Với việc đưa 1,2 tỷ cổ phiếu PLX lên sàn với vốn điều lệ 12.938 tỷ đồng và mức giá chào sàn 43.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của PLX đạt 55.892 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD, chiếm khoảng 3,3% vốn hoá của HOSE (1,68 triệu tỷ đồng tính tới 19.4.2017).
Ngay ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu Petrolimex sẽ chính thức nằm trong top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh VNM, VCB, SAB, VIC, GAS và vượt vốn hóa của BIDV, CTG. Petrolimex cũng trở thành Tập đoàn có mức vốn nhà nước lớn nhất trên thị trường.
“HOSE là sàn chứng khoán có những yêu cầu khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp, chuẩn mực gần tương đương với các sàn quốc tế và đây cũng nơi hội tụ của các doanh nghiệp lớn. Chắc chắn Petrolimex với quy mô lớn sẽ lọt vào nhóm VN30. Đây là mục tiêu của Công ty đồng thời cũng là kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với việc Petrolimex lên sàn”, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chia sẻ.
Kể từ khi cổ phần hóa năm 2011, Petrolimex có sự tăng trưởng doanh thu trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh chính gồm: xăng dầu, vận tải, gas và hóa dầu. Đặc biệt, năm 2016 đánh dấu thành công vượt bậc của Tập đoàn kể từ khi thành lập với doanh thu 123.127 tỷ đồng, cao nhất trong top 10 vốn hóa. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 5.166 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với năm 2015. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 4.254 đồng, chỉ sau Vinamilk và Sabeco trong top 10 vốn hóa.
Petrolimex dự kiến sẽ chia cổ tức năm 2016 tỷ lệ hơn 32% bằng tiền mặt nhằm mang lại những giá trị lớn nhất cho cổ đông. Năm 2017 mục tiêu tổng doanh thu đạt 163.221 tỷ đồng và cán mốc 202.202 tỷ vào năm 2020. Các kế hoạch kinh doanh đều được Ban lãnh đạo Petrolimex đặt ra ở mức thận trọng và điều chỉnh sát tình hình thực tiễn. Cổ tức được đặt ra ở mức tối thiểu là 12% cho đến 3-5 năm nữa.