Cô gái đưa cam Vinh ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những trái cam ngọt lịm, thứ đặc sản của vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ xứ Nghệ đang được cô gái trẻ Nguyễn Thị Lê Na (SN 1986, ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) nâng tầm giá trị, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân.

Hướng đi khác biệt

Nguyễn Thị Lê Na có thân hình nhỏ nhắn, nụ cười tươi tràn đầy năng lượng, tạo cảm giác thân thiện với người đối diện. Chị là người sáng lập thương hiệu “Cam Vinh Kỳ Yến”, Phó giám đốc Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ.

Lê Na tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đang có công việc ổn định với mức lương cao, rồi bất ngờ trở về quê khởi nghiệp với cây cam. “Khi tôi trực tiếp làm việc mới thấy việc sản xuất của người dân chỉ mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có những hộ trồng cam rồi lại chặt bỏ để trồng chè, cao su. Để tạo dựng thương hiệu, định vị lại vị thế cho cây cam Vinh trên đất Quỳ Hợp thì cần một hướng đi khác biệt”, cô gái 8X tâm sự.

Hướng đi khác biệt của Lê Na chính là canh tác theo hướng hữu cơ, đảm bảo sạch và an toàn. Để sản phẩm cam quả làm ra không phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường thì phải nâng tầm thương hiệu cam, đảm bảo mọi tiêu chí khắt khe về chất lượng sản phẩm. “Bất cứ ai khởi nghiệp cũng đều có những khó khăn. Tôi lại là một người tay ngang trong lĩnh vực trồng cam, không có nhiều kiến thức chuyên môn trong việc canh tác, trồng trọt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của tôi chính là tìm được một mô hình sản xuất phù hợp, đơn giản cho người nông dân, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”, Lê Na chia sẻ.

Cô gái đưa cam Vinh ra thế giới ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Lê Na (bên phải), người sáng lập và điều hành thương hiệu Cam Vinh Kỳ Yến đang giới thiệu sản phẩm cho khách

Thương hiệu “Cam Vinh Kỳ Yến” ra đời, từng bước chinh phục thị trường trong nước. “Cam Vinh Kỳ Yến” dần xuất hiện tại nhiều cửa hàng, siêu thị, các hội chợ triển lãm quốc tế về các sản phẩm nông nghiệp. Có được những thành công bước đầu, nhưng Lê Na luôn trăn trở làm sao vừa phát triển thương hiệu, vừa có thể hỗ trợ đời sống người dân bản địa.

Cô gái trẻ quyết định trồng cam theo mô hình sinh thái trên diện tích 50 ha với gần 30 nông hộ tham gia liên kết. Lê Na tổ chức sản xuất thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất tác động vào cây trồng. “Tôi đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp trồng cây cam sinh thái. Để giữ được độ tươi ngon tự nhiên của trái cam Kỳ Yến, tạo hương vị riêng, tôi đã thay bằng các loại phân đạm tự nhiên”, Lê Na nói.

Những vụ cam vừa qua, dù thị trường liên tục biến động, cam quả nhiều vùng rớt giá, khó tiêu thụ nhưng sản phẩm “Cam Vinh Kỳ Yến” sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba thị trường.

Nâng giá trị trái cam

Không chỉ tìm đầu ra cho sản phẩm cam quả tươi, Lê Na còn tìm cách nâng giá trị quả cam bằng các sản phẩm tinh chế, như: Vỏ cam sấy khô, múi cam sấy dẻo, mứt nước cam, xà phòng cam, tinh dầu cam. Các sản phẩm được kiểm định bảo đảm “5 không”: Không chất bảo quản, không chất tạo màu, không hương liệu tổng hợp, không chất ổn định và không biến đổi gen.

Năm 2021, thương hiệu “Cam Vinh Kỳ Yến” được cấp tấm “hộ chiếu” để vào thị trường Mỹ. Mô hình trồng cam Lê Na cũng được chứng nhận chuyển đổi canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn JAS của Nhật Bản. Việc giành được những tấm “hộ chiếu” để xuất khẩu cam tươi và các sản phẩm từ cam vào Mỹ, Nhật Bản… đã mở ra những hướng phát triển mới cho cam Vinh.

Đặc biệt, tháng 10/2021, một hãng bia nổi tiếng thế giới đã đặt hàng cam của trang trại nông sản Phủ Quỳ để làm nguyên liệu sản xuất. “Thành công trong hợp tác với hãng bia nổi tiếng thế giới này không phải ở tiền bạc, mà chính là niềm tin về định hướng cho đặc sản cam Vinh. Từ đó đưa cam Vinh cũng như những trái cây đặc sản của Việt Nam lên bản đồ thế giới”, Lê Na nói.

Tiếp xúc với những đoàn làm việc đến từ Nhật Bản, châu Âu khiến Lê Na nhận ra rằng, tư duy trồng cam của mình còn mang tính “ao làng”, chưa tạo được nhiều giá trị kinh tế cho người nông dân. Năm 2018, được sự đầu tư của tổ chức Vietnam Silicon Valley, Na đã thay đổi hoàn toàn tư duy kinh doanh của mình. Thay vì chỉ đi bán quả cam và các sản phẩm chế biến từ cam, Na thay đổi mô hình kinh doanh theo hướng đóng gói thành quy trình trồng cam sinh thái, tìm cách liên kết hộ nông dân trong vùng, hướng đến xây dựng Làng cam sinh thái với diện tích lên tới 500ha.

Năm 2020, Lê Na thành lập thêm Công ty Cổ phần Nông nghiệp sinh thái Ecovi và hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh với ba mô hình FarmLab, FarmShop và Farm Tour. Các mô hình đã tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng, thúc đẩy sự phát triển đa ngành tại địa phương.

“Điều chúng tôi hướng đến là sự phát triển bền vững thay vì tư duy ăn xổi, lướt sóng. Trước đây tôi chỉ chăm chăm tính toán xem 1 ha cam được bao nhiêu tiền, rồi nghĩ nếu có tiền thì lại trồng 2ha, 5ha rồi 10ha, 20ha cam… mà chưa bao giờ nghĩ đến ý tưởng quy hoạch vùng trồng. Việc kết hợp ngành nông nghiệp với dịch vụ và thương mại sẽ làm gia tăng giá trị nông nghiệp”, cô gái trẻ cho hay.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.