Thế rồi ước mơ ấy cũng thành khi tôi trở thành sinh viên vùng ven thành phố. Kỷ niệm đầu đời với Sài Gòn là một bữa mượn xe đạp bạn đi dạo và cán phải đinh. Trong túi không tiền đành lóc cóc đẩy bộ xe về trường. Tưởng rằng sẽ phải đi cả gần chục cây số giữa cái nắng nóng Sài Gòn thì có anh chàng xe ôm đang ngồi ngáp vặt ven đường ngoắc tay: “Ê! Đẩy xe không?”.
“Dạ em không có tiền”… “Sinh viên hả? Thôi leo lên đi!”… “Dạ nhưng đi đâu?”... “Đi vá xe chớ đi đâu! Nắng chang chang như vầy dắt bộ chịu sao thấu. Leo lẹ lên”. Anh chàng kéo xe chạy tới một ngã tư rồi gióng giọng: “Bảy ơi! Vá xe đi! Thằng này sinh viên hết tiền, miễn phí nghe!”.
Anh ta nói thế rồi vọt đi luôn, để lại cái xe xẹp lép và thằng tôi đứng chơ vơ. Người đàn ông tên Bảy lầm lỳ vá xe. Xong nói gọn lỏi: “Rồi, đi đi” và quay ra đọc báo mà chẳng thèm nhìn mặt khách hàng một lần.
Trà đá miễn phí ven đường
Đó là kỷ niệm đầu tiên, nhưng không phải là kỷ niệm duy nhất để cho tôi cảm nhận cái sự chân thành, mộc mạc đầy ắp tình người của người Sài Gòn. Những lần ông chủ trọ hứng lên là bao cả lũ sinh viên đi nhậu, về bị vợ cằn nhằn lại trợn mắt bảo: ‘Tụi bây nhìn gương tao nên đừng lấy vợ làm chi” rồi len lén đi ngủ.
Những lần bà chủ quán cơm đột nhiên nấu đồ chay và bảo: “Hôm nay ngày giỗ bên nội, tụi bây khỏi trả tiền chi hết” dù rằng cái sổ nợ nhàu nhĩ của bà vẫn chi chít tên của cả lũ. Những lần bị bệnh, ông chủ xe ba gác gần nhà trọ chở nguyên đám vô bệnh viện thăm nuôi nhau…
Những kỷ niệm đó đi theo mãi những năm sau này, dù cả chục năm sau gặp nhau, đám bạn vẫn nhắc tới nhắc lui để nhớ về một thời sinh viên nghèo khó được sống trong sự bao bọc lo toan của người Sài Gòn.
Ra trường đi làm, sống trong không khí ồn áo náo nhiệt Sài Gòn, giữa những bon chen bộn bề đầy toan tính của cuộc sống thì vẫn thấy có một Sài Gòn rất khác lạ. Đó là những bình nước lạnh nằm ven ngã tư đường với dòng chữ: “Trà đá miễn phí!” dù rằng bà chủ bình trà đá ấy vẫn đang bán những hàng hóa khác có khi với giá cao. Là những đợt cắt tóc miễn phí do chủ tiệm cắt tóc vẫn làm sau khi vặt tiền đích đáng vài vị khách giàu tiền lắm của.
Là anh taxi sẵn sàng chở người bị nạn mà quên mối khách đi xe đang đứng đợi giữa đường. Là tiệm vá xe miễn phí đặt ven xa lộ của một anh chàng đã từng là phạm nhân. Là những lần các bà chủ sạp các chợ kéo nhau đi làm từ thiện mà số tiền góp cho đoàn mua quà chỉ là phần nhỏ, bà nào cũng ôm theo bọc tiền, ghé nhà ai thấy nghèo móc túi đưa nguyên xấp…
Những hành động từ thiện ấy như hạt giống, cuộc sống phát triển với sự cạnh tranh khốc liệt nơi Sài thành không làm cho những hạt giống ấy lụi tàn mà ngược lại, nó còn là môi trường kích thích, phát tán rộng để sự khoáng đạt, hào phóng của Sài Gòn lan rộng ra không chỉ khắp Sài Gòn mà còn ở cả nước...
Những phong trào đem ánh sáng văn hóa đến vùng sâu vùng xa rồi sau này trở thành Mùa hè Xanh tình nguyện đã đưa hàng trăm ngàn bạn trẻ Sài Gòn đến với mọi miền của đất nước… Ít ai có thể hình dung những chàng trai cô gái giản dị trong màu áo xanh lá đang “Ba cùng” với những người dân nghèo kia hôm trước còn là công tử, tiểu thư con nhà giàu, luôn sành điệu giữa Sài Gòn.
Những cô cậu tú ngoại tỉnh giờ hạnh phúc hơn rất nhiều so với thế hệ chúng tôi trước kia khi đặt chân vào Sài Gòn để nuôi mộng ông bà cử đã được giúp đỡ ngay từ khi đặt chân xuống Sài Gòn qua phong trào Tiếp sức mùa thi. Những chuyến xe từ thiện mùa Tết chở người ngoại tỉnh về quê, những chương trình Đón Tết cùng công nhân luôn nhận được sự ủng hộ người thành phố từ công sức tới tiền bạc.
Ông chủ hệ thống quán cơm từ thiện 2 ngàn đồng hằng ngày phục vụ hàng ngàn khách từng bảo: “Tôi chỉ góp công thôi chứ thức ăn gạo muối do người dân ủng hộ đó”. Ông cũng bảo trong những người ủng hộ có người đã từng xếp hàng để ăn phần cơm nơi quán ông. Sự bao dung ân cần của Sài Gòn khiến cho những người được nhận trở lên bao dung ân cần trở lại.
Đi giữa đường phố Sài Gòn luôn chật cứng người, ai cũng hối hả, vội vã bởi cuộc sống với cơm áo gạo tiền luôn là gánh nặng cho mỗi người. Nhưng trong dòng người hối hả đó, bạn vẫn thường nghe những câu như: “Anh ơi anh quên đá chống kìa” hay là “Cái bóp sắp rớt nghe cậu, cẩn thận đó”.
Tất cả đều là người xa lạ, chỉ lướt qua nhau một vài lần nhưng sự quan tâm vẫn làm cho lòng người cảm thấy yên bình, ấm áp. Điều bình thường đó là những giọng nói có thể là giọng miền Bắc, giọng miền Trung hay giọng miền Tây… Nghĩa là họ cũng như tôi, chẳng phải dân gốc Sài Gòn nhưng sự chân thành hào phóng của vùng đất chỉ mới hơn 300 tuổi này đã cho họ mang tính cách Sài Gòn!