Chuyện buồn miền biên ải - Kỳ 1:

Cô gái Thái bán mình chữa bệnh cho mẹ

Trong trang phục của thiếu nữ người dân tộc Thái, cả nhà N. hạnh phúc đoàn tụ.
Trong trang phục của thiếu nữ người dân tộc Thái, cả nhà N. hạnh phúc đoàn tụ.
TP - Hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em ở các tỉnh vùng biên như Điện Biên, Lai Châu ngày càng phức tạp. Trong hành trình đưa một cô gái trẻ bị lừa bán sang Trung Quốc về với bản làng, phóng viên Tiền Phong đã chứng kiến nhiều câu chuyện buồn miền biên ải.

“Nghe tin mẹ ốm đêm nào mình cũng khóc. Mình không biết làm sao để có tiền chữa bệnh cho mẹ, chỉ còn cách đồng ý lấy chồng Trung Quốc sẽ được 30 triệu đồng gửi về cho mẹ điều trị”, đó là trải lòng của cô gái Thái Lò Thị N. (SN 1995), ở bản Nôm, xã Chiềng Đông (Tuần Giáo, Điện Biên), người đã tự bán mình sang Trung Quốc và được trở về quê sau 4 năm lưu lạc. 

Tình người nơi quán nước

Tôi đón N. ở chuyến xe từ Lạng Sơn về Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên về cô là một thiếu nữ cao, có làn da trắng, khuôn mặt xinh nhưng đôi mắt đượm buồn. Khuôn mặt hốc hác vì mệt mỏi sau quãng đường dài, sự sợ hãi thể hiện rõ trong ánh mắt cô nhìn dò xét mọi thứ xung quanh. Khó khăn hơn khi giao tiếp là N. chỉ nghe và nói tiếng Kinh được một vài từ cơ bản, cô chỉ nói được tiếng dân tộc Thái và tiếng Trung Quốc. Mọi giao tiếp của chúng tôi phải viết qua giấy, điện thoại. Tôi đón N. bởi trước đó, qua một đồng nghiệp nữ, tôi nhận được điện thoại của một chiến sĩ biên phòng ở Lạng Sơn nhờ giúp đỡ bắt xe giúp một cô gái trẻ bị bán sang Trung Quốc về Điện Biên.

Hành trang về nhà N. không có gì ngoài mấy bộ quần áo cá nhân để trong những chiếc túi bóng ni lông và một vài món quà mà cô mang về cho gia đình gồm 2 bao thuốc lá cho bố, một vài chiếc bánh kẹo cho mẹ và hai em. Gặp người lạ, N. khá nhút nhát, bàn tay nắm chặt mấy túi quần áo lên người. Tôi đưa N. vào ăn phở, mua túi để cô đựng quần áo và một đôi dép thay đôi giày đã rách nát trước khi về nhà. Bất ngờ là cô vẫn biết viết tiếng Việt. Cô bẽn lẽn viết lên tờ giấy dòng chữ và đưa cho tôi với nội dung “anh là người tốt, cảm ơn anh nhiều!”.

Để một cô gái trẻ, không nói được sõi tiếng Kinh, không có điện thoại, nhà tận trên bản về một mình, chúng tôi không yên tâm nên quyết định cùng N. về bản. Chờ xe, chúng tôi ngồi tá túc ở một quán trà đá ven đường, gần bến xe. N. là tâm điểm chú ý của vợ chồng bác chủ quán trà đá và mấy chú xe ôm.

Khi hỏi thăm, biết được thông tin về N, một không khí “kỳ lạ” ở nơi đây. Qua những tiếng Kinh bập bẹ, những ký hiệu, những dòng chữ nguệch ngoạc trên tờ giấy N. viết, mọi người đã động viên cô với những cái nắm tay, vuốt tóc yêu thương. N. chia sẻ những bức ảnh khi cô còn chưa sang Trung Quốc, mọi người ai cũng trầm trồ khen cô có vẻ đẹp khỏe khoắn, như một bông hoa của núi rừng Tây Bắc. Và họ xót xa cho số phận nghiệt ngã, “hồng nhan bạc phận” mà cô phải chịu sau gần 4 năm lưu lạc nơi đất khách quê người.

Bà chủ quán trà đá ôm chầm lấy N., rồi bất ngờ bà nắm lấy tay tôi bảo “nhờ cháu, đã giúp người thì giúp đến cùng nhé. Cháu đưa N. về đến tận nhà rồi hãy về Hà Nội nhé”. Xong bà móc ví, số tiền kiếm được từ sáng đến giờ có 1 tờ 50.000 đồng và mấy đồng bạc lẻ, bà đưa tôi tờ tiền mệnh giá to nhất. “Cô không có nhiều, cháu cầm đi đường để uống nước”, xong bà gói thêm 3kg cam sành ở quán tặng N. đi đường.

Không chỉ bà chủ quán trà đá, một vị khách ngồi quán uống nước cũng biếu N. tiền. Một bác lái xe ôm khoảng 60 tuổi đến quán uống nước, thấy N. bác tỏ vẻ lo lắng khi thấy cổ N. to hơn bình thường bảo “cháu bị bướu cổ rồi, phải đi khám thôi” (bác từng làm việc ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương nên có kinh nghiệm nhận dạng người bướu cổ - PV). Người lái xe ôm còn cẩn thận đưa N. một mẩu giấy viết rõ số điện thoại của mình, số điện thoại bác sỹ chuyên điều trị bệnh nội tiết và dặn: “Về quê, nếu bố mẹ muốn chữa bệnh cho cháu thì gọi cho bác, bác dẫn trực tiếp đến bệnh viện, chở xe ôm miễn phí”.

