Cổ phiếu ngân hàng: Bùng nổ nhờ tin đồn, thổi giá?

Cổ phiếu ngân hàng: Bùng nổ nhờ tin đồn, thổi giá?
TP - Gần đây, cổ phiếu ngân hàng liên tục “bùng nổ”. Ngoài xuất hiện những phiên giao dịch khối lượng lớn đi kèm xu hướng giá tăng trên sàn niêm yết, cổ phiếu khối nhà băng còn được săn lùng cả trên thị trường OTC (giao dịch không chính thức). Vì sao nhóm này lại đắt hàng, có hay không việc “ăn theo” tin đồn?

Ầm ầm tăng, giao dịch khủng

Đầu tháng 4/2017, anh Hoàng đang công tác tại một cơ quan ở Hà Nội đột nhiên nhận được cú điện thoại lạ hỏi mua cổ phiếu ngân hàng VPbank. “Ôm” mấy chục ngàn cổ phiếu này lâu dễ đến gần chục năm không ngó ngàng gì đến nay có người, vừa hỏi giá bao nhiêu, nghe đầu dây bên kia thông tin giá cổ phiếu giá 33.000 đồng/cổ phiếu, tức là gấp 4 -5 lần so với  thời kỳ bán chẳng ai mua, anh Hoàng mừng quá, mặc cả đi lại đôi chút rồi gật đầu bán liền.

Cũng như anh Hoàng, chị Lương đang cầm hai cổ phiếu ngân hàng VIB và Techcombank vô cùng phấn khởi. Khoản đầu tư này từng khiến gia đình chị từng cãi nhau vì trót mua vào lúc giá cao chót vót tốn đến tiền tỷ. Còn giờ tuần nào cũng nhận được điện thoại  gọi tới hỏi mua. “Quãng đầu năm họ trả giá 19.000 đồng/cổ phiếu Techcombank nay đã lên tới 38.000 đồng; cổ phiếu VIB cũng tăng lên gấp đôi hồi trước tết, nhưng tôi không bán mà chờ hai mã này lên giao dịch trên sàn”, chị Lương cho hay.

3 tháng nay, cổ phiếu STB  của ngân hàng Sacombank trở thành “hàng nóng”. STB bắt đầu dậy sóng khi thị trường xôn xao việc ông Bùi Thành Nhơn, ông chủ của Tập đoàn Novoland sẽ không vào Sacombank nữa mà thay vào đó, là sự quay trở lại của “cha đẻ” Sacombank, ông Đặng Văn Thành. Rồi đến khi tin đồn ông Thành tan đi, tin ông Nguyễn Đức Hưởng, người vừa rời LienVietPostBank sẽ vào, rồi sau đó lại đột ngột thay  đổi bằng một cái tên nóng  hơn - “đại gia” Dương Công Minh, ông chủ Tập đoàn Him Lam. Cứ thế, STB dồn dập sóng và liên tục lên xuống quanh ngưỡng từ 9.500 đồng lên tới 14.300 đồng/cổ phiếu. Anh Đại Nguyễn, một nhà đầu tư trên sàn ACB phấn  khởi cho biết: “Nhờ vào ra đúng nhịp theo tin đồn, đợt này tôi kiếm được 30% lợi nhuận từ khoản đầu tư mã STB”.

Cũng từ đầu tháng 6 này, những thay đổi nhân sự cao cấp và kế hoạch rậm rạp lên sàn đã khiến cổ phiếu ngân hàng LienVietPostBank tăng vọt từ ngưỡng 9.000 đồng lên tới sát 13.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 9/6, ông Phạm Doãn Sơn – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc mua thành công 5,18 triệu cổ phiếu theo phương thức mua bán trực tiếp nâng sở hữu lên hơn 5,32 triệu cổ phiếu; tương đương 0,824% vốn điều lệ LienVietPostBank. Cùng thời điểm, 3 Phó Tổng ngân hàng này công bố muốn bán hết lượng cổ phiếu đang nắm giữ. Phân tích động thái, một chuyên gia chứng khoán cho hay nhiều khả năng các giao dịch liên quan tới việc các thành viên chủ chốt đang chủ động tái cơ cấu sở hữu cổ phần giữa họ với nhau.

