Cổ tích Grimm được làm mới

Trang bìa cuốn truyện tranh. Ảnh: Hà Thanh.
Trang bìa cuốn truyện tranh. Ảnh: Hà Thanh.
TP - Cuốn truyện tranh gồm 10 truyện cổ Grimm tiêu biểu nhất do Viện Goethe tại Việt Nam lựa chọn dịch vừa được ra mắt ngày 28/5. 10 bộ phim cổ tích Grimm được Đài truyền hình Đức ARD dựng theo hướng hiện đại cũng được phát sóng trên kênh VOVTV, bắt đầu từ 31/5.

Phim hoạt hình theo phong cách hiện đại

Các bộ phim được làm mới dựa theo truyện cổ tích Grimm gồm: “Nàng Lọ Lem”, “Chàng thợ may nhỏ thó can đảm”, “Bà Chúa tuyết”,  “Công chúa tóc dài”, “Các nhạc công thành Bremen”, “Bàn ơi hãy dọn ra”, “Nàng Bạch Tuyết”, “Vua ếch”, “Chú mèo đi hia” và “Người đẹp ngủ trong rừng”.

Các bộ phim đều được lồng tiếng Việt và được chiếu vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Phim “Nàng Lọ Lem” được chiếu mở đầu vào lúc 15g30 Chủ nhật 31/5 và được phát lại vào 20g Thứ 7 kế tiếp. Loạt phim sẽ được kết thúc bằng phim “Người đẹp ngủ trong rừng” chiếu ngày  2/8 và phát lại ngày 8/8.

Đây là lần đầu tiên những bộ phim này được chiếu tại Việt Nam nên chưa thể nói trước điều gì nếu mới chỉ được xem một vài đoạn giới thiệu (trailer) tại cuộc họp báo. Tuy nhiên, với cách làm phim kiểu mới, những bộ phim này được hy vọng sẽ cuốn hút khán giả trẻ như bộ phim 3D “Công chúa tóc mây” (“Tangled”) (cũng dựa theo truyện cổ Grimm) do Mỹ sản xuất năm 2010  từng gây sốt tại các rạp trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cổ tích Grimm được làm mới ảnh 1

Dịch giả Chu Thu Phương (trái). Ảnh: Ứng Hòa Dã Phu.

Sách tranh mới mẻ

Song hành cùng phim, các truyện cổ tích trên cũng được tập hợp và ra mắt trong cuốn tranh song ngữ Đức - Việt. Mười một họa sỹ trẻ gồm 6 họa sỹ Đức và 5 họa sỹ Việt Nam đã cùng nhau vẽ tranh minh họa cho 10 truyện kể trên. Ông Michael Flucht, Phó Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam nói: “Những câu truyện cổ tích là phương tiện thích hợp để thúc đẩy sự gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Truyện cổ tích cũng giúp sự sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ em trở nên phong phú hơn và kết nối cũng như thúc đẩy sự hiểu biết giữa các nền văn hóa khác nhau.

Trong truyện “Nàng Bạch Tuyết” thay vì “Gương kia ngự ở trên tường/ Nước ta ai đẹp được dường như ta?, tôi dịch: “Gương xinh, gương ở trên tường/ Ai đẹp nhất nước, hỡi gương, nói nào?” Nó gần giống với nguyên bản tiếng Đức hơn”.

Dịch giả Chu Thu Phương

Truyện cổ Grimm được anh em nhà Grimm, người Đức sưu tầm và xuất bản lần đầu tiên năm 1812 và đã được dịch ra 160 thứ tiếng trên thế giới. UNESCO đã chính thức công nhận Truyện cổ Grimm là di sản văn hóa thế giới. Tại Việt Nam, các thế hệ thiếu nhi đã từng quen thuộc với truyện cổ Grimm qua bản dịch của Lương Hồng Quang và Quang Chiến. Chính vì thế, ban đầu khi nhận được lời mời của Viện Goethe dịch lại cuốn truyện này, dịch giả Chu Thu Phương đã có phần e ngại vì cho rằng rất khó.

Sau khi nghiên cứu lại  hai anh em nhà Grimm, Phương nhận thấy các tác phẩm lớn nhất của hai ông lại là cuốn từ điển thành ngữ, tục ngữ Đức. Khi đọc trở lại những cuốn truyện của Grimm, Phương thấy kho tàng thành ngữ, tục ngữ Đức được thể hiện rất hay trong truyện cổ Grim khiến cô hứng thú. Thế là trong dịp nghỉ Tết vừa qua, khi mọi người đi chơi và chúc Tết, thì Phương không đi đâu cả, đóng chặt cửa bắt tay vào dịch. 

Chu Thu Phương chia sẻ mỗi khi đọc lại truyện cổ tích cô như thấy được trở lại tuổi thơ của mình. Vốn tiếng Đức của Phương khá phong phú nhờ cô có thời gian học mẫu giáo, học phổ thông ở Đức khi đi theo bố mẹ sang công tác tại đây, rồi sau này Phương cũng đã từng là cán bộ làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.

MỚI - NÓNG