N. bịn rịn rời khỏi quán trà đá nơi những người lần đầu gặp mặt. Có chút bối rối, xúc động hiện rõ trong ánh mắt cô, bởi những tình cảm đơn sơ, mộc mạc đấy suốt 4 năm qua cô không có được.

Vượt rừng trong đêm

Để đưa N. về bản an toàn, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của hai người bạn đi cùng. Gần tối, xe chuyển bánh, mệt mỏi sau chặng đường dài, N. ngủ thiếp đi. Gần 3h sáng, xe có mặt tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Đường vào bản Nôm gần 20 km, gập ghềnh sỏi đá, taxi đi được hơn 2/3 quãng đường mắc kẹt không thể đi tiếp. Nhóm chúng tôi phải xuống xe, lấy gạch đá lấp những chỗ trũng, đẩy giúp chiếc xe có thể nổ máy quay trở ra và tiếp tục hành trình đi bộ.

Trong làn sương sớm mờ ảo, leo những con dốc chúng tôi đều thấm mệt, riêng N. ngân lên những khúc hát. Những câu hát tiếng Thái trong trẻo vang lên giữa núi rừng yên tĩnh Tây Bắc. N. đã nhớ đường về nhà, cô đi trước dẫn đường nhún nhảy như con chim chích. Những cành hoa ban nở dọc đường đi, N. hái một chùm hoa ban cầm tay ngửi mùi hương và cài lên tóc.

Cô gái Thái bán mình chữa bệnh cho mẹ ảnh 1

Xe taxi không vào được bản, nhóm phóng viên hỗ trợ đẩy xe ra khỏi những ổ voi.

Đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi cũng vào được tới bản Nôm, tiếng chó sủa vang khắp bản. Bố, mẹ N. đã đi ra đón con gái từ đầu xóm. Cầm tay từng thành viên chúng tôi, bố N. run tay nói trong nghẹn ngào “cảm ơn cán bộ, cảm ơn cán bộ”. Căn nhà sàn N. xập xệ, bên dưới để nuôi trâu. Hơn 4h sáng, vừa bước vào nhà cả gia đình ôm chầm nhau khóc, đánh thức không gian tĩnh lặng của núi rừng Tây Bắc. Nhìn những giọt nước mắt đoàn viên trên má của họ, nhóm phóng viên không khỏi xúc động, bao mệt mỏi sau chặng đường rừng hàng trăm cây số dường như tan biến. Cuối cùng N. đã về nhà!

Bán mình cứu mẹ

Được phiên dịch từ tiếng Thái sang tiếng Kinh của bác Lò Văn Thiện (bố N.) và cô Lò Thị Tươi (mẹ N.), tôi được biết những chuyện bên kia biên giới. N. học đến lớp 4 là nghỉ, ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương, rẫy. Tháng 7/2012, cô được bà Quàng Thị Diêu ở xã Búng Lao (Mường Ảng, Điện Biên) rủ đi lên cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) làm thuê bán quần áo với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

“Bà Diêu bảo không phải xin gia đình, cứ đi làm rồi gửi tiền về cho gia đình sau, công việc nhàn hạ không như làm nương rẫy. Nghe vậy, mình bỏ nhà đi theo bà”, N. nói. N. làm thuê bán quần áo cho một cửa hàng gần cửa khẩu Kim Thành. N. không được mức lương như bà Diêu hứa mà trái lại cửa hàng trả công bằng nuôi ăn, ở tại quán. Bà Diêu cùng một người phụ nữ tên Hồng nhiều lần bảo N. đi lấy chồng Trung Quốc nhưng cô không đồng ý dù bị dọa nạt, đánh đập.

Cô gái Thái bán mình chữa bệnh cho mẹ ảnh 2

Xúc động mẹ con N đoàn tụ sau 4 năm xa cách.

Làm công việc ở cửa khẩu được hơn 1 tháng, N. được bà Diêu báo tin mẹ đang ốm nặng, phải vào viện phẫu thuật. Qua điện thoại về cho bố, N. nhận được tin mẹ bị đau đại tràng phải nhập viện cấp cứu nhưng nhà không có tiền đóng viện phí. “Nghe tin mẹ đêm nào mình cũng khóc, xin người ta đưa về nhà nhưng họ không cho về. Mình không biết làm sao để có tiền chữa bệnh cho mẹ, chỉ còn cách đồng ý lấy chồng Trung Quốc sẽ được người ta cho 30 triệu đồng gửi về cho mẹ điều trị. Có thể tủi nhục nhưng với mình mẹ là tất cả”, N. nói trong nghẹn ngào.

Nghe con kể chuyện, đôi bàn tay cô Tươi ôm chặt con gái khóc gào: “Vì mẹ mà con khổ thế! Mẹ thà không chữa bệnh để con không bị người ta mua làm vợ”.

(Còn nữa)

Theo thông tin từ gia đình, N. bị lừa bán sang Trung Quốc từ tháng 7/2012, gia đình đã báo Công an huyện Tuần Giáo (Điện Biên) nhưng không có thông tin về con gái. Gia đình còn nghĩ N. đã chết ở xứ người. Sau khi đưa N. về nhà, phóng viên Tiền Phong đã trình báo với Công an huyện Tuần Giáo.
MỚI - NÓNG