Một tập thơ về đề tài “cơm nhà” với toàn những câu chuyện đời thường giản dị nhưng lại được tái bản trong thời gian rất ngắn, Lạc lý giải như thế nào về sự “đắt khách” này của “Cơm nhà nói chung là êm”?
Trong ngôn ngữ bình thường, ta dễ thấy người Việt rất coi trọng chuyện “ăn”, chuyện “nhà”. Nên làm gì cũng gắn với việc “ăn”, từ ăn cơm đến ăn mặc, ăn cưới, ăn hỏi… Còn “nhà” thì thân gần, yêu dấu đến độ người bạn đời của mình - họ sẽ gọi là “nhà tôi”.
Sum vầy trong bữa cơm gia đình |
Lạc có cái cơ hội của một người trải qua nhiều trạng thái cơm nhà: từ nhà mình đến nhà người. Không phải bữa cơm nào cũng cơm lành, canh ngọt, gia đình êm ấm quây quần. Có những bữa cơm đẫm nước mắt của bố, của mẹ hoặc con cái. Có những bữa cơm chỉ có một người. Có những bữa cơm giản dị mà vui, có những bữa cơm đủ đầy món nhưng không ai muốn về ăn.
“Cơm nhà” giống như một báu vật đời thường - không quá xa hoa, nhưng không phải ai cũng có được. Có lẽ vì thế, cuốn thơ đã gọi ra một mong muốn sâu kín trong lòng mỗi người về cơm-nhà.
Là một người trẻ từng du học, lại sống và làm việc ở một thành phố “cái gì cũng hối hả” như Sài Gòn, làm thế nào Lạc vẫn duy trì được những bữa cơm nhà, còn rất đều đặn?
Lạc bắt đầu quan tâm đến “cơm nhà” từ một điều tưởng chừng như không liên quan: mình ăn chay. Việc ăn chay không quá thuận lợi để ăn uống bên ngoài. Vì thế, dù là đi du học, ở một mình hay ở cùng người thân, Lạc vẫn dành thời gian để nấu và ăn cơm-nhà mỗi ngày. Cũng từ thói quen đó, mình gặp được người có cùng mối quan tâm - là chồng của mình bây giờ. Chúng mình cùng nhau xây dựng một gia đình nhỏ và tiếp tục nối dài những bữa cơm hàng ngày.
Tác giả Nhược Lạc và “Cơm nhà nói chung là êm” |
Việc sinh sống ở các thành phố lớn với Lạc không phải là một bất lợi đối với cơm nhà. Điều quan trọng là chúng ta chọn dành bao nhiêu thời gian cho việc đó mà thôi.
Ích lợi của cơm nhà với cá nhân Lạc và các thành viên khác trong gia đình?
Lợi ích đầu tiên là….no bụng thôi (cười). Mình và các thành viên đều thích ăn cơm-nhà, đơn giản vì “cơm nhà nói chung là êm”. Còn về tinh thần, bữa cơm là một khoảng thời gian tuyệt vời để gia đình quây quần với nhau. Trong lúc ăn thì hỏi chuyện nhau về ngày hôm đó.
Muốn biết một bữa cơm nhà quan trọng đến đâu, hãy thử… đi xa. Khi đi xa và mong ngày trở về, điều ta nhớ trước tiên sẽ là cơm-nhà. Mùi thơm của nồi cơm mới nấu, hương vị của tô canh mẹ nấu… những điều ấy giống như thứ ngôn ngữ riêng của mỗi gia đình - không nơi nào giống nơi nào. Là điều mà mỗi thành viên trong nhà khi đi xa đều sẽ nhớ về.
Rất nhiều sáng tác trong cuốn sách đều liên đới đến bữa cơm, giống như nó là một nguồn cảm hứng không cạn của Nhược Lạc? Từ khi nào thì bạn nhận ra, một bữa cơm cũng có thể “thơ” đến như thế?
Lạc luôn coi thơ nói riêng, hay việc viết nói chung, là công cụ để thể hiện các quan điểm, lối nghĩ, cuộc sống của mình. Vậy nên các chủ đề Lạc viết thường xoay quanh những việc hàng ngày: từ chén trà mình uống, bát cơm mình ăn, cái cây mới tưới, bông hoa mới mọc trong vườn…
Thực ra mọi điều dù nhỏ nhất trong đời sống - đều có thể trở nên rất “thơ”, nếu như ta dành đủ thời gian để thưởng thức, để cảm nhận.
Một định nghĩa rất ấm áp của Lạc về nhà: “cảm ơn nhau đến trong đời/ để khi giông gió có nơi trở về”. Tôi chỉ muốn hỏi thêm một chút, khi chưa “có nhau”, hoặc giả chưa tìm được nhau, vậy khái niệm “nhà” của bạn là...?
Trước khi lập gia đình riêng của mình, thì mình đã có ngôi nhà lớn hơn - với bố, mẹ và anh trai rồi. Nhưng còn một ngôi nhà khác mà không phải ai cũng chú ý đến - là ngôi nhà trong trái tim mình.
Lạc nhận ra chúng ta chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi trong trái tim mình, ta tự học được cách để hạnh phúc trước. Ta bình an rồi mới có thể trao nhau sự bình an. Ta biết chữa lành chính mình, rồi khi gặp nhau, ta mới có thể chữa lành cho nhau mỗi khi cần đến.
Có người nghĩ rằng phải gặp nhau rồi mới vui, nhưng Lạc thì cho rằng ta phải ổn trước, ta phải vui trước. Rồi khi gặp nhau, những niềm vui ấy mới giao thoa và có thể nhận ra nhau.
Một độc giả bình luận về cuốn thơ như sau: “Đừng học theo “Cơm nhà” của Nhược Lạc, bởi những ấm áp và các bữa cơm đều đặn như thế sẽ níu kéo, trì hoãn ta đi xa, khám phá những vùng đất mới. Lạc nghĩ sao về ý kiến này?
Mỗi gia đình sẽ có cách định nghĩa riêng về “nhà”, về “cơm nhà”. Với Lạc, nhà - là khi ta giữ nhau ở trong trái tim, nhưng không có nghĩa là cần ở mãi bên nhau về mặt địa lý. Cơm-nhà theo đó cũng nên hiểu rộng ra, là những khi ta tận hưởng bữa cơm cùng với nhau, cho dù là ở nhà hay ngoài quán, hay là ta ăn với nhau ở….hai, ba nơi khác nhau, nhưng vẫn nghĩ về nhau.
Ở nhà Lạc, mọi người đều phải học cách tự lập - biết tự chăm lo cho mình, biết tự vui. Khi ở cạnh nhau vẫn sẽ rất vui - cái vui của sự chia sẻ, tiếp chạm, quây quần, ấm áp. Nhưng cái vui của sự tự thân mới là niềm vui bền vững và khỏe khoắn.
Đó là định nghĩa về cái vui thực sự mà gia đình mình muốn xây dựng, nó có thể không đúng với mọi nhà. Nhưng nó giúp chúng mình đi xa được với nhau mà không chán nhau, không níu kéo hay trì hoãn nhau, không làm khổ nhau. Và những bữa cơm không phải là nghĩa vụ cần phải làm. Cơm-nhà nên là bữa cơm-vui thôi, điều nuôi ta no ấm, điều khiến ta nhớ về.
Nhiều gia đình hiện nay không có thời gian và điều kiện để duy trì những bữa cơm nhà. Sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình do đó ngày càng lỏng lẻo. Thực tế này khiến nhiều người lo ngại về sự tồn tại của các giá trị gia đình truyền thống, Lạc có nghĩ như vậy không?
Đầu tiên ta hãy thử nhìn lại việc gìn giữ các giá trị gia đình truyền thống để làm gì? Việc gìn giữ có làm ta vui không? Nếu vui thì hãy giữ, nếu không vui xin hãy dừng. Nhiều người chỉ biết trách móc người trẻ trốn trong thế giới của riêng mình, mà không biết rằng họ trốn trong đó vì thế giới ngoài kia không vui.
Một bữa cơm gia đình mà chỉ luôn là những lời trách móc, ca thán, hỏi về điểm số, thành tích… thì đó là bữa cơm áp lực. Là bữa cơm không ai mong ăn.
Một ngôi nhà chỉ đón người ta về để dọn dẹp, để quét nhà lau nhà, để nấu ăn rửa bát, để truy hỏi hôm nay làm gì, được bao nhiêu điểm, kiếm được bao nhiêu tiền… thì đó không phải một ngôi nhà, mà là một nơi làm việc thứ hai. Làm sao có ai sống được với hai công việc toàn thời gian như thế trong một ngày?
Một bữa cơm nhà, trông vậy thôi, không cần cầu kỳ đâu. Người nhà mình có thể ăn bất kỳ thứ gì mà vẫn thấy vui, miễn là bữa cơm đó không làm ai mỏi mệt.
Chúng ta đã hỏi nhau “bữa nay ăn gì?” nhiều quá rồi. Hay ta thử đặt lại câu hỏi, rằng “bữa nay thế nào?” - để nhận được những câu trả lời khác, những suy xét khác về cơm-nhà, về nhà.