Chuyện về 'Truyện anh Lục'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều lắm những dấu ấn, những kỷ niệm thuở quá vãng với người hàng xóm áp tường ở Khu Tập thể Hàng Trống, nguyên Tổng Biên tập (TBT) báo Tiền Phong Nguyễn Thanh Dương. Tôi hay sang nhà ông Dương hút thuốc lào rồi lan man những câu chuyện không đầu không cuối...

Một lần ông có hé ra một kỷ niệm.

Thời gian báo Tiền Phong còn ở chiến khu tại Bản Dõn huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Thanh Dương có một chuyến đi khảo sát tình hình giảm tức giảm tô ở Phú Thọ.

Ở huyện Thanh Ba, ông đã tìm hiểu và phát hiện một thanh niên thành phần cố nông tên là Trần Bình Lục.

Trần Bình Lục và gia đình có một cuộc đời cực khổ. Lục và gia đình gần như thoát khỏi địa ngục và mát mặt một chút cũng là nhờ phong trào giảm tức giảm tô. Bản thân anh Lục cũng thường tích cực ủng hộ vận động bà con nông dân vùng lên...

Nhà báo Nguyễn Thanh Dương đã viết 4 bài liền về người thanh niên cố nông này.

Kể lại chuyện đó, người phóng viên kiêm cán bộ Đoàn bộc bạch, bản thân ông cũng không ngờ rằng tấm gương của Trần Bình Lục lại có ảnh hưởng rất sâu rộng không những đối với thanh niên vùng tự do mà còn ảnh hưởng tới nhiều thanh niên vùng địch tạm chiếm nữa.

Chuyện về 'Truyện anh Lục' ảnh 1
Nguyễn Thanh Dương, nguyên tác giả 4 kỳ báo viết về Trần Bình Lục, nguyên TBT báo Tiền Phong (bên phải đồng chí Trường Chinh) tại Tòa soạn báo Tiền Phong

Một ngày nọ ở Tòa soạn báo Tiền Phong ở chiến khu Bản Dõn Sơn Dương, PV Nguyễn Thanh Dương được báo có khách.

Đó là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng!

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sau khi đọc 4 kỳ liền trên báo Tiền Phong chuyện Trần Bình Lục đã mò mẫm tìm gặp bằng được tác giả bài báo để hỏi thêm chi tiết về Trần Bình Lục. Sau đó nhà văn đã tìm cách liên lạc được với Trần Bình Lục!

Từ nguyên mẫu anh cố nông Phú Thọ Trần Bình Lục, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có tác phẩm Truyện anh Lục.

Chuyện về 'Truyện anh Lục' ảnh 2
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Cũng cần nói thêm về Giải thưởng văn học năm 1954-1955.

Thơ: giải nhất: Tố Hữu (tập Việt Bắc); giải nhì: Trần Hữu Thung (tập Đồng tháng tám và Dặn con), Xuân Diệu (tập Ngôi sao), Tú Mỡ (tập Nụ cười chính nghĩa); giải ba: Hồ Khải Đạt (tập Thơ chiến sĩ ).

Tiểu thuyết: giải nhất: Nguyên Ngọc (Đất nước đứng lên), Tô Hoài ( Truyện Tây Bắc); giải nhì: Nguyễn Huy Tưởng (Truyện Anh Lục), Nguyễn Văn Bổng (Con trâu), giải ba: Phùng Quán (Vượt Côn Đảo), Trần Kim Trắc (Cái Lu) Đoàn Giỏi (Cá bống mú)

(Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 17/3/1956)

... Tôi gặp nhân vật chính của Truyện Anh Lục giữa những năm 80. Là hàng xóm, thấy tôi nhiều lần lên sông Đà, ông Nguyễn Thanh Dương băn khoăn “mình nghe nói hình như Trần Bình Lục đang công tác ở thủy điện Sông Đà?”.

Thủy điện Sông Đà khi ấy đang nổi danh. Một địa chỉ mà người Việt hầu hết đều biết. Ít ai gọi đúng tên Tổng Công ty xây dựng thủy điện Sông Đà mà chỉ đi Sông Đà hay Thủy điện Sông Đà là đủ! Không mấy khó khăn, tôi hỏi thăm thì được biết ông Trần Bình Lục đang phụ trách trường công nhân kỹ thuật của Tổng công ty.

Nhân vật báo chí và nhân vật văn học Trần Bình Lục đang hiện diện trước tôi.

Có vẻ như không khác bao nhiêu so với sự tưởng tượng trước đó? Vẫn cái vẻ hiền lành chân chất. Và nữa, những người chuyên công tác Đoàn thường trẻ lâu? Nhưng đuôi mắt anh Lục đã rạn ra bao nhiêu vệt chân chim thế kia?

Chuyện nối chuyện... Khi ấy tôi đã biết thêm rằng, hiệu ứng những bài báo của ông Nguyễn Thanh Dương trên Tiền Phong khá lớn. Hình ảnh người cố nông chậm lụt cơ cực Trần Bình Lục miền quê trung du Phú Thọ đã đổi đời với phong trào giảm tức giảm tô. Anh Lục được đi báo cáo ở nhiều nơi. Rồi Trần Bình Lục được về chiến khu Việt Bắc, được rút về công tác ở Trung ương Đoàn. Được thay mặt cho thanh niên nông thôn Việt Nam đi dự Đại hội Thanh niên Nông dân thế giới tổ chức tại Áo.

Anh Lục là người tình cảm lắm... Bất chợt giọng ông cựu Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Dương trong câu chuyện về anh Lục ngày nào như từ cõi xa xăm vọng về.

Bâng khuâng, bây giờ tác giả bài báo về Trần Bình Lục trên Tiền Phong, cả tác giả Truyện anh Lục, cùng nguyên mẫu anh cố nông Trần Bình Lục cũng đều đã về cõi!

Thời gian ở Áo, Trần Bình Lục may mắn được gặp chị Madeleine Riffaud. Sự chất phác thật thà ngay thẳng của anh nông dân Đông Dương Trần Bình Lục đã khiến Đảng viên Đảng CS Pháp, người anh hùng chống phát xít của nước Pháp kiêm phóng viên Báo Nhân đạo Madeleine Riffaud cảm động.

Trần Bình Lục được chị dành cho nhiều thiện cảm.

Có thể khi ấy Trần Bình Lục chưa thể biết được duyên do của những mối thiện cảm nặng tình quốc tế vô sản ấy? Đơn giản người nữ chiến sĩ kiên cường chống phát xít khi ấy đương yêu đang mắc phải tiếng sét ái tình. Mà người đó là thi sĩ nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, người mà Trần Bình