Ông đánh giá thế nào về câu chuyện “gọi vong” ở chùa Ba Vàng?
Trước tiên, với một người không phải nhà sư mà lại làm một việc không phải phận sự của nhà Phật đã là trái đạo, chưa kể việc đưa ra cái gọi là “gọi vong” để moi tiền của người dân. Đã vậy, người ta còn đưa cả những người đã chết ra để nói về kiếp trước của họ bị thế này thế kia. Quả thật đó là một sự gán ghép rất tội lỗi, vô đạo, hoàn toàn trái với những điều răn của nhà Phật.
Tôi đã từng được nghe kể từ chính những nạn nhân ở đó. Khi nghe thấy có câu chuyện như vậy, họ cũng đi xem thực hư thế nào. Nhưng khi đến đó lại thấy câu chuyện hoàn toàn khác, và bản thân người ta cũng thấy ngược với những suy nghĩ ban đầu. Cứ như thể họ đang đứng ngoài ánh sáng và bị dồn vào góc tối, rồi bị móc tiền một cách rất dễ dàng. Họ bị thu rất nhiều tiền, thậm chí về rồi còn bị nhắn tin đòi giống như phường “đạo tặc” chứ không phải bình thường.
Thật không thể tưởng tượng được một ngôi chùa như vậy, lại có một người phụ nữ không biết năng lực, trình độ hiểu biết đến đâu mà có thể sử dụng quyền năng của mình đến mức độ như thế. Cử tri và nhân dân rất bức xúc, vì việc làm đó làm cho xã hội rối ren, còn các gia đình thì thêm phần lo lắng, hoang mang.
“Người ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, tại sao sự việc diễn ra trong một thời gian dài như vậy nhưng lại không bị phát hiện, xử lý? Sự việc diễn ra giữa ban ngày chứ có phải bí mật đâu? Chúng ta có nhiều lực lượng làm việc này, nhưng tại sao vẫn để tồn tại như thế?“.
Ông Lưu Bình Nhưỡng
Riêng đối với trường hợp của bà Phạm Thị Yến, người trực tiếp truyền bá, “gọi vong” báo oán thì có thể bị xử lý ra sao thưa ông?
Đối với trường hợp bà Phạm Thị Yến thì xã hội cần phải lên án, xử lý. Trong trường hợp này, có thể cấu thành tội lừa đảo, vì đã tạo ra lòng tin không có thật để thu tiền. Đó chính là lừa đảo tâm linh, đã vậy còn cưỡng đoạt tài sản bằng cách này cách khác.
Thậm chí cũng cần phải xem bà ấy làm việc này một mình hay có đồng phạm không? Nếu nhà chùa dung túng thì cũng bị liên đới trách nhiệm. Còn nếu nhà chùa chỉ đạo làm lại đóng vai trò tổ chức, phải xem xét xử lý theo pháp luật.
Cũng phải nói thêm rằng, nếu không có cầu chắc cũng chẳng có cung. Theo ông, người ta tìm đến vì niềm tin tín ngưỡng, hay chỉ là một sự mê tín mông muội?
Cái này không phải là tín ngưỡng. Bởi tín ngưỡng đã được luật về tín ngưỡng tôn giáo điều chỉnh rồi. Tín ngưỡng phải lành mạnh chứ không phải mê tín dị đoan đến mức như vậy. Đó không còn là tâm linh thông thường mà là góc tối của tâm linh. Đút lót cho thánh thần như vậy chỉ làm xấu đi tâm linh chứ không phải thứ tâm linh huyền ảo, linh thiêng mà chúng ta vẫn hình dung và hướng đến.
Điều này cũng gióng lên một hồi chuông cảnh báo, rằng chúng ta còn rất yếu kém trong công tác tuyên truyền, xây dựng đời sống văn hóa cho người dân. Trong trường hợp này, không phải lỗi hoàn toàn thuộc về người dân, mà vấn đề đặt ra là vai trò của các tổ chức xã hội ở đâu? Họ không giáo dục, không vận động tuyên truyền, không đồng hành với người dân, để người dân phải đi tìm một góc tối và đặt niềm tin vào đó. Những ai vướng vào sự mông muội đó cần phải được dứt ra.
Cảm ơn ông!