Cô gái 9X đưa làn cỏ từ quê ra phố, lan tỏa sống xanh đi chợ không rác

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dương Thùy Dung được nhiều người gọi với tên Làn khi thực hiện dự án "Một chiếc làn cỏ, loại bỏ túi nilon". Không chỉ đưa những chiếc làn cỏ từ quê ra phố, cô còn nỗ lực lan tỏa lối sống xanh, thói quen "đi chợ không rác".

Dương Thùy Dung (SN 1998, quê Thái Nguyên) là cựu sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Từ năm 2 đại học, cô bạn đã xin bố mẹ “ra trường cho con nghỉ một năm con không đi làm nha” (gap year). Dung bắt tay xây dựng kế hoạch, mục tiêu tài chính và nỗ lực thực hiện để khi ra trường đủ trang trải cho một năm "thất nghiệp".

Trong lần "xê dịch" đến Đà Lạt, Dung đã mua chiếc túi cỏ với giá 30 nghìn đồng. Sau đó thường xuyên dùng làn đi chợ, nhiều bạn bè trêu "Làn lại cầm làn đi chợ đấy". Cái tên Làn và những chiếc làn cỏ đến với nhau một cách tình cờ như vậy.

Cô gái 9X đưa làn cỏ từ quê ra phố, lan tỏa sống xanh đi chợ không rác ảnh 1

Dương Thùy Dung bên nguồn nguyên liệu làm làn cỏ. Ảnh: NVCC

Từ việc sử dụng thường xuyên, rồi yêu thích và muốn kinh doanh làn cỏ, Dung đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và nhiều lần vào miền Tây. Cuối cùng, cô tìm được loại nguyên liệu tạo nên chiếc làn cỏ chắc chắn lại thân thiện với môi trường là cỏ bàng.

Dung tìm đến anh Tư - chàng thanh niên quê Tiền Giang và qua anh đấu mối với bà con đặt lô hàng làn cỏ đầu tiên với gần 1.000 chiếc. “Đến giờ, tôi và anh Tư cũng bên nhau được 1 năm 2 tháng rồi đấy”, cô bạn chia sẻ.

Cô gái 9X đưa làn cỏ từ quê ra phố, lan tỏa sống xanh đi chợ không rác ảnh 2

Dương Thùy Dung bên sản phẩm xanh. Ảnh: NVCC

Dung cho biết, lúc đầu bố mẹ không đồng ý vì tiềm năng phát triển công việc trước đó của cô rất cao (trợ lý cho CEO), sợ con gái vất vả. Nhưng thấy được định hướng rõ ràng của con nên bố mẹ tin tưởng và phần nào vơi đi sự lo lắng. “Nếu sau một năm mà mọi thứ vẫn lông bông, không có đồng thu nhập nào, trong tay không có gì, thì không có bố mẹ nào hưởng ứng cả”, Dung nói.

Lan tỏa “đi chợ không rác" và lối sống xanh

Ngoài tạo lập fanpage "LÀN" để bán những chiếc làn cỏ với đủ kích cỡ, Dung còn tạo nhóm facebook mang tên “Đi chợ KHÔNG RÁC".

Theo cô, tỷ lệ những người sống xanh chưa nhiều và hội nhóm về sống xanh cũng chưa thật sự phát triển. Dung mong muốn tạo ra một cộng đồng mà ở đó mọi người có thể khoe những hành động bảo vệ môi trường thường ngày của mình.

Cô gái 9X đưa làn cỏ từ quê ra phố, lan tỏa sống xanh đi chợ không rác ảnh 3

Khi nói về việc nhiều người không bỏ được thói quen dùng túi nilon, Dung cho rằng: “Sống xanh không phải một cuộc cách mạng, ngày hôm qua tôi thế này, mai tôi sẽ phải như thế này.

Mọi người cũng cần thời gian, nếu chúng ta quá gay gắt phê phán thói quen dùng túi nilon, sẽ mang đến tác dụng ngược”.

Bên cạnh đó, Thùy Dung cố gắng thu hút những người chưa từng sống xanh bao giờ tham gia group. Cô cho rằng, ban đầu nhiều người tìm đến "Đi chợ không rác" vì những mục đích khác nhau, chủ yếu là tò mò.

Nhưng theo dõi và đọc các chia sẻ trên group, họ sẽ dần quen và thấy việc mang theo túi, theo hộp không còn phiền nữa mà là điều tích cực, sẽ bắt đầu dùng thử.

Theo cô gái 9X, group “Đi chợ không rác” cũng là kênh để những người kinh doanh khảo sát thị hiếu, nhu cầu và tìm thấy đúng tệp khách hàng là những người quan tâm đến vấn đề môi trường. "Tôi mong muốn tạo ra một cộng đồng văn minh, sạch sẽ cho cả người bán và người mua, những người không bán không mua thì sống xanh và tối giản”, Dung chia sẻ về cách bảo vệ môi trường.

Cô gái 9X đưa làn cỏ từ quê ra phố, lan tỏa sống xanh đi chợ không rác ảnh 4

Hình ảnh được chia sẻ trên "đi chợ không rác"

Dương Thùy Dung và một cộng sự đã triển khai dự án “Một chiếc làn cỏ - Loại bỏ túi nilon” từ đầu năm 2020. Hiện nay, dù chỉ làm một mình và trước thách thức dịch COVID-19, cô gái trẻ vẫn kiên trì lan tỏa lối sống xanh và gắn bó với việc kinh doanh sản phẩm làn cỏ.

Khi được hỏi về những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thùy Dung cho rằng đó là khó khăn chung, “tôi không mất gì cả, chỉ đang đi chậm”. Đã có những doanh nghiệp, tổ chức chính phủ muốn đầu tư cho làn, bảo hộ cho dự án, thậm chí là cho Dung đi du học. Tuy nhiên, tuổi trẻ, cô muốn tự làm, tự thua, tự trau dồi trước đã.

“Có thể một, hai năm nữa không thể phát triển hay một bên lớn khác “nuốt” luôn, mình thấy cũng không sao, thua cái này làm cái khác, khi đó thì mình đã giỏi hơn rồi”, Dung nói.

MỚI - NÓNG