Cụ thể, theo ông Được, cần nghiên cứu để tăng chất lượng các kỳ họp QH. “ Như bên Trung Quốc 1,4 tỷ dân mà họp QH có nửa tháng thôi. Bây giờ chúng ta họp cả tháng, báo cáo tình hình kinh tế xã hội cũng có phát biểu, khi chất vấn lại cũng phát biểu, các bộ trưởng trả lời, cứ quanh quẩn mãi”, ông Được nói.
Ông Được cũng cho rằng nên tăng đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng việc làm luật. “Như trong QH khóa IX, ở đoàn của tôi, có đại biểu cả một kỳ họp chẳng phát biểu ý kiến gì cả, thế thì làm sao làm luật được”, ông Được kiến nghị nên tặng ĐBQH chuyên trách từ 35% lên 40 % hoặc hơn nữa, còn đại biểu kiêm nhiệm thì “vừa phải thôi”.
Ông Được nêu thực tế, các đại biểu kiêm nhiệm phải họp hành nhiều, nhiều công văn giấy tờ đến còn không kịp nghiên cứu, nên việc tăng đại biểu chuyên trách để có thể nghiên cứu sâu hơn, phục vụ công tác làm luật.
ĐB Nguyễn Văn Được cũng cho rằng, nên nghiên cứu việc bỏ phiếu tín nhiệm có 2 mức thay vì 3 mức như hiện tại, vì hiện tại bỏ phiếu tín nhiệm 3 mức, ai cũng trúng. “Cứ cái nọ bù qua cái kia thì ai cũng trúng. Nếu tôi làm bộ trưởng, bây giờ có 3 mức, trượt mất 1 mức, còn 2 mức thì vẫn trúng vì ít nhiều cũng đạt được tỷ lệ khoảng 51%. Cần nghiên cứu cái này”, ông Được đề xuất. Ông Được cũng cho rằng, cần bổ sung hình thức bỏ phiếu tín nhiệm khi Ủy ban T.Ư MTTQ kiến nghị.
Theo ĐB Ngọ Duy Hiểu, cần đưa vào luật quy định về độ tuổi ĐBQH chuyên trách được kéo dài hơn so với lao động bình thường. Ông Hiểu cho rằng, ở nước ngoài, các ĐBQH có tuổi tới 70 – 80 và với đặc trưng hoạt động của QH, đóng góp của những người lớn tuổi rất là lớn và có ý nghĩa cho QH.
Ông Hiểu cũng góp ý liên quan đến quy định kỳ họp của QH. Theo ông Hiểu, nên chăng thực hiện 4 kỳ họp, mỗi kỳ 2 tuần.
“Cơ cấu ĐBQH hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, công việc chuyên môn rất nhiều. Khi chúng ta thiết kế 4 kỳ, mỗi kỳ 2 tuần thì có nhiều thời gian để kết hợp công việc chuyên môn và công việc QH và cũng giảm bớt việc ĐBQH phải nghỉ để giải quyết công việc chuyên môn”, ông Hiểu nói.
ĐB Nguyễn Quốc Hưng. Ảnh: Như Ý
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nêu thực tế, ĐBQH ở các địa phương chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, lương cũng phụ thuộc vào địa phương. “QH là cơ quan quyền lực cao nhất mà các ĐBQH lại chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, nơi ĐBQH công tác, ở thì làm sao người ta dám nói, làm sao phát huy được hết năng động, sáng tạo của họ”, ông Hưng nêu.
Ông Hưng kiến nghị, phải phát huy vai trò của các ĐBQH chuyên trách, thậm chí hướng tới việc như các nước có các văn phòng của các thượng nghị sĩ, văn phòng các ĐBQH chuyên trách để hoạt động độc lập, giám sát, phản biện và xây dựng các vấn đề cốt lõi.