Có vì học sinh không khi các em phải ngồi 'đội nắng' trong ngày khai giảng?

TPO - Tại cuộc họp của Uỷ ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016 – 2021, chiều 26/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu ai cũng nhớ, nhưng khi “soi” vào đó, chúng ta đã làm đúng chưa? Đơn cử như khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu”, nhưng thực tế chúng ta có vì học sinh không, khi các em phải ngồi “đội nắng” trong ngày khai giảng?
Có vì học sinh không khi các em phải ngồi 'đội nắng' trong ngày khai giảng? ảnh 1

Cuộc họp của Uỷ ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2021, chiều 26/7. Ảnh Xuân Phú

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thẳng thắn cho rằng, suy thoái đạo đức lối sống của học sinh có lỗi chủ quan của ngành Giáo dục. Các chuyên gia trong ngoài nước đều có chung nhận định, chúng ta đào tạo lý thuyết tốt, nhưng lại thiếu kỹ năng mềm, chưa chú ý đến đạo đức, lối sống và dạy người.

Ngành Giáo dục có rất nhiều khẩu hiệu ai cũng nhớ, nhưng khi “soi” vào đó, chúng ta đã làm đúng chưa? Đơn cử như khẩu hiệu “tất cả vì học sinh thân yêu”, nhưng thực tế chúng ta có vì học sinh không, khi các em phải ngồi “đội nắng” trong ngày khai giảng?.

GS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, muốn rèn người trước tiên phải rèn đức cho học sinh. Đức phải có trước, tài có sau và cần coi trọng chữ “thiện”, bởi mọi sai lầm đều từ cái ác mà ra cả. Đặc biệt, muốn giáo dục thành công thì “trường phải ra trường, thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”. Nếu thầy yếu kém thì không nên dạy học sinh.

GS. Nguyễn Minh Thuyết thì chỉ ra thực trạng, học sinh xưa nay biết nhiều nhưng không làm được mấy, nói hay nhưng lại không làm được. Bây giờ phải khắc phục được điều này, làm sao để thế hệ mới nói được và làm được. Muốn vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngoài vấn đề nêu gương từ người lớn, ông cũng đề nghị xử lý nghiêm tình trạng bạo lực học đường, vấn đề đang rất nhức nhối hiện nay.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bản chất và mục tiêu của giáo dục thì không bao giờ thay đổi, nhưng phương pháp, cách làm phải thay đổi theo sự vận động, đổi thay của xã hội. Từ đó, ông nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc áp dụng công nghệ thông tin trong nhà trường. Thay vì chỉ dạy vài chục người, nếu áp dụng công nghệ, người thầy giỏi có thể truyền cảm hứng cho hàng triệu người.

GS. Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đồng tình với nhận định, giáo dục là một thành tố, thành quả của xã hội và không thể tách rời. Trước sự thay đổi không ngừng từ ngoài xã hội, ông cũng nhấn mạnh đến việc phải hướng tới giáo dục con người. Về phương pháp, cần để các em có sự trải nghiệm, hướng đến kỹ năng chứ không phải bằng cấp, kiến thức.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, một ưu tiên hàng đầu trong môi trường giáo dục tới đây là giáo dục làm người, giáo dục đạo đức lối sống hơn là chuyên môn. Ông đồng tình với đánh giá mục tiêu, bản chất trong giáo dục không bao giờ thay đổi, nhưng phương thức thì phải khác, nên phải có sự tích hợp trong giảng dạy. Đặc biệt, để “trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò”, thì mỗi nhà trường phải sạch sẽ khang trang, học sinh, giáo viên phải đổi mới, tự ý thức rèn luyện bản thân.

MỚI - NÓNG