Cơ sở kinh doanh chia sẻ nhà vệ sinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ngày này, tại nhiều cơ sở kinh doanh ở khu vực trung tâm TPHCM xuất hiện những tấm biển nhỏ nhắn ngay mặt tiền với dòng chữ “Toilet - Free of charge” (Nhà vệ sinh miễn phí).

Đó là kết quả sau khi chính quyền quận 1 vận động các cơ sở kinh doanh chia sẻ, tạo điều kiện cho người dân, du khách vào sử dụng nhà vệ sinh khi có nhu cầu.

Đồng tình, đồng lòng

Rong ruổi suốt ngày ngoài đường với chiếc xe chở hàng hóa, chị Thu Phương (ngụ quận 3) thổ lộ, nhiều lúc đang đi làm mà “mắc” quá mà không làm gì được.

"Những người buôn thúng bán bưng như tôi rất cần có những nhà vệ sinh công cộng ở nhiều tuyến đường để mình vừa thuận tiện đi vệ sinh và cũng không phụ thuộc vào người ta bởi thật sự rất ngại. Chỉ cần có nhà vệ sinh, mình chấp nhận bỏ ra 5.000 - 7.000 đồng để sử dụng cho thoải mái”, chị Phương nói.

Lúc cần kíp gặp người quen cho đi vệ sinh nhờ thì không sao, nhưng lỡ đến nơi lạ thì không phải ai cũng thoải mái cho “đi” nhờ.

Cơ sở kinh doanh chia sẻ nhà vệ sinh ảnh 1

Biển nhận diện cho phép sử dụng miễn phí nhà vệ sinh ở quận 1, TPHCM Ảnh: NGÔ TÙNG

Để giải quyết vấn đề cấp bách về tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, Cty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong đã lập kế hoạch xây dựng hàng loạt nhà vệ sinh công cộng tại khu vực trung tâm thành phố. Cty đề xuất giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất và miễn thuế đất để xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở những nơi như gầm cầu vượt, chân cầu.

Liên quan đề xuất trên, ngày 24/3, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TPHCM, cho biết, chân cầu, gầm cầu vượt là khu vực dành cho đường bộ, việc đề xuất xây dựng nhà vệ sinh công cộng hoặc các công trình khác phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng phải đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật. “Nếu xây nhà vệ sinh công cộng tại công trình cầu, gầm cầu vượt, cần phải xem xét về an ninh, an toàn và phòng chống cháy nổ, tránh ảnh hưởng đến kết cấu của công trình giao thông đường bộ”, ông Hải nói.

Vì vậy, nghe tin các cơ sở kinh doanh mở cửa cho người dân, du khách vào đi vệ sinh miễn phí, chị Phương rất vui mừng. “Tôi nghĩ điều này cũng giúp nâng cao ý thức người dân, tránh thói “xả bậy ” ở nơi công cộng. Từ nay tôi không phải lo về nơi vệ sinh khi đang đi bán hàng nữa”, chị bày tỏ.

Chị Đoàn Thị Thái Phương, chủ tiệm Móm Coffee trên đường Hoàng Sa (phường Tân Định, quận 1), nói tiệm hoàn toàn đồng tình với chủ trương của chính quyền bởi việc này cũng khiến “mình thấy vui hơn”.

“Chúng tôi sẵn lòng tạo điều kiện để khách ra vô đi vệ sinh. Khi tham gia đồng hành, bản thân mình xem như cũng đang góp phần giúp thành phố sạch đẹp, thu hút khách du lịch đến với TPHCM”, chị Phương bộc bạch. Theo chị, trước khi đặt biển hiệu như mấy ngày qua, quán vẫn cho phép người đi đường vào vệ sinh.

Tương tự, dù mới treo biển đồng hành từ sáng 19/3, nhưng lâu nay, quán cà phê Tèo trên đường Trần Hưng Đạo (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) đã cho phép khách du lịch, người dân vào đi vệ sinh nhờ. “Mình nghĩ giờ đây khi thấy biển hiệu thì người dân cũng đỡ ngại ngùng khi muốn vào đi vệ sinh”, đại diện quán nói.

Xã hội hóa xây dựng nhà vệ sinh

Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết: "Trước tình trạng thiếu nhà vệ sinh được báo Tiền Phong phản ánh, những ngày qua, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các quận trên địa bàn TPHCM để lên phương án sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhà vệ sinh công cộng. Hiệp hội đã cùng Sở Văn hóa và Thể thao khảo sát 51 điểm để báo cáo UBND thành phố giải pháp cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới hệ thống nhà vệ sinh công cộng”.

Theo đó, từ nay đến cuối năm 2023, Hiệp hội sẽ tài trợ cho TPHCM 200 nhà vệ sinh công cộng. Trước mắt, đến ngày 30/4, thành phố sẽ có 5 nhà vệ sinh được xây dựng mới hoàn toàn và bàn giao cho quận 1. Đến thời điểm hiện tại, 5 nhà vệ sinh được tài trợ đã ấn định chính xác địa điểm, vị trí cụ thể. Hiệp hội đang phối hợp chính quyền địa phương xúc tiến phương án xây dựng, kết nối điện nước.

Theo ông Hiệp, mỗi cabin nhà vệ sinh công cộng đặt ở tuyến phố bao gồm tất cả tiện ích đạt chuẩn quốc tế có tích hợp quảng cáo và màn hình LED trị giá khoảng 550 triệu đồng. Kinh phí xây dựng 200 nhà vệ sinh tại TPHCM sẽ được triển khai từ nguồn quỹ do các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước phối hợp Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam tài trợ.

Ông Hiệp khẳng định, sau khi đưa vào sử dụng, hệ thống các nhà vệ sinh công cộng được Hiệp hội bàn giao cho thành phố sẽ hoàn toàn miễn phí với người dân và du khách.

“Đây là giải pháp chúng tôi triển khai từ ngày đầu thành lập Hiệp hội để góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, mang lại hình ảnh văn minh và môi trường trong lành cho thành phố”, ông Hiệp nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.