CLB Họa sỹ trẻ: Cần lắm “bốn chữ lắm”

Sỹ Công Nông Thương - Tác phẩm của Ngô Thành Bắc.
Sỹ Công Nông Thương - Tác phẩm của Ngô Thành Bắc.
TP - CLB Họa sỹ trẻ - Hội Mỹ thuật Việt Nam đang có những thay đổi lớn trong cách hoạt động, thu hút nghệ sỹ trẻ để bước vào một nhiệm kỳ mới. Các nghệ sỹ trẻ cũng đang ra mắt triển lãm “Lây” khiến dư luận chú ý. Tiền Phong Chủ nhật đã trao đổi cởi mở với hai họa sỹ trẻ Đỗ Hiệp và Trịnh Minh Tiến về vấn đề này.

Qua chất lượng của triển lãm "Lây" có thể thấy phần nào sinh khí mới. Xin các anh chia sẻ những ý tưởng để hoạt động của CLB đi vào thực chất, có sức lan tỏa và duy trì được lâu dài?

Đỗ Hiệp: Với tư cách là người đồng tổ chức triển lãm này cùng với họa sĩ Trịnh Minh Tiến, tôi thấy CLB nghệ sĩ trẻ đã và đang “tụ tập” được nhiều nghệ sĩ tuổi từ 18 đến 35. Họ phần lớn đều là những người đã khẳng định được mình và đang hoạt động mạnh mẽ trong môi trường nghệ thuật. Tuy nhiên, các nghệ sỹ chưa thực sự kết nối, trao đổi, và chia sẻ nghề nghiệp với nhau như CLB mong muốn.

Cá nhân tôi nghĩ rằng CLB cần có sự chuyển mình và hoạt động chuyên nghiệp hơn. Cần lắm sự kết nối. Cần lắm sự trao đổi. Cần lắm sự đoàn kết. Và cần lắm những cái tâm.

“Bốn chữ lắm” này sẽ làm cho CLB trở nên “pờ rồ”, lan tỏa và có được những hành trình xa, bền bỉ.

CLB Họa sỹ trẻ: Cần lắm “bốn chữ lắm” ảnh 1 Từ nơi ấy - Tác phẩm của Đỗ Hiệp.

Là những người đang tập hợp, thu hút anh em họa sỹ trẻ trong cả nước, xin anh nhận xét ngắn gọn về lực lượng này? Họ có điểm mạnh và chưa mạnh gì? Làm gì để khơi nguồn sáng tạo cho anh em?

Trịnh Minh Tiến: Anh em nhiều ý tưởng và sẵn sàng trải nghiệm, tuy nhiên kỹ thuật chưa vững và chưa có lập trường nghệ thuật vững chắc, dễ bị dao động, “dụ dỗ”. Về việc cùng anh em khơi nguồn sáng tạo, chúng tôi nghĩ cần tạo nhiều “sân chơi” mới, tham gia các hội chợ nghệ thuật, triển lãm bên ngoài; tổ chức thêm những buổi nói chuyện, trao đổi về nghệ thuật; Đẩy mạnh sự giao lưu, hỗ trợ nhau.

Trở lại với triển lãm đang gây dư luận "Lây", xin anh cho biết một vài thông tin về triển lãm? Vì sao tên triển lãm như vậy, nghe có gì đó khó hiểu, thậm chí giống... lĩnh vực y tế? Là những người trực tiếp tổ chức, các anh có nhận định gì? Có điều gì cần rút kinh nghiệm với triển lãm này?

Đỗ Hiệp: Khi tôi và họa sỹ Trịnh Minh Tiến nhận lời làm chương trình cho triển lãm này từ tháng 11/2014, chúng tôi đã nghĩ nhiều tới “tinh thần trẻ”. Và cuối cùng, “Lây” là cái tên tâm đắc nhất. Nó phản ánh đời sống nghệ thuật hiện tại của nhiều anh em trong CLB, về những vấn đề tồn tại, hay những suy nghĩ trong đời sống nghệ thuật, những “khát khao, ước ao” của nghệ sĩ trên con đường “săn bắt con nghệ thuật”. Thật sự, theo chúng tôi quan sát, “lây” vừa có tính tích cực vừa có khía cạnh tiêu cực. “Lây” cái nhiệt huyết sang tạo, “lây” cái ham mê nghiên cứu nghệ thuật là tốt, nhưng “lây” một số thứ khác thì lại là xấu…

Chúng tôi có sự tham gia của 7 nghệ sĩ khách mời, là những đàn anh đã từng tham gia CLB , do vậy “lây” thêm trọn vẹn và đầy đặn về nghĩa: truyền lửa, tinh thần đam mê sáng tạo tới các thế hệ tiếp theo.

Những bình luận sau triển lãm từ đồng nghiệp, bạn bè, hay những tín hiệu tốt từ việc “sút tranh” (bán) làm chúng tôi phấn chấn hơn, bởi ít nhiều, triển lãm đã mang tới luồng gió mới, người ta thấy mới-trẻ-cứng và phần nào nhận ra hướng đi mới của chúng tôi.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi đầu, vẫn còn nhiều lỗi trong các khâu tổ chức và  chưa quyết liệt hoàn toàn.

CLB Họa sỹ trẻ: Cần lắm “bốn chữ lắm” ảnh 2 Mầm - Tác phẩm của Trần Văn Thức.

Giới chuyên môn nhận xét mặt bằng tác phẩm ở triển lãm này có phần khá hơn những triển lãm trước do CLB Họa sỹ trẻ tổ chức? Các anh đã thực hiện khâu huy động tác giả, chọn tác phẩm như thế nào?

Trịnh Minh Tiến: Từ lúc chốt ý tưởng cho tới lúc chọn tác giả đích danh cho triển lãm là một số lần vướng mắc. Nhiều khi không tránh khỏi mất lòng bạn bè, anh em… Nhưng chúng tôi muốn thay đổi kiểu làm “phong trào”. Việc tìm kiếm những gương mặt mới, trẻ để gây dựng cũng rất quan trọng… Chỉ riêng việc “thúc” các nghệ sĩ cho đúng hẹn, lịch trình tổ chức đã quá mệt. Thế mới biết “làm dâu trăm họ” là thế nào.

Từ trước tới nay, hoạt động liên quan đến các nghệ sỹ thường có sự phức tạp riêng do nghệ sỹ có tính cá nhân lớn, ít ai chịu ai... các anh có chia sẻ điều gì khi lãnh nhận công việc "vác tù và hàng tổng" này?

Đỗ Hiệp: Nghe tới việc này là sợ hết hồn, nhưng cũng có cái vui. Trước mình đứng ngoài chưa hiểu hết công việc, nay thử thì quả thật rất nể các bác “quan chức” của CLB. Nghệ sĩ thì vốn mong manh và dễ tổn thương, nhưng làm việc tổ chức không tránh được va chạm. Nếu nghĩ về sự được và mất thì chúng tôi không dám làm. Tuy nhiên, chúng tôi gặp nhau ở chí hướng , ở sự hợp quan điểm và thấy mình cần đóng góp cho CLB.

Xin cảm ơn hai họa sỹ.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.