Có không một 'làn sóng' mới của điện ảnh Việt?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trò chuyện của Tiền Phong Chủ nhật với nhà phê bình điện ảnh Nguyên Lê (Mỹ) về làn sóng mới của điện ảnh Việt cũng như thực trạng nghề phê bình điện ảnh trong nước.
Có không một 'làn sóng' mới của điện ảnh Việt? ảnh 1
Nhà phê bình Nguyên Lê (thứ 3 từ phải sang) và những nhà làm phim trẻ Việt Nam của Spring Auteurs

Thưa anh, điện ảnh Việt Nam đã giành những giải thưởng ấn tượng tại các LHP thế giới trong 5 năm trở lại đây, có ý kiến cho rằng đang có một “làn sóng mới” của điện ảnh Việt. Anh nghĩ sao về nhận định này?

Bản thân Nguyên khi sống và làm việc tại Mỹ thì đã theo dõi điện ảnh Việt của mình rồi. Mình không ngạc nhiên khi cảm thấy “làn sóng” điện ảnh Việt bắt đầu một lần nữa. Tuy nhiên, chính cái sự không ngạc nhiên này cho mình một nỗi lo thường gặp: chúng ta luôn có làn sóng mới nhưng cái làn sóng này khá mau tàn, hoặc chưa đạt được đỉnh điểm thì nó đã đi đâu mất rồi. Nó chưa phải cơn sóng cuộn thật lớn như ở Hawaii mà giống cơn sóng biển tại Vũng Tàu thôi.

Nguyên vui khi thấy điện ảnh Việt có một làn sóng mới, nhưng thứ làm mình hứng thú, tò mò, và tập trung hơn là cơn sóng này sẽ cao bao nhiêu và hiện diện trong bao lâu hơn là cảm giác “Ồ, điện ảnh Việt lại có làn sóng mới nữa”. Dù chúng ta vẫn luôn có làn sóng điện ảnh vì độ am hiểu về kỹ thuật và nghệ thuật của các nhà làm phim ở mọi lứa tuổi, mọi thế hệ lúc nào cũng đi lên, với nhiệt huyết và động lực rất lớn.

Theo anh chúng ta đã có một ngôn ngữ điện ảnh nào đặc biệt so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương?

Mình nghĩ ngôn ngữ điện ảnh đặc biệt nhất của Việt Nam là thứ khá hiển nhiên, đó là bản sắc và ngôn ngữ Việt của mình. Ở bên Mỹ, khi bàn về điện ảnh Việt Nam, hầu như ai cũng hỏi Nguyên rằng “Ủa, Việt Nam có điện ảnh hả?”. Nếu họ khen thì mình cảm ơn, còn chê thì mình tiếp nhận lời góp ý. Đằng này họ hỏi như vậy nghĩa là họ không biết. Đối với mình, cái này đáng sợ hơn nhiều. Cho nên, mình thấy điện ảnh Việt có được tính đặc biệt của nó qua một dạng ngôn ngữ trong lời thoại, trong cách nhả chữ mà có thể khán giả quốc tế còn xa lạ, nhưng đó là một điều tốt.

Còn nói về một thứ ngôn ngữ mang tính điện ảnh hơn, mình thấy điện ảnh Việt đặc biệt ở chỗ: nó có một sự nhẹ nhàng. Không quá lãng mạn như phim Hồng Kông, cũng không quá dịu dàng như phim Nhật, mà nó ở đâu đó trong một miền ảo ảnh mơ hồ và khó tả, đồng thời cũng rất hấp dẫn và mỹ miều ở ngay giữa vùng đó. Đó là một phần giúp điện ảnh Việt khi được công chiếu ở nước ngoài đem lại cho khán giả một giác quan khác, không giống kiểu phim của Vương Gia Vệ hay Ryusuke Hamaguchi. Vẫn là một câu chuyện châu Á với các gương mặt Á châu, nhưng nó mang một bản sắc mới. Thật mừng khi thấy các thế hệ “mọt phim” trẻ lúc nào cũng tò mò với cái mới, cộng với những giải thưởng vừa rồi nên điện ảnh của ta đang gây tiếng vang ở nhiều nơi, lúc nào cũng đủ lửa để dậy lên một làn sóng. Có thể nói đây là “thiên thời, địa lời, nhân hòa”, mọi thứ đang nằm trên một đường thẳng.

Tại LHP Châu Á Đà Nẵng mới đây, tôi thấy anh có tham dự tọa đàm về bảo tồn di sản phim nhựa mang tên “Điện ảnh mà là di sản á?”. Anh thấy gì từ tọa đàm này?

Mình thấy tiêu đề cuộc thảo luận này rất thú vị, là câu hỏi ngay chính bản thân cũng tò mò, và cũng là câu hỏi mình hay được nhận nhất. Khi nhiều người cho đến bây giờ vẫn chỉ nghĩ rằng điện ảnh là để giải trí. Đúng điện ảnh là để giải trí, nhưng đó chỉ là tầng nền. Bởi thời gian sẽ làm mọi thứ phai mờ và thay đổi, thành ra nhiều lúc minh chứng cho tất cả những gì thuộc về mình hay định hình thế giới quan của bản thân chỉ còn qua điện ảnh mà thôi. Tại tọa đàm, mình còn được biết thêm việc bảo tồn phim là thế nào, có những yếu tố gì trong đó. Điều nữa quan trọng hơn, là có nhiều người ở trong nước quan tâm về việc duy trì và bảo tồn điện ảnh thật sự.

