Con bò đeo tang

Một trường học ở Bỉ tổ chức “ngày spaghetti”: phụ huynh nấu mì nướng bánh, học trò và thầy cô cùng bán các suất ăn nhằm quyên tiền tổ chức Lớp học trượt tuyết.
Một trường học ở Bỉ tổ chức “ngày spaghetti”: phụ huynh nấu mì nướng bánh, học trò và thầy cô cùng bán các suất ăn nhằm quyên tiền tổ chức Lớp học trượt tuyết.
TP - Hồi sinh viên tôi từng gia sư cho năm bảy trò. Ngấm ngay nhọc nhằn nghề gõ đầu trẻ. Nếu theo nghề truyền thống gia đình, chẳng biết mình sẽ ra sao trong thời buổi thầy cô không phải giáo sư biết tuốt nhưng google cái gì cũng thông suốt, còn phụ huynh thì ngày càng thông minh?.

Em họ tôi lại theo nghề giáo. Từ hồi trường cao đẳng nâng cấp lên đại học, em thường xuyên dạy thêm giờ, thêm tiền, đương nhiên thêm căng thẳng: “Sinh viên thích thì học, không thì thôi. Có lần, giận quá một con bé hết tô son lại điện thoại trong giờ học, em suýt ném nắp bút về phía nó. May kìm được, nếu không ngày mai ra đường nó ném đá về phía mình”.

Là người gốc Thượng Hải dạy trường quốc tế ở Hà Lan, Lucy kể “Nhìn chung học trò Mỹ, Anh, Úc hành xử dân chủ hơn học trò gốc Á. Có lần một trò 15 tuổi người Úc phạm quy, bị gọi lên phòng giáo viên nhắc nhở. Đôi co một hồi, cậu này hét: Ông cút đi. Thầy ngạc nhiên: Đây là phòng tôi mà?!”. Bé Kate nhà tôi thỉnh thoảng đi học về mách “Hôm nay bạn Rob chửi cô giáo là con điếm” “Cô phản ứng thế nào?”, Kate nhún vai “Cô bảo Rob lên gặp thầy hiệu trưởng”.

May mà phần lớn thầy cô kìm nén được. Nhưng ức chế còn đó, tích tụ cho đến ngày triệu chứng trầm cảm, kiệt sức kéo đến. Đầu năm nay, cô giáo Kathleen Hofmans ở Bỉ mạnh dạn kể với truyền thông rằng ba lần cô phải nghỉ ốm vì kiệt sức, có lần nghỉ suốt 5 tháng: “Gia đình một số trò rất khó khăn, bọn trẻ mang cả nỗi sầu muộn ấy đến trường. Nói chung giáo viên chúng tôi chẳng bao giờ hoàn thành công việc một cách trọn vẹn”.

Mùa đông đã cận kề, tôi ngạc nhiên đọc thông tin có những trường ở Bỉ ra thông báo phụ huynh phải đóng thuế chỗ ngồi cho con ăn cơm hộp (mang theo từ nhà) trong phòng có máy sưởi. Bọn trẻ trả tiền ăn trưa ở trường không phải đóng loại thuế này. Quy chế mới cứ dồn dập ban hành, thực thi là hiệu trưởng và giáo viên mới căng thẳng: Sao nỡ đuổi một đứa trẻ ra ngồi ngoài trời đông nhai lát bánh mì cứng như đá chỉ vì bố mẹ chúng không đóng thuế chỗ ngồi?

Luc Swinnen - chuyên gia điều trị tâm lý cảnh báo: “Trong môi trường kinh doanh, người quản lý thường gửi nhân viên bị trầm cảm đến bác sĩ tâm lý giúp hồi phục tinh thần. Nhưng ngành giáo dục hầu như không có ngân quỹ cho chăm sóc tâm lý”. Swinnen khuyên mỗi trường học ở Bỉ nên cử ít nhất hai giáo viên tham gia khóa học về kiểm soát căng thẳng để “những người này đóng vai trò đại sứ, trở về giúp lại đồng nghiệp”.

Em họ tôi từng hỏi “Bên ấy lương giáo viên thế nào? Không có ngày tôn vinh nhà giáo nên bọn trẻ chẳng coi mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương đâu nhỉ?”. Xin thưa lương giáo viên vùng Flanders nơi tôi ở cao bậc nhất châu Âu. 3 năm đầu được trả 24.018 Euro/năm, sau 15 năm lương tăng lên 33.984 Euro/năm. Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hiện chỉ có Đức, Ireland và Luxembourg trả lương giáo viên cao hơn mức này.

Lương ổn thế mà triệu chứng suy kiệt vẫn tăng. Cơ bản nghề giáo ở đâu cũng thế, dạy dỗ con người đâu đơn giản theo giáo án giáo trình là xong. Lucy bảo tôi “Bọn trẻ có thể google ra nhiều thứ, nhưng internet không dạy chúng biết thế nào là sống yêu thương, thái độ khiêm nhường và hành xử làm người đúng nghĩa”. Những phim hay về giáo viên luôn phải cầm sẵn khăn mùi xoa khi xem. Meryl Streep hay Hilary Swank đều có vai diễn đẹp khi làm cô giáo trong Music of the heart, Freedom writers... Tôi kể cho em họ rằng trường mẫu giáo và tiểu học bên này hay dựng mô hình bò, gà, vịt bằng carton ngoài cổng để thu hút học sinh đến lớp. Không có ngày tôn vinh thầy cô, nhưng thỉnh thoảng thấy trên cổ con bò ngoài cổng trường đeo một dải băng đen. Ấy là lúc phụ huynh và học sinh biết cha/mẹ của một thầy/cô nào đó vừa qua đời.

MỚI - NÓNG