Có nên cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - “Làm thế nào tiến tới học sinh đến trường chỉ cần laptop, một máy tính bảng, hay một smartphone nhưng có thể giúp chúng có thể tự học trên đó và  nó có thể thay sách giáo khoa vừa tốn kém chi phí hàng năm”- Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Song Hiền nêu quan điểm.  

Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 32 về điều lệ trường THCS, THPT có quy định "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên". Quy định này được nhiều bạn teen cũng như các thầy cô giáo quan tâm.

Cụ thể, theo thông tư 32, trong số những điều học sinh được làm và không được làm, điều lệ mới cũng bỏ quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thay đổi này nhằm phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học nhưng để phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý của giáo viên giảng dạy. Vì hiện nay nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh để ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là rất cần thiết.

Thông tin này đã thu hút được sự quan tâm cũng như ý kiến trái chiều các nhà giáo dục cũng như các thầy cô giáo, học sinh thì cảm thấy hào hứng với quy định mới này. Mặt khác, dư luận xã hội lo ngại về vấn đề kiểm soát việc sử dụng điện thoại trong giờ học.

Ủng hộ, nhưng đừng thả nổi

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) ủng hộ quy định mới này vì theo cô Thảo, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 nên việc sử dụng điện thoại thông minh cho học tập mặt được sẽ nhiều hơn hại.

Cũng theo cô Huyền Thảo, việc truy cập thông tin, tra cứu tư liệu, khai thác tài liệu mạng để mở rộng tri thức là mặt được của quy định này.

Tuy nhiên, cô Huyền Thảo cũng cho rằng, việc giáo viên quản lý, giám sát việc sử dụng và cho phép dùng để học tập thì sẽ đảm bảo việc sử dụng theo hướng tích cực. Còn không, sẽ là mặt tiêu cực như người người lo ngại.

“Sử dụng điện thoại trong lớp học cần có sự giám sát và cho phép của giáo viên chứ không phải tự do thả nổi”- cô Huyền Thảo nhấn mạnh.

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Song Hiền nhận xét, việc ban hành thông tư số 32/2020 về điều lệ trường THCS và THPT bao gồm 7 chương và 45 điều có khá nhiều điểm mới và quy định khá chi tiết về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và của học sinh.

Cũng theo ông Hiền, nhiều điều quy định mới được bổ sung và đưa vào như về thư viện,  văn hóa đọc, về đánh giá và kiểm tra học sinh theo hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực,  về hội đồng trường theo hướng tự chủ, về vai trò giáo viên trong áp dụng phương pháp dạy mới.

“Những cập nhật và bổ sung này cho thấy Bộ GD&ĐT đã rất cầu thị, tiếp thu  và có nhiều điều chỉnh trong chính sách giáo dục nhằm bắt kịp những thay đổi do yêu cầu thực tế phát triển của đất nước củng như tiếp cận gần hơn với các nền giáo dục tiến bộ khác”- ông Hiền nhấn mạnh.

Tích cực hay tiêu cực?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Song Hiền phân tích, cũng như các quốc gia đã từng cho phép học sinh được phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) trong lớp học để phục vụ cho quá trình dạy và học, cũng đã vấp phải những phản ứng trái chiều đến từ nhiều bậc phụ huynh thậm chí cả những nhà giáo dục.

Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc đưa công nghệ như máy tính xách tay, máy tính bảng hay smartphone vào phục vụ cho quá trình dạy và học mang lại nhiều tác động tích cực hơn là tiêu cực.

“Những lo sợ về việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như sao nhãng học bài, chơi game, chụp hình thầy cô khi giảng, đó chỉ là những mặt trái có thể xảy ra đối với những nơi thiếu đi sự giám sát chặt chẽ của giáo viên và thiếu các bộ quy tắc về văn hoá sử dụng không gian mạng”- ông Hiền khẳng định.

Ông Hiền cho rằng, từ những nghiên cứu và đánh giá về điện thoại thông minh có thể thấy việc cho phép học sinh sử dụng smartphone trong quá trình học của chúng đối với học sinh từ bậc THCS và THPT là hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại và là một điều tất yếu của sự phát triển của nền giáo dục hiện đại.

Tuy nhiên cũng theo ông Hiền, điều chúng ta cần trao đổi và thảo luận ở đây là cách thức và biện pháp để thực thi việc ứng dụng công nghệ số và smartphone trong quá trình dạy và học như thế nào cho hiệu quả.

Ông Hiền cho rằng, chúng ta không nên đơn thuần sử dụng smartphone như là một nguồn giúp học sinh để khai thác kiến thức mà hơn thế nữa phải biến nó thành một ứng dụng hỗ trợ trong quá trình dạy và học.

“Làm thế nào tiến tới học sinh đến trường chỉ cần laptop, một máy tính bảng, hay một smartphone nhưng có thể giúp chúng có thể tự học trên đó và  nó có thể thay sách giáo khoa vừa tốn kém chi phí hàng năm”- ông Hiền nói.

Việc sử dụng điện thoại trong quá trình học sẽ thú vị hơn?

Nghiên cứu của tiến sỹ Tami (2014) về ứng dụng sư phạm trong việc kết hợp smartphone trong quá trình dạy học đã điều tra về quan điểm của giáo viên, giảng viên, sinh viên và học sinh trong việc sử dụng smartphone trong quá trình dạy học tại trường trung học và trường cao đẳng.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng có tới hơn 70% học sinh trung học sử dụng điện thoại trong lớp học để phục vụ cho việc học của chúng và chúng cho rằng việc sử dụng điện thoại trong quá trình học khiến chúng cảm thấy giờ học thú vị hơn và chúng có động lực để học hơn.

Trong khi đó, những sinh viên cao đẳng với độ tuổi trung bình 32 và giáo viên với độ tuổi trung bình 52 thì thấy khó khăn trong việc ứng dụng smartphone trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, các sinh viên cao đẳng và học sinh trung học đều cho rằng việc sử dụng smartphone giúp chúng học tốt hơn và hộ trỡ chúng nhiều hơn trong quá trình học của chúng.

Từ nghiên cứu trên có thể thấy rằng có sự khác biệt về quan điểm trong vấn đề sử dụng smartphone trong quá trình dạy học giữa ba thế hệ mà chúng ta thường định nghĩa đó là 3 thế hệ X-Y-Z. Những thế X (Sinh từ năm 1965 đến 1980) được xem là thế hệ bắt đầu tiếp cận đến công nghệ. Thế hệ Y (Sinh từ năm 1981 đến 1995) thuộc về thế hệ công nghệ số hay thế hệ số và thế hệ Z ( sinh từ năm 1996 -2010) được gọi là thế hệ của thời đại 4.0.

Đặc trưng của thế hệ này là yêu thích smartphone và xem nó là một phần không thể thiếu trong đời sống của chúng. Thế hệ này nhiều trẻ trước 10 tuổi đã có thể sử dụng thành thạo một chiếc smartphone và đã biết ứng dụng nó vào việc học của chúng.

MỚI - NÓNG