Họa sỹ Nguyễn Đại Giang: 'Chấp nhận sự vô lý'

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang bên bức "Ca trù".
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang bên bức "Ca trù".
TP - “Cuộc đời con người là vậy. Lúc vui, lúc buồn, lúc khỏe mạnh khi ốm đau… Sự đảo ngược mang tới niềm lạc quan, giúp con người nhìn cuộc đời vẫn tươi đẹp,  dù cuộc đời không phải lúc nào cũng vậy”, họa sỹ Nguyễn Đại Giang giải thích ý niệm trong  tranh đảo ngược (upsidedown) của mình.

Một tuần triển lãm tranh tại Hà Nội (từ 5/12 đến 12/12), nơi ông sinh ra, lớn lên và xa cách là một chuỗi ngày tràn ngập niềm vui và hạnh phúc của người con đi xa trở về. Họa sỹ Nguyễn Đại Giang chia sẻ: “Tôi quá hạnh phúc.”

Còn hạnh phúc nào hơn khi tranh của ông vốn nổi tiếng ở Mỹ và thế giới, giờ được giới thiệu trên chính quê hương mình. 20 bức tranh trong triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc vừa qua chỉ là một trong số nhiều bức tranh ông đã sáng tác tại Mỹ. Cũng nhờ triển lãm này, ông được gặp lại những bạn bè và đồng nghiệp cũ. Có người bạn chơi với ông từ  gần 60 năm nay khi hai người còn học cùng nhau thời cấp 1-2  ở trường Nguyễn Huệ, nay nghe tin ông mở triển lãm, bạn ghé thăm và xem tranh của ông. Rồi có người bạn học thời trung cấp mỹ thuật cách đây 40 năm cũng lặn lội đi xe lăn tìm đến xem tranh và gặp gỡ bạn.

Có thể nói, xem 20 bức tranh đảo ngược của họa sỹ Đại Giang, ta bắt gặp sự vui tươi, hài hước và yêu đời. Màu sắc trong tranh của ông không thật đặc sắc, nếu không muốn nói là mờ nhạt. Thế nhưng, người ta nhận thấy đó là màu rất riêng của Đại Giang, không lẫn vào đâu được. Sự khắc khoải, thương nhớ nơi chôn rau cắt rốn dường như khiến tranh của ông có màu bàng bạc.

Bà Hạ Chí Nhân, giảng viên đại học Bách khoa Hà Nội, một người yêu hội họa nhận xét: “Nhìn phòng tranh, ta thấy được sự khắc khoải của họa sỹ. Xem tranh của ông thấy chỉ có tình yêu và không hận thù. Nhìn tranh ông, ta nhận ngay ra chất Á  Đông, chất Việt. Những thói quen tập quán của người Việt, chỉ người Việt mới có”.

Họa sỹ Nguyễn Đại Giang: 'Chấp nhận sự vô lý' ảnh 1

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang (cầm hoa).

Họa sỹ Việt kiều Mỹ Etecetera Nguyễn Trường đã từng phỏng vấn họa sỹ Đại Giang tại Mỹ và xem tranh của ông tại Hà Nội cho biết: “Trường phái đảo ngược của họa sỹ Đại Giang khá mới mẻ ở Mỹ và đã được cấp bằng sáng chế. Tôi luôn thấy sự hài hước, hóm hỉnh trong tranh của ông”.

Họa sỹ Đại Giang chia sẻ: “Mỗi một người trong cuộc đời luôn có 2 vế: lúc buồn lúc vui, lúc khỏe mạnh khi ốm đau… Thiên nhiên cũng vậy: Mùa đông lạnh lẽo, mùa hè nóng bỏng. Dù mình không muốn thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Nghệ thuật tranh đảo ngược  của tôi là vẽ hai chiều, tức là chấp nhận thêm chiều vô lý trong đó. Điều đó không có nghĩa là mình bênh vực cái vô lý, mà trời đất như vậy, ta phải chấp nhận. Nó cũng giống như trong âm có dương, trong dương có âm”.

Ông cho biết thêm, sự đảo ngược mang tới niềm lạc quan, giúp con người nhìn cuộc đời vẫn tươi đẹp, dù cuộc đời không phải lúc nào cũng vậy. “Tranh của tôi là sự  tiếp nối truyền thống của Việt Nam, một truyền thống rất nhân văn. Anh có bao dung thì mới chấp nhận được cái vô lý trong đó”, ông nói.

“Nghệ thuật đảo ngược này, tôi  được kế thừa và phát triển từ chính tổ tiên chúng ta, có từ 1.000 năm trước. Đó chính là những bức vẽ đảo ngược trên đá ở  bãi đá  cổ Sa Pa, các bức tranh tường ở đồng bằng sông Cửu Long thế kỷ thứ 17. Chính là tổ tiên ta, chứ không phải đâu xa lạ. Ở nước ngoài, nếu là họa sỹ Việt, vẽ không có bản sắc dân tộc, thì anh chẳng là ai”. Họa sỹ Đại Giang chia sẻ.

Họa sỹ Nguyễn Đại Giang: 'Chấp nhận sự vô lý' ảnh 2

Tác phẩm "Ca trù blue".

Tranh đảo ngược của họa sỹ Đại Giang đã được nhiều giải thưởng lớn trên thế giới. Một trong số những bức ông tâm đắc nhất là bức “Ca trù”. Bức này được đánh giá cao tại Mỹ khi nó được vinh danh  kiệt tác của thế giới (Master of the world) và giải thưởng danh dự, bằng xuất sắc do Artoteque.com, London trao tặng năm 2007.

Sau triển lãm tại Hà Nội, ngày 22/12, họa sỹ Đại Giang sẽ bàn giao 20 bức tranh và các cuốn sách mà ông được ghi danh cho học trò của mình, hiện đang sống tại Thanh Oai, Hà Nội để trưng bày tại phòng tranh cá nhân. Ông nói: “Tôi rất vui vì đây là cơ hội cho những người chưa có dịp xem tranh của tôi ở triển lãm”.

Giờ  nghỉ hưu sau một thời gian làm công nhân, ở tuổi thất thập cổ lai hy, họa sỹ vẫn tiếp tục sáng tác để chuẩn bị cho triển lãm sắp tới tại Mỹ. Giờ ông có thêm nhiều thời gian để vẽ tranh hơn, chứ không phải tranh thủ những lúc nghỉ ngơi sau những ngày làm việc vất vả để vẽ tranh nữa.

Họa sỹ Nguyễn Đại Giang, sinh năm 1944 tại Hà Nội. Tên tuổi của ông với trường phái tranh đảo ngược đã ghi vào cuốn 500 người sáng lập của thế kỷ 21 (500 founders of Century 21, Anh), Từ điển những họa sỹ quốc tế (Dictionary of International artists, Mỹ), Những họa sỹ quốc tế quan trọng của thế giới ( Important international Artist of the world, Mỹ),  Thiên tài sáng tạo (Creative Genius, Anh). Bộ sưu tập của ông có mặt tại Bảo tàng nghệ thuật Voronezh Nga và Bảo tàng Seattle. Các bộ sưu tập riêng có mặt tại Mỹ, Nhật Bản, Canada, Bỉ, Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha, Hongkong... Ông là nghệ sỹ gốc Việt duy nhất được sống trong tòa nhà Art Space ở thành phố Seatle do chính phủ Mỹ tài trợ.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.