Có thể tin vào phép lạ?

Có thể tin vào phép lạ?
TP - Sau cuộc tranh luận sôi nổi hôm qua ở TP Hồ Chí Minh mà chưa có gì sáng tỏ hơn, nhiều người vẫn cho rằng sáng chế của TS Nguyễn Chánh Khê và cộng sự về chiếc máy sản xuất điện từ nước lã có có mùi của giả kim thuật.

> Hoài nghi một sáng chế động trời

Năm 1972, hai nhà khoa học Nhật Bản phát hiện ra hiện tượng phân hủy nước trên bề mặt một chất bán dẫn để tạo ra hydro và oxy, đồng thời tạo ra một dòng điện chạy ở mạch ngoài như một hệ quả của phản ứng phân hủy nước này. Lập tức, vấn đề phân hủy nước thu hút sự quan tâm lớn của giới khoa học, nhất là sau khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.

40 năm trôi qua, khoa học vẫn chưa đạt được bước đột phá nào lớn. Hiệu suất của phản ứng phân hủy nước hiện nay chỉ ở mức khoảng 2 ml khí hydro/giờ/gam xúc tác. Một hiệu suất quá nhỏ để đưa vào sử dụng trong thực tế.

Sáng chế máy phát điện chạy bằng nước lã của TS Nguyễn Chánh Khê, nếu được đánh giá là đúng thì quả là một sự kiện chấn động thế giới, là một sáng chế mang tầm cứu vớt nhân loại. Đùng cái, bài báo của TS Giáp Văn Dương đang công tác bên Đại học Singapore khiến nhiều người ngã ngửa.

Thạc sỹ Nguyễn Huy Thắng, thành viên Diễn đàn Môi trường Việt Nam(VEN), kể chuyện anh sang Thành phố Kôn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) mới đây.

Trước cửa sân ga Kôn Minh, anh thấy một dãy hàng chào bán linh tinh, có mấy chậu nước với một cái máy nho nhỏ thả trong đó, có đầu dây ròng ra ngoài thắp sáng ngọn đèn tròn, không biết công suất bao nhiêu.

Họ quảng cáo đấy là máy phát điện loại nhỏ, mà điện 220V hẳn hoi. Người đứng xem lúc nào cũng thấy đông, có cả người bản địa, cả tây và tất nhiên có cả dân Việt ta. Đích thị là máy phát điện chạy bằng nước đựng trong chậu.

Lần đó, nếu không ngại mang vác, suýt nữa anh mua cái máy phát điện kia về. Nhà nghèo, chậu thau Liên Xô cũ còn mấy cái. Về học chế vài cái máy này, tha hồ dùng. “Chứ tình hình giá điện cứ tăng vù vù thế này, tốn kém quá”, anh Thắng nói.

Đã qua rồi thời kỳ chú Cuội lên Mặt Trăng bằng cách bám rễ gốc đa. Cũng qua rồi thời kỳ mò mẫm giả kim thuật. Trong nhiều lĩnh vực, khoa học đã phát triển đủ để con người biết việc gì có thể xảy ra được, việc gì không. Trong khoa học, có lẽ không còn nữa thời kỳ “nhỡ đâu”, tức thời kỳ mò mẫm giả kim thuật, hy vọng vào sự ăn may vô căn cứ.

Chân lý giản đơn là thế, vậy mà không phải ai cũng nhận ra. Có hay không dấu hiệu của căn bệnh tin phép lạ khi không ít bài báo vội vã vẽ nên tương lai tương sáng từ một sáng chế còn nhiều điều chưa được làm sáng tỏ này?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG