CIA và chuyện ngoại tình trong nội bộ

"Chim không biết đỏ mặt” - đó là câu viết trên tấm biển nhỏ treo ở cửa phòng hướng dẫn viên tình báo từng bị bắt quả tang khi ân ái với một nữ nhân viên ngay trên bàn billard trong phòng nghỉ ở “Trang trại”, cơ sở huấn luyện của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nằm trong khu vực có nhiều đầm lầy ở phía đông bang Virginia.

Chất chơi quá đà của ông thầy huấn luyện được nhấn mạnh bằng nét chữ khắc theo kiểu Gothic. Tuy nhiên, ít ai trong số các học viên và giảng viên, kể cả những tín đồ theo dòng đạo Mormons rất khắc kỷ lại nghĩ rằng ông ta đã làm điều gì đó rất sai (tất nhiên, ngoại trừ chi tiết là ông ấy đã bị bắt “tại trận”).

Theo nhận xét của Reuel Marc Gerecht, cựu nhân viên CIA và hiện là nhà nghiên cứu trưởng của Trung tâm Bảo vệ Dân chủ Mỹ, cần có cái nhìn thỏa đáng đối với vấn đề ngoại tình trong lực lượng các nhân viên an ninh tình báo Mỹ. Gerecht trong bài viết trên trang web New Republic, đã trình bày quan điểm của mình như sau:

“Chúng ta ai cũng là người lớn rồi mà. Một số nữ học viên luôn luôn thích săn đuổi những nam giảng viên đặc nhiệm dễ cảm nhất và chính những ông thầy này cũng thích “bị” hâm mộ như thế. Trong thời gian diễn ra các khóa đào tạo này rất hay hình thành các cặp đôi và thường không thể rõ ai trong hai người là phu quân thực sự, còn ai thì không phải thế... ”.

CIA và chuyện ngoại tình trong nội bộ ảnh 1

Minh họa: Lê Phương.

Những điều như vậy xảy ra không chỉ là kết quả của việc các khóa huấn luyện điệp viên hay kỹ năng biệt kích buồn tẻ và nặng nhọc được tổ chức trong những khu vực rừng rậm nội bất xuất ngoại bất nhập chắn gián điệp và các hoạt động đặc biệt. Khi vào những năm 1980 - 1990, lúc tôi còn phục vụ trong Ban giám đốc điều hành, các nhân viên ở đó cũng đã hoàn toàn không thể hiện được tí nào những hành vi phong nhã, kể cả khi ở cơ quan lẫn lúc ra ngoài thực địa. Không giống như trong các lực lượng vũ trang Mỹ, nơi mà sau cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã hình thành rõ nét ý tưởng rằng, các sĩ quan cấp trên phải là tấm gương cho cấp dưới noi theo về mặt đạo đức, CIA (hay đúng hơn là cơ quan mật vụ, trung tâm của hoạt động gián điệp và hoạt động bí mật, bộ phận luôn luôn là chủ đạo trong tổ chức này) có truyền thống rất thoải mái khi nhìn nhận những câu chuyện như thế.

Những sự ầm ĩ xung quanh mối quan hệ bất chính của Đại tướng David Petraeus với Paula Broadwell, đã có thể làm thay đổi tất cả mọi thứ. Sau việc vị giám đốc thứ 20 này của CIA phải từ chức ngày 10/11/2012, trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện không ít những lời bình luận cho rằng, các cơ quan an ninh tình báo nước ngoài có thể sử dụng các mối quan hệ ngoại tình của quan chức Mỹ cho mục đích riêng của họ. Áp lực truyền thông này làm gia tăng khả năng áp đặt những tiêu chuẩn mới cho thế giới tình báo, điều hoàn toàn có thể là một sai lầm. Dù các nhà đạo đức học có cảm thấy khó chịu đến mấy thì tất cả chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn nếu những Don Juan thâm căn cố đế đó vẫn có thể làm việc trong các cơ quan mật vụ, mà không sợ bị trả giá...

Hãy để tôi giải thích những gì tôi định nói. Các nhân viên CIA đảm trách nhiệm vụ thu thập thông tin và thực hiện nhiệm vụ hoạt động bí mật là những người phải “bơi sát đáy”. Trong khi cố gắng phát hiện những điểm mạnh và những điểm yếu của người nước ngoài để dụ họ vào bẫy tuyển mộ, các nhân viên CIA này làm việc trong cơ chế hầu như không hề bị bó chân bó tay chút nào. Không giống như những người lính trong trận chiến luôn người này che lưng cho người kia, các nhân viên CIA thường xuyên phải sống trên bờ vực kề cận của lòng tin và trò lừa đảo. Thêm vào đó, hệ thống an ninh tình báo này được thiết kế theo cách khiến nó thường phải khen thưởng những điệp viên không trung thực về mặt trí tuệ, những người biết cách giới thiệu những kẻ tầm thường mới được họ tuyển dụng thành những “hạt giống quý hiếm”. Các điệp viên CIA hiểu rõ luật chơi này rất nhanh nên thông thường, những điệp viên có tính đạo đức cao rất khó trụ lại trong hệ thống này lâu dài. Người đứng đầu CIA dưới thời Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Đô đốc Stansfield Turner đã không mấy được lòng cấp dưới vì nhiều lý do nhưng đặc biệt là vì ông đã đòi hỏi ở các điệp viên của mình một mức độ đạo đức lớn hơn. Ông đã quá nghiêm khắc đối với một công việc như thế...

