Cô gái người Mông được Forbes Vietnam vinh danh

TPO - “Năm 2007, cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu thành lập Sapa O’Chau, cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sapa) theo mô hình du lịch cộng đồng. Sau hơn tám năm hoạt động, Sapa O’Chau đã mở rộng từ du lịch thiện nguyện sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sapa.”

Đó là lời giới thiệu về Tẩn Thị Shu (SN 1986) được đăng tải trên trang web của Forbes Vietnam sau khi cô gái dân tộc Mông này lọt danh sách “30 Under 30” 2016.

Shu sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó dân tộc Mông ở Xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Shu chỉ được học đến lớp 3 rồi phải theo mẹ xuống chợ bán hàng cho khách du lịch. Tại đây, Shu tự học chữ, tự học tiếng Anh và làm hướng dẫn viên. 

Tính đến năm 26 tuổi, Shu đã có tới 15 năm kinh nghiệm làm du lịch. Công việc làm hướng dẫn viên tuy nhẹ nhàng hơn việc bán hàng. Nhưng vì là một hướng dẫn viên nghiệp dư nên Shu được trả công ít hơn nhiều hướng dẫn viên được đào tạo bài bản khác.

Cô gái người Mông được Forbes Vietnam vinh danh ảnh 1

26 tuổi, Tẩn Thị Shu đã có thâm niên hơn 15 năm làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Ảnh: Dân Trí

Với mong muốn chuyên nghiệp hoá hoạt động du lịch ở địa phương, đồng thời tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh giống mình, năm 2007, cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu quyết tâm thành lập cơ sở du lịch đầu tiên của người Mông tại xã Lao Chải (Sapa) theo mô hình du lịch cộng đồng có tên Sapa O’Chau (“O’Chau trong tiếng Mông là “Cảm ơn”). Du khách khi tham gia vào các tour của Sapa O’châu đến tham quan đồng thời giảng dạy một nghề hoặc ngôn ngữ miễn phí cho trẻ em địa phương.

Do chưa có kinh nghiệm làm quản lý nên công việc điều hành Sa Pa O’Chau của Shu còn gặp khá nhiều khó khăn, có lúc tưởng như rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, sau khi được tài trợ một số khoá học nâng cao năng lực lãnh đạo cũng như được hỗ trợ kinh phí, công việc của Shu dần ổn định. 
Cô gái người Mông được Forbes Vietnam vinh danh ảnh 2Chân dung Tần Thị Shu được đăng trên trang Forbes Việt Nam.

Từ cô bé bán hàng rong cho khách du lịch, giờ đây Shu đã trở thành bà chủ của ngôi nhà du lịch ở Sapa, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.

Tần Thị Su cũng thành lập trường học tên Sapa O’Chau, nghĩa là “cảm ơn Sapa”, để dạy học cho các em nhỏ người dân tộc, đào tạo kỹ năng làm hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, đội ngũ “giáo viên” của Sa Pa O’Chau ty chủ yếu là những du khách nước ngoài đến Sa Pa kết hợp làm tình nguyện nên thời gian làm việc ngắn hạn và không ổn định.

Nhìn nhận thấy những mặt còn hạn chế đó, Su đã biết xây dựng bộ công cụ quản lý nguồn tình nguyện viên giảng dạy, các bộ tiêu chí tuyển sinh đầu vào và bộ tiêu chí đầu ra, quy trình tuyển sinh, mục tiêu đào tạo học sinh, công cụ quản lý và đánh giá sự tiến bộ của học sinh..., giúp đảm bảo tuyển sinh đúng đối tượng và duy trì chất lượng lớp học.

Sau hơn tám năm hoạt động, Sapa O’Chau đã mở rộng từ du lịch thiện nguyện sang kinh doanh đồ uống, hàng thổ cẩm tại Sapa như một cách tạo nguồn thu bền vững doanh thu lên đến hàng tỉ đồng. Hiện tại, Shu cũng đang theo học lớp bổ túc văn hoá để nâng cao kiến thức.

Theo (Tổng hợp)
MỚI - NÓNG