Còn bao nhiêu Vedan nữa?

Còn bao nhiêu Vedan nữa?
TP - Thầy giáo nọ gạ tình học trò, anh cảnh sát kia hành hung công an, vị cán bộ tư pháp huyện tự cho mình quyền vi phạm pháp luật, nhà máy xử lý rác đòi nhập khẩu rác…

> Thêm một dòng sông chết 

Những chuyện tréo ngoe ấy chưa lắng dịu thì ngày 4-8, người ta lại phát hiện thêm một chuyện nghịch lý: Nhà máy xử lý nước thải, thay vì xử lý lại xả thải trực tiếp ra môi trường. Sông Đồng Nai, thêm một lần lãnh đủ.

Đau xót thay, theo cơ quan chức năng, hành vi gây ô nhiễm của nhà máy xử lý nước thải tập trung (công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi , khu công nghiệp Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã diễn ra từ 5 năm nay, với khối lượng xả thải lên đến trên 14 triệu m3.

Cùng trong thời gian này, vụ việc gây ô nhiễm sông Thị Vải với quy mô lớn của Công ty Vedan Việt Nam cũng được phát hiện (tháng 9-2008).

Nếu trong trường hợp Vedan năm 2008 hay Tung Kuang năm 2010, ai đó có thể lập luận rằng doanh nghiệp này có yếu tố nước ngoài và thứ các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu là lợi nhuận, môi trường của nước chủ nhà có thể bị họ xem nhẹ, thì không thể đem cái lý ấy giải thích cho trường hợp của Sonadezi: Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi được biết trực thuộc Tổng công ty Sonadezi- doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh Đồng Nai. Công ty này có nhiệm vụ gom nước thải của 42 công ty trong khu công nghiệp Long Thành để xử lý trước khi xả ra môi trường.

Hành vi cố tình gây ô nhiễm của công ty Sonadezi là sự bất chấp pháp luật, bất chấp quyền lợi chính đáng của cộng đồng vì những lợi ích của cá nhân, hay lợi ích của một nhóm người nào đó. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao người ta dám làm vậy, bất chấp bài học của Vedan, một doanh nghiệp cũng đóng trên địa bàn Đồng Nai vẫn còn nóng hổi và dư chấn của nó đến nay vẫn chưa hết?

Điểm lại những vụ vi phạm pháp luật của những cá nhân, tổ chức đại diện cho chính quyền, cho pháp luật, có thể thấy rất rõ họ không thiếu kiến thức về quản lý nhà nước, pháp luật. Phải chăng nhờ có những “quan hệ”, “bệ đỡ, ô che” mới dám làm càn? Và không ít trường hợp bị coi là còn xuê xoa, chưa đủ sức răn đe.

Trong trường hợp của Vedan, dù bị bắt quả tang song báo chí cũng phải tốn biết bao giấy mực, kết luận cuối cùng mới được đưa ra mà việc giải quyết hậu quả đến nay vẫn chưa hoàn tất.

Cũng không có ai mất chức, bị khởi tố hay rút giấy phép kinh doanh. Có phải những điều đó là tiền đề, là mảnh đất màu mỡ để hôm nay, công chúng lại một lần nữa phải chứng kiến một vụ “Vedan 2” ở Đồng Nai? Và còn bao nhiêu Vedan nữa vẫn chưa bị lộ?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.