Khi tôi phục vụ trong văn phòng CIA, các nhân viên đã có gia đình thường hay bị bắt gặp đi giải trí với các cô thư ký hoặc các nữ đồng nghiệp ở bãi đỗ xe, nhà nghỉ hay những phòng công tác bí mật không hề được dành cho mục đích này. Điều này khiến họ lúc thì thấy tức mình, lúc thì buồn cười nhưng không bao giờ cảm thấy giận dữ. Các nhân viên CIA chỉ có nguy cơ bị kỷ luật nếu họ cặp bồ với các nữ công dân nước ngoài mà không ai biết tung tích từ đâu. Có nguyên tắc là cần báo cáo về những mối quan hệ dài lâu nhưng ngay cả trong nguyên tắc này cũng có một yếu tố vận dụng khá linh hoạt: các điệp viên thường là những người không đa cảm nên họ có thể ngủ với ai đấy trong một thời gian dài nhưng về sau vẫn tuyên bố như không rằng những người ấy chả có nghĩa lý gì với họ cả.

Cũng có những quy định khác nữa. Các nhân viên CIA bị cấm ngủ với các cộng tác viên người nước ngoài của họ. Những cuộc tình như thế có thể hủy hoại sự nghiệp. Nguy cơ như thế đặc biệt cao ở các nữ nhân viên CIA, vì hầu hết các điệp viên đều là nam giới (thực tế là ở hầu hết các nước, các quan chức có quan hệ và cơ hội lớn chủ yếu vẫn là giới mày râu). Cũng cần lưu ý rằng, các điệp viên đối phương muốn thâm nhập vào thế giới CIA, thường rất quyến rũ và mối quan hệ giữa nhân viên CIA với các điệp viên của họ thường rất nhộn nhịp do mối liên hợp của vầng hào quang giữa bí ẩn và mạo hiểm. Nhìn chung, khi tôi còn phục vụ ở CIA, tất cả mọi người đều đã biết rằng, CIA thực sự là một thế giới giăng hoa (ít nhất là đối với những người dị tính luyến ái). Kết hôn và li dị trong cơ quan này dường như đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Chỉ có sự đồng tính luyến ái là đã có thể trở thành nguyên nhân sa thải, cho tới khi vị giám đốc đầu tiên của CIA dưới thời Tổng thống Bill Clinton là James Woolsey quyết định xóa sổ quy định này. Tuy nhiên, ngay cả trước thời điểm đó thì các nhân viên đồng tính chìm vẫn có thể ăn nên làm ra ngay cả ở bộ phận tối quan trọng của trung tâm điều hành, phụ trách khu vực của Liên Xô và Đông Âu...

Lịch sử không ủng hộ ý tưởng cho rằng đối phương đã có thể sử dụng các mối quan hệ ngoại tình chống lại CIA. Theo như tôi biết, CIA đã luôn luôn cố gắng tránh tiến hành các phi vụ mà nếu trong đó ở hai bên khác nhau có thể là một cặp tình nhân hoặc một cặp vợ chồng. Quan hệ tình dục là điều quá khó lường trước, và loại vấn đề thế này có thể làm cho các phi vụ tình báo trở nên không thể nào kiểm soát nổi.

CIA biết rất rõ lý do tại sao các quan chức chính phủ và quân đội Mỹ trong quá khứ đã phản bội quê hương của họ. Trước hết, đó là lòng tham, mâu thuẫn tư tưởng, sự thất vọng trong sự nghiệp của mình, thói tự yêu quá đà, tình cảm quốc gia, cộng với sự hồi hộp từ vai trò “cá chìm”... Mặc dù các cơ quan tình báo đối phương đã thực sự tìm kiếm cách tiếp cận với những người đồng tính, thì cũng không phải vì họ nghĩ rằng, khống chế bằng mối quan hệ tình ái bất thường là phương thức có hiệu quả mà vì họ nghĩ rằng, những người đồng tính dễ bị tự ái và ít trung thành với cộng đồng hơn những người dị tính luyến ái. Không có lý do để nghĩ rằng ở Mỹ, chiến thuật này đã giúp cho các cơ quan tình báo đối phương tuyển mộ được ít nhất một điệp viên có giá trị. Cơ hội khiến các nhân viên CIA sa vào “cái bẫy ngọt ngào” và phản bội lại đất nước mình rất không đáng kể...

Nếu ngoại tình thực sự là một mối đe dọa an ninh trong văn phòng CIA cũng như tại Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cục Điều tra liên bang, Nhà Trắng và (khủng khiếp nếu thực là như thế) trong Quốc hội Mỹ thì tất cả những nơi này sẽ đầy chật các tay trong của các cơ quan an ninh tình báo nước ngoài....

Trong những năm gần đây, vấn đề ngoại tình đã trở nên đau đớn hơn trước trong nội bộ CIA. Góp phần vào sự tăng mạnh xu thế này là số lượng phụ nữ làm việc ở Langley (trung tâm CIA) đã gia tăng và một làn sóng lãng mạn đã trào lên tạo ra những luật chơi mới. Theo tôi nghĩ, điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra nếu người ta bắt đầu đánh đồng các vụ ngoại tình với tội phản quốc. Trong khi đó, việc vi phạm luật hôn nhân không có nghĩa giống như một sự vi phạm lòng trung thành với đất nước. Lòng yêu nước - nó vẫn là một loại tình yêu rất khác yêu vợ hay yêu chồng...”

Theo Hoàng Tuấn

Theo Công an Nhân dân
MỚI - NÓNG