Tọa đàm có nhắc tới một sự kiện mà ở bên Mỹ mình đã được đọc, đó là có tới gần 300 cuộn phim của nước mình trong kho lưu trữ bị hư hết. Cảm giác thật xót xa, vì điện ảnh Việt Nam vốn vẫn chưa được biết đến rộng rãi mà giờ còn bị mất đi bao nhiêu dữ liệu, ký ức quý báu. Từ đây mình hiểu thêm rằng ta đang cần gì và phải làm gì để sự việc 300 cuốn phim đó không xảy ra lần nữa.

Cũng tại tọa đàm, mình có dịp chia sẻ về lúc tham dự LHP Viễn Đông FEFF tại Ý, ông giám đốc Kho lưu trữ phim Hàn Quốc có nói với mình: “Vì chúng tôi biết các bạn Việt Nam rất thích xem phim Hàn nên mong bạn về Việt Nam tìm hiểu thử xem liệu kho lưu trữ bên chúng tôi có khả năng chiếu những phim kinh điển thập niên 50-60 của Hàn Quốc tại Việt Nam được không, vì tôi nghĩ rằng sẽ có khán giả xem”. Mình trả lời rằng: “Chắc chắn rồi! Khi các bạn cho chúng tôi xem những phim Hàn Quốc năm xưa thì chúng tôi cũng sẽ chiếu phim Việt Nam kinh điển tại quốc gia của các bạn”.

Tuy nhiên, việc tiếp cận phim lưu trữ của Việt Nam hiện vẫn còn khá khó khăn. Khi mình viết bài về phim Việt cho các đầu báo ở bên Mỹ, họ lúc nào cũng bảo: “Ồ, phim này thú vị quá, giờ tôi muốn xem nó thì có thể xem ở đâu?” thì mình không bao giờ trả lời được câu hỏi đó cả.

Là một nhà phê bình điện ảnh cho các trang nước ngoài lẫn Việt Nam, sau 1 năm về hoạt động tại Việt Nam, anh nhận xét gì về ngành phê bình điện ảnh nước nhà?

Ở Mỹ, mình cũng theo dõi kỹ mảng phê bình điện ảnh của Việt Nam. Dĩ nhiên ngành này luôn có hướng đi lên, nhưng mình thấy nếu cái tuyến phát triển này cứ thay đổi liên tục, không có sự nhất quán thì tội cho các bạn trẻ viết phê bình điện ảnh quá. Bởi các tuyến đó phần lớn nằm trong một khuôn tạm gọi là “online” thôi.

Mình thấy có nhiều bạn trẻ có lối nhận định về điện ảnh hay sự ảnh hưởng của các thước phim đến các bạn, và cách các bạn trình bày nó rất hấp dẫn. Các bạn ở độ tuổi này đã có thể cho ra những cái đó rồi, trong khi bản thân mình phải lớn tuổi hơn mới làm được. Đó là một điều rất ấn tượng. Tuy nhiên, hầu hết những cây bút có tố chất vẫn chỉ hoạt động trên mạng xã hội như các trang blog hay trong các group nào đó. Và chính vì các blog và group đó có được lượng quan tâm và tiếng tăm nhất định ở cái mức các bạn hài lòng, và rồi sau đó các bạn cảm thấy không cần phải phát triển nữa. Mình thấy điều này không sai nhưng rất uổng vì các bạn có thể đi xa hơn.

Mình nghĩ hành trình của các bạn nên bắt đầu từ blog, group rồi sau đó đi ra các đầu báo lớn ở ngoài. Dù việc chuyển những kinh nghiệm và tinh hoa mình đã có trên mạng ra các đầu báo lớn nước ngoài là không dễ dàng gì. Từ thời của mình thì cái này đã xa rồi, bây giờ lại càng xa.

Tại LHP phim Quốc tế TPHCM (HIFF) mới đây, mình là một trong bốn giám khảo của cuộc thi Young Critic Award (Nhà phê bình trẻ). Trước đó, mình chỉ luôn quan sát sự phát triển của những cây bút trẻ, vậy thôi. Nhưng khi trở thành giám khảo, mình có thể tiếp cận sâu thêm một chút. Chính mình cũng đang mày mò để tìm giải pháp giúp các bạn, vì nếu các bạn tham gia cuộc thi và đỉnh điểm hành trình của các Young Critic chỉ chấm dứt ở một hội đồng nhà phê bình trẻ bầu chọn phim cho LHP HIFF thôi mà không đi xa hơn nữa thì quá uổng. Bởi như các nhà làm phim khác, mình tin các bạn trẻ luôn có lửa, luôn tiến lên mà không biết lùi là gì.

Xin cám ơn anh!

Nguyên Lê là nhà phê bình điện ảnh hợp tác với các đầu báo và trang phê bình điện ảnh quốc tế như SlashFilm, Rotten Tomatoes, Fangoria, AwardsWatch, Texas Observer, Houston Chronicle, Roger Ebert, Vietcetera, và Saigoneer. Anh còn là thành viên của các hội điện ảnh như Hiệp hội Critics Choice (CCA), International Cinephile Society (ICS), và hiện là đại diện của Việt Nam cho Liên đoàn quốc tế báo chí điện ảnh FIPRESCI.

MỚI - NÓNG