổn thất. Địa điểm bí mật được chọn là một khu núi đá thuộc huyện Lương Sơn. Một đơn vị thi công thiện chiến có sự giúp đỡ của công binh được điều về đây.
Ông Nguyễn Viết Kiểm được giao trọng trách phụ trách công trình. Gần một năm thì một hệ thống hầm dũi sâu trong núi đá được hoàn tất đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Mặc dù cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ngày càng ác liệt nhưng Thành ủy vẫn bám trụ vững, khi thì ở ngay Thủ đô khi thì tại nơi sơ tán chưa phải tính đếm đến việc lên Lương Sơn. Thấy hệ thống hầm hào bỏ không lâu ngày, ông Kiểm đề nghị nên sử dụng làm nơi đứng chân cho một nhà máy cơ khí.
Đề nghị đó đã được chấp nhận. Vậy nên trong chiến tranh phá hoại ác liệt, nhiều sản phẩm cơ khí thiết yếu phục vụ cho đời sống lẫn quốc phòng vẫn đều đặn được sản xuất tại nơi bí mật Lương Sơn này do chính ông Kiểm làm giám đốc.
Buổi lễ kết thúc. Theo chân cụ Kiểm về nhà cụ ở làng Đại Kim, Đại Từ khi ấy đang còn là ngoại thành Hà Nội, nhác thấy tấm ảnh treo trên tường, tôi xiết bao ngạc nhiên nhận ra hình nhà văn Phùng Quán chụp chung với mấy người trong đó có cụ Kiểm.
Câu chuyện cứ ngược mãi về cái năm cuối bốn chín đầu năm mươi. Đội biệt động Hải Phòng do đại đội trưởng Nguyễn Viết Kiểm phụ trách... Những trận ác liệt với lối đánh táo bạo xuất quỷ nhập thần đã bao phen làm bọn Pháp điêu đứng.
Tiếng vang về chiến công của đơn vị biệt động làm nức tiếng quân khu Tả ngạn và cả chiến trường Bắc Bộ. Nhưng trong một trận đánh không cân sức, biệt động đội Hải Phòng bị tổn thất khá nặng. Đại đội trưởng Nguyễn Viết Kiểm đã bị giặc bắt!
Qua nhiều trại giam và những ngón đòn tra tấn ác liệt nhưng không moi được tin tức gì, đại đội trưởng Kiểm bị đày ra Côn Đảo.
Chuyến tàu chở tù binh từ nhiều chiến trường gần 200 cán bộ chiến sĩ cập Côn Đảo trong đó có Nguyễn Viết Kiểm lần ấy, đau xót vì tổn thất thật nhưng số anh em tù binh bị giam từ trước ở Côn Đảo dường như thấy mình được tiếp thêm sức mạnh.
Mặc dù bị đàn áp tinh vi lẫn khốc liệt dưới sự chỉ huy của tên chúa đảo Jarky, nguyên là Tiểu đoàn trưởng bộ binh Thuộc địa, anh em tù nhân cũ mới đều tiếp tục nuôi nguyện vọng âm ỉ cháy bỏng là quyết tâm vượt ngục, thoát khỏi địa ngục trần gian này để về tiếp tục tham gia cuộc chiến đấu.
Rất nhanh chóng với phản xạ bản lĩnh của một đại đội trưởng từng bao phen chỉ huy những trận đánh quyết liệt quả cảm, Nguyễn Viết Kiểm đã nắm bắt được nguyện vọng của anh em tù binh. Được anh em bí mật bầu vào Đảo ủy, ông Kiểm sớm nhận thấy nguyện vọng đó là chính đáng nhưng nếu khâu chuẩn bị tổ chức không tốt thì sẽ gặp những tổn thất khó lường!
Sau một thời gian và nhiều lần bí mật bàn thảo trong những buổi lao động khổ sai, phương án của Kiểm và Đảo ủy đề ra đã được các bộ phận bí mật của các khu giam phối hợp thực hiện âm thầm nhưng quyết liệt. Năm chiếc thuyền dùng để vượt bể tự tạo bằng song mây rồi bí mật lấy nhựa đường phết lại. Buồm là hàng trăm bộ quần áo của tù nhân được can lại...
Những công việc, những công trình có thể nói là khổ công là kỳ tích ấy được thực hiện hết sức bí mật táo bạo bất ngờ có sự phối hợp nhịp nhàng nhưng có lúc phải đánh đổi cả bằng máu của anh em tù binh dưới sự chỉ đạo kịp thời sáng suốt của Đảo ủy trong đó có Nguyễn Viết Kiểm. Ròng rã hơn nửa năm, năm chiếc thuyền đã được anh em tù binh âm thầm hoàn thành và được giấu kín tại hầm bí mật khoét trong núi đợi thời điểm khởi sự!
Ngày khởi sự được chọn là gần trưa 12-12-1952. Trong buổi lao công khổ sai tại bến Đầm, sau hiệu lệnh tụt chiếc khăn trắng trên đầu của Nguyễn Viết Kiểm, cứ ba đến năm tù binh xông vào áp chế một tên lính gác. Bị hoàn toàn bất ngờ, bọn địch bó tay chịu trói. Năm chiếc thuyền được lấy ra hạ thủy.
Ban đầu những chiếc thuyền buồm lướt đi phần thuận gió phần khí thế hăng hái của một cuộc vượt ngục vĩ đại! Nhưng có ai học hết chữ ngờ. Do việc chế thuyền trong điều kiện hết sức bí mật nên không tránh khỏi những sơ suất.
Sơ suất đó đã thành hiểm họa là không lâu sau cuộc hành trình, nước biển, đầu tiên là ngấm sau đó tràn vào những chỗ thủng. Cả 5 chiếc thuyền đều rơi vào tình cảnh bi đát đó. Đầu tiên là bỏ vũ khí súng ống vừa đoạt được cho thuyền nhẹ bớt.
Nhưng vẫn không ổn. Hàng chục cán bộ chiến sĩ quả cảm xung phong nhảy xuống biển tự tử để giảm tải trọng cho thuyền vẫn không cải thiện được tình hình. Sau một đêm lênh đênh với bao khổ nạn đói khát số sống sót lại phải đối mặt với tàu chiến máy bay địch phong tỏa. Kết cục bi thương của cuộc vượt ngục là 81 đồng chí hy sinh, 117 người bị bắt lại đưa về khám Chí Hòa.
Mãi đến năm 1954, số anh em tù binh bị bắt lại trong cuộc vượt ngục lần ấy có Nguyễn Viết Kiểm mới thật sự được tự do trong cuộc trao trả tù binh tại Sầm Sơn!
... Nhà văn Phùng Quán- cụ Kiểm kể tiếp, hồi ấy trẻ măng vừa chân ướt chân ráo ở mặt trận Bình Trị Thiên về từ Hà Nội được phân công gặp gỡ anh em tù binh Côn Đảo... Phùng Quán đã ở lỳ với anh em hơn một tháng trời. Cụ Kiểm cũng láng máng rằng hình như cuốn Vượt Côn Đảo, nhà văn Phùng Quán viết ngay tại Sầm Sơn chứ không đợi về Hà Nội?
Tháng 10 -1994, Phan Du- Nguyễn Viết Kiểm (bìa phải), ông Vũ Oanh (thứ hai từ phải sang), nhà văn Phùng Quán (bìa trái). |
Cụ Kiểm đã đúng. Vượt Côn Đảo Phùng Quán hoàn thành ngay tại Sầm Sơn. Cuốn tiểu thuyết đoạt Giải Ba Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam ( năm 1954-1955).
Ở tuổi 89, người đại đội trưởng quả cảm của biệt đội Hải Phòng năm xưa từng hóa thân thành nhân vật chính Phan Du trong Vượt Côn Đảo. Tuổi già đeo lắm thứ bệnh nhưng ơn giời, cụ Kiểm vẫn nhúc nhắc đi lại được. Cụ cười hướng về cụ bà đang sải những bước chầm chậm ra bàn nước... Nhà tôi đấy tên là Thoan... Tôi kém nhà tôi ba tuổi... Thoan? Có phải cô Thơm thủy chung gan góc trong Vượt Côn Đảo của Phùng Quán? Hỏi ra thì đúng vậy!
Cụ Kiểm cho biết, mỗi năm cứ vào ngày 12 tháng 12 là số anh em cựu tù Côn Đảo đều họp mặt ở nhà cụ hoặc chọn địa điểm ở Hà Nội. Đầu tiên là anh em tù binh. Sau thì phần bệnh tật tuổi già mỗi năm cứ thưa vắng thì sinh hoạt tập hợp chung với cả số tù chính trị nữa. Có quen biết ông Đoàn Duy Thành cũng là vì thế. Hồi nhà văn Phùng Quán chưa mất, có năm dịp 12-12 cũng có xuống với anh em...
Xuống với anh em? Phải rồi, nhà văn Phùng Quán ở Thụy Khuê, Hồ Tây. Đến Đại Kim đây là xuống! Nhiều lần từng được ngồi lâu với ông sao không thấy ông nhắc đến những mẫu nhân vật của mình nhỉ? Chợt nhớ cô giáo Vũ Bội Trâm, vợ nhà văn có lần nói với chúng tôi anh ấy nhiều bạn bè lắm nhưng hồi gặp khó khăn phải tránh, sợ liên lụy đến người ta!
Qua cô giáo Trâm, cũng được biết thêm cuốn Vượt Côn Đảo mặc dù chữ nhà văn rất đẹp nhưng một cô bé ở Quảng Tường (Sầm Sơn, nơi nhà văn Phùng Quán tá túc trong những ngày làm việc với nhóm anh em tù binh) đã hăng hái chép giúp nhà văn.
Bây giờ cô bé ấy đã là một bà già. Nhưng nếu không bị thất lạc thì bản thảo cuốn Vượt Côn Đảo đã theo cả nhà văn và cô giáo Trâm về bên kia thế giơi?
Chợt nhớ thi sĩ Phùng Cung (người viết và đọc điếu văn trong lễ tang Phùng Quán) một lần rủ rỉ thế này, Phùng Quán không làm văn không viết tiểu thuyết và cũng chả thể hiện văn tài chi ở đây! Vượt Côn Đảo chỉ ghi lại những việc không thường của những con người bình thường.
Chính Phùng Quán đã viết thế này: Côn Đảo không quên Lời Mẹ Dặn/ Dẫu tuổi già vẫn dữ dội tuổi thơ. Mỗi người đều có một Côn Đảo trong mình. Vượt Côn Đảo là vượt gian nan nhỏ hẹp của đời thường, biết vượt thoát những lúc ngã lòng những lúc chông chênh...
Có phải thế không mà Nguyễn Viết Kiểm- Phan Du và đồng đội của cụ còn lại sau lần Vượt Côn Đảo, nay tiếp tục vượt thời gian vượt chính mình để mà đã và đang sống có ích?