Có cần chính xác?

Có cần chính xác?
TP - Văn chương rất nhiều khi không nhất thiết phải chi li chiết tự, chẻ sợi tóc làm tư, căn vặn thật chính xác như khoa học tự nhiên. Nhưng ở nhiều trường hợp, nếu hiểu chính xác đến mỗi chữ thì cũng tránh được những ngôn từ có thể khiến người tỉnh táo bật cười.

Ta đọc những câu như thế này: Chỉ có hai người một mình với nhau (tiểu thuyết Xứ cát, Trần Tiễn Cao Đăng dịch). Nó cũng tương tự câu: chỉ có hai người duy nhất với nhau. Duy nhất là chỉ có một. Một mình cũng chỉ có một. Viết như thế, một thói quen, kèm vào đấy cụm từ một mình hoặc duy nhất, hàm ý ngoài hai người ra thì chẳng còn ai nữa. Hiểu ý của dịch giả thôi, nhưng vẫn khó tránh cho được một tiếng cười.

Không phải chỉ trong tiếng ta. Một nhà ngôn ngữ học người Mỹ cũng từng nêu ví dụ cùng loại trong tiếng Mỹ. Chẳng hạn ở câu đồng dao mà trẻ con Mỹ hay hát: Lady Bug, Lady Bug, go home! Your house is on fire and your children are alone. Tính từ alone là đơn độc, cô độc, một mình. Nhưng your children lại có nghĩa là lũ con của bà, là số nhiều. Cả một lũ, mà lại đơn độc, mà lại một mình. Tôi thử chuyển câu đồng dao này sang tiếng Việt: Cô Bọ ơi cô Bọ, cô hãy về nhà ngay, nhà cô đang bị cháy, lũ con cô đơn thay. Tôi muốn thay chữ cô đơn bằng chữ bơ vơ: lũ con bơ vơ thay.

Ngôn ngữ khác với toán học, nhưng cũng rất nhiều khi nếu ngôn ngữ không chính xác thì sẽ ra một đáp số cọc cạch, sai lệch, không hiệu quả. Ta hãy đọc một câu như thế này: Vồ lấy 20.000 yên bằng cánh tay phải mất ngón út (tiểu thuyết 69, Hoàng Long dịch, trang 214). Bàn tay phải thì chính xác hơn chứ nhỉ. Cánh tay thì dài quá, khoảng cách đến với chỗ ngón út bị mất là cả một khoảng thiếu chính xác dài dằng dặc. 

Bản tin thời sự hay có câu đại loại: bạo động làm 42 người chết và hơn 500 người khác bị thương. Đếm người bị thương, người ta không tính cả người chết vào đấy. Cho nên người bị thương chắc chắn là người khác. Người ta cũng từng phê phán cách viết tương tự trong bản tin ở Anh - Mỹ: 42 persons were killed and 500 others wounded. Thừa chữ others.

Sự thiếu chính xác còn ở động từ Đổ trong câu sau: mưa phùn cứ đổ xuống từng chặp (Kẻ trộm sách, Cao Xuân Việt Khương dịch, tr. 223). Người dịch ơi, mưa phùn không đổ như mưa rào đâu. Nó như bụi, nó lay phay, nó lây rây, nó lướt thướt. Nó rải như bụi, nó rắc nhẹ, nó bay như phấn hoa. Nó cũng không thể tuôn rơi hoặc đổ xuống từng chặp, vì nó như có như không và dai dẳng. Người dịch nghĩ ngợi thêm một tí là sẽ tìm được động từ chính xác cho nó thôi.

Cũng là độ chính xác, lần này lại ở một tính từ: mặt mũi tôi hơi đỏ gay chút xíu (Kẻ ích kỷ lãng mạn, Phùng Hồng Minh dịch, tr. 36). Đỏ gay là đỏ lắm rồi, đỏ rần lên, đỏ rực lên, đỏ gay gắt. Thế thì chẳng phải là hơi đỏ. Hơi đỏ và đỏ gay là hai sắc độ khác hẳn nhau. Sau chữ đỏ gay lại còn chữ chút xíu. Ta dám tin rằng bộ mặt lúc này mới hơi đỏ thôi, chứ chưa đến mức đỏ gay. Còn nguyên bản mà viết là cực kỳ đỏ, rất đỏ, thì mới có thể dịch thành đỏ gay được.

Nói tiếp về sự thiếu chính xác. Ta còn gặp những thành ngữ ví von: tình trạng học sinh ngồi trong lớp mà bụng đói meo xảy ra như cơm bữa. Trời ơi đang nói chuyện học sinh nghèo bị đói thường xuyên mà lại dùng thành ngữ như cơm bữa. Như cơm bữa là cứ đến bữa sẽ được ăn, ngày đủ mấy bữa, thường xuyên, đúng giờ. No quá rồi còn gì, nào có thiếu đói gì đâu.

MỚI - NÓNG