Cổ phiếu ngân hàng: Bùng nổ nhờ tin đồn, thổi giá? ảnh 1 Thị trường chứng khoán đột nhiên săn lùng cổ phiếu ngân hàng. Ảnh: Như Ý.

Vừa thổi, vừa ăn theo?

Trong khoảng vài tháng gần đây, thị giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng đều đã tăng mạnh, thậm chí gấp đôi giá trị. Đến mức, tại thời điểm này, người ta gần như chắc chắn khẳng định đây được xem là thời kỳ cổ phiếu ngân hàng có không khí sôi động nhất trong chục năm trở lại đây, kể từ cuộc khủng hoảng cổ phiếu ngành  năm 2008.

Trên sàn niêm yết, đầu tháng 6 qua, cổ phiếu EIB của ngân hàng Eximbank có 3 phiên giao dịch thỏa thuận quy mô lớn (phiên 8/6 lên tới 53 triệu cổ phiếu). Điều này khiến thị trường ngạc nhiên và lập tức đặt câu hỏi:  không biết thương vụ giao dịch lớn này có liên quan đến thoái vốn của cổ đông lớn hay tổ chức nào. Một nguồn tin của Tiền Phong cho hay, cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng quan tâm đến giao dịch này, tuy nhiên, theo Luật Chứng khoán, chỉ bên Ủy ban chứng khoán mới nắm chắc nhất các giao dịch sẽ thuộc người mua, người bán tổ chức nào.

“Diễn biến tăng giá trên thị trường là bình thường nhưng vấn đề là đằng sau. Hiện, quan sát chúng tôi thấy rất nhiều cổ phiếu đang tăng vượt giá trị thực. Có thể do thị trường đang kỳ vọng việc Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua sẽ “giải phóng” được một khối lượng tài sản tồn đọng; từ đó các khoản trích lập dự phòng của ngân hàng sẽ hoàn nhập và biến thành lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng không nên loại trừ có yếu tố đầu cơ trên thị trường”, một chuyên gia khối ngân hàng khẳng định.

Thị trường chứng khoán đang phản ứng tích cực với chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ, thanh khoản tốt, lãi suất thị trường một giảm. Chỉ số chứng khoán VN- Index tăng vượt 765 điểm và đang hướng tới 800 điểm. Đây là thời điểm mà nhiều nhà đầu tư đang tìm đến các cơ hội kiếm tiền trên thị trường chứng khoán. Nhìn nhận về dòng tiền nóng đưa vào thị trường, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Cty chứng khoán SSI cho rằng đây cũng là thời điểm lòng tham của các nhà đầu tư  được kích hoạt, thậm chí bắt đầu lấn át sợ hãi, tiền đầu tư tiếp tục được đưa vào tham gia đầu tư cổ phiếu. “Cần tỉnh táo để tránh dẫm vào bẫy của những người “thông minh kiểu Trung Quốc” luôn tồn tại trên thị trường”, ông Hưng khẳng định.

Trả lời Tiền Phong về sự tăng giá của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua, ông Nguyễn Duy Hưng cũng cho rằng hiện tượng hơi không bình thường. Có hay không việc thổi giá, ăn theo tin đồn? Theo ông Hưng, điều này là hoàn toàn có thể!

Trong  khi khối cổ phần sôi động là thế thì tại nhóm NHTM nhà nước đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối,  giao dịch khá bình lặng. Cho đến nay, dù đã tính toán các phương án phát hành, tổ chức giao dịch riêng lẻ hoặc qua trái phiếu chuyển đổi…nhưng cả Ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank vẫn chưa thực sự sôi động bởi chưa có thêm thông tin gì về cổ đông lớn mới và tăng vốn. Dù vậy, trong dòng chảy chung, nhóm cổ phiếu này cũng tăng khá mạnh thời gian qua. 

MỚI - NÓNG