Coca Cola chọc giận cả Nga lẫn Ukraine vì bán đảo Crưm

Coca Cola chọc giận cả Nga lẫn Ukraine vì bán đảo Crưm
TPO - Hãng Coca Cola đã phải rút lại một bản đồ Nga khỏi trang web của hãng vì tấm bản đồ đã gây tức giận cho cả người Nga lẫn người Ukraine : thoạt đầu bản đồ không có Crưm rồi sau lại bổ sung Crưm vào lãnh thổ Nga.

Tấm bản đồ Nga này xuất hiện trên trang web chính thức của Coca Cola trong một thiếp mừng Giáng sinh cuối năm ngoái của Coca Cola ban đầu không có bán đảo Crưm, vùng lãnh thổ đã gia nhập Nga trong 2014; không có tỉnh Kaliningrad lẫn quần đảo Kurile, lãnh thổ mà Nga và Nhật Bản đang tranh chấp chủ quyền.

  

Bị một làn sóng chỉ trích dữ dội của nhiều người Nga theo chủ nghĩa dân tộc, Coca Cola sau đó buộc phải đưa cả 3 vùng này vào tấm bản đồ Nga với dòng chú thích: “Các thành viên cộng đồng mạng thân mến chúng tôi chân thành xin lỗi vì sự cố này. Bản đồ đã được sửa lại hoàn chỉnh. Chúng tôi hy vọng được các bạn cảm thông.”

Nhưng ngay lập tức người Ukraine, bao gồm cả cư dân mạng lẫn thành viên Quốc hội và bộ Ngoại Giao, lại rất tức giận với Coca Cola!

Mustafa Nayyem một nhân vật tích cực khởi xướng phong trào phản đối maidan tại thủ đô Kiev, Ukraine năm 2013 hiện là thành viên trong Quốc hội của đảng cầm quyền của tổng thống Petro O. Poroshenko kêu gọi tẩy chay Coca Cola và sản phẩm của hãng. 

Kết quả là chỉ sau lời kêu gọi vài giờ đồng hồ đã bùng phát cơn bão trên các mạng xã hội Ucraina hô hào “Cấm Coca Cola”. Oleh Tyahnybok, người lãnh đạo đảng Svoboda cánh hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây sức ép đòi có lệnh cấm chính thức Coca Cola hoạt động tại Ukraine “vì đã mặc nhiên thừa nhận Crưm thuộc Nga”. 

Đại sứ quán Ucraina cũng lên tiếng phản đối tấm bản đồ Nga với cả CoCa Cola lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ: “Hành động của Coca Cola đi ngược lại quan điểm ngoại giao chính thức của Mỹ về vấn đề Crưm.”

Vấp phải làn sóng phản đối của Ukraine, Coca Cola đã phải lên tiếng thanh minh và khẳng định “Chúng tôi là một công ty quốc tế và sản phẩm của chúng tôi không liên quan đến bất kỳ một quan điểm chính trị nào. Chúng tôi xin lỗi và đã rút tấm bản đồ khỏi trang web.” 

Trong thư gửi đại sứ quán Ukraine một giám đốc của Coca Cola giải thích rằng việc sửa lại tấm bản đồ do một đại lý quảng cáo bên ngoài thực hiện và không có sự phê duyệt hay công nhận của hãng.

Trong một diễn biến tương tự thì tại Áo đại sứ quán Ukraine cũng chĩa mũi nhọn phản đối vào công ty Pepsi do hãng này đã đăng bản đồ Nga có bán đảo Crưm.

Theo New York Times


MỚI - NÓNG