Có F0, nhà máy vẫn “sáng đèn”

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ðợt dịch lần thứ 4 vào giữa năm 2021, không ít doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía Nam chấp nhận đóng cửa khi xuất hiện F0 trong nhà máy. Tuy nhiên, hiện nay trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, cùng với các biện pháp phòng dịch tại chỗ, dù ghi nhận ca mắc COVID-19, các doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Có F0, nhà máy vẫn “sáng đèn” ảnh 1
Công ty Ðại Dũng nâng cao công tác phòng dịch để đảm bảo an toàn sản xuất. Ảnh: U.P

Theo ông Trịnh Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Hoàng Việt (Bình Dương), thời điểm tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh ở Bình Dương phức tạp, người lao động chưa được tiêm đủ liều vắc xin nên doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Bây giờ thì khác rồi, với quy định mới, dù công ty có F0 thì nhà máy vẫn hoạt động”, ông Hoàng nói.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, cho biết ngoài việc đưa ra một số điều kiện khắt khe đối với doanh nghiệp khi sản xuất để đảm bảo an toàn, Bình Dương triển khai thành lập các trạm y tế lưu động đặt tại nhà xưởng. Đây được xem là biện pháp tối ưu để duy trì sản xuất của doanh nghiệp ngay cả khi phát hiện F0.

Theo đó, kể từ khi trở về trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 10/2021, Bình Dương cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải bố trí khu cách ly để xử lý tình huống khi phát hiện ca nghi hoặc mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, Bình Dương chủ trương thành lập các trạm y tế lưu động đặt ngay trong nhà xưởng công ty quy mô lớn, cụm, khu công nghiệp với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe người lao động, phòng chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả. Đội ngũ y tế của trạm y tế lưu động có nhiệm vụ phối hợp doanh nghiệp đảm bảo an toàn cho người lao động để nhà máy không bị đóng cửa khi ghi nhận F0.

Ngoài ra, trạm y tế tổ chức khám, điều trị các bệnh thông thường cho người lao động, công nhân; khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, người lao động. Bình Dương đã thành lập bao phủ với 162 trạm y tế lưu động, trong đó có 43 trạm lưu động trong khu công nghiệp.

Theo ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất THCM (HBA), tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng mới. Song qua việc ứng phó với đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, các DN đã có thêm kinh nghiệm để đối phó và giải quyết hiệu quả các tình huống để ít bị động hơn khi có rủi ro dịch bệnh. Ngay từ khi trở lại hoạt động thông suốt, DN chủ động xây dựng kế hoạch quản trị, vận hành, sản xuất và kinh doanh đáp ứng với các kịch bản, tình huống có thể xảy ra.

HBA kiến nghị TPHCM quan tâm và thực hiện tiêm vắc xin mũi 3 cho người lao động nhằm tạo sự an tâm cho DN cũng như người lao động vững tin phục hồi và vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Các trạm Y tế lưu động trên địa bàn đã hỗ trợ ứng cứu y tế cho nhiều người dân, đặc biệt là công nhân lao động. Với tần suất trung bình 30 - 50 cuộc gọi điện thoại đến trạm mỗi ngày, đội ngũ y, bác sĩ của trạm phải đến tận nơi khám bệnh, xử lý và chuyển viện cấp cứu kịp thời. Nhờ đó người dân, doanh nghiệp an tâm”.

Ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương

Không chủ quan với dịch

Mặc dù sau Tết đến nay, Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TPHCM) chỉ có một ca mắc COVID-19 nhưng đơn vị này không chủ quan, lơ là trong phòng dịch.

“Số ca mắc COVID-19 không nhiều như trước Tết, nhưng công ty vẫn áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt như xét nghiệm nhanh COVID-19 định kỳ hàng tuần. Cụ thể, tuần qua công ty đã test hơn 1.000 cán bộ, công nhân, người lao động tại DN để phát hiện các trường hợp F0 sớm nhất có thể. Với công nhân mắc F0 sẽ được nghỉ, công ty sẽ cấp thuốc theo hướng dẫn của bên y tế để người lao động điều trị; riêng khối văn phòng được làm việc tại nhà để đảm bảo công việc”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Dũng cho biết.

Trong khi đó, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM) cho biết, từ sau Tết đến nay, mặc dù công ty chưa nhận được thông tin ca mắc COVID-19 nào tại DN nhưng đơn vị này luôn duy trì các biện pháp phòng dịch như từ trước đến giờ. Cụ thể, tất cả các công nhân ra khi vào ca đều được đo nhiệt độ tự động; các chai nước rửa tay, xịt khuẩn được bố trí tại nhiều vị trí trong công ty để công nhân dễ sử dụng.

“Công ty còn phát khẩu trang kháng khuẩn cho tất cả công nhân và yêu cầu sử dụng trong suốt thời gian làm việc. Tại khu vực nhà ăn, bàn ăn đều được lắp vách ngăn. Ngay cả khu nhà vệ sinh, giữa các vòi nước cũng có vách ngăn để phòng dịch… Bên cạnh đó, công ty vẫn test định kỳ cho bảo vệ, nhân viên vệ sinh, nhân viên căng tin là những người tiếp xúc nhiều người, có nguy cơ cao. Đến thời điểm hiện tại, gần 100% công nhân đều đã tiêm mũi 3 vắc xin ngừa COVID-19 nên mọi người yên tâm sản xuất”, ông Hồng cho biết.

Ông Lê Nhật Trường, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Đồng Nai) cho biết thêm: “Hiện nay, tỷ lệ người lao động mắc COVID-19 không còn nhiều, mọi người không còn hoảng sợ, lo âu khi mắc COVID-19. Người mắc COVID-19 được nghỉ bệnh, sau 7 ngày âm tính trở lại làm việc bình thường. Tuy vậy, công ty vẫn xét nghiệm định kỳ cho người lao động”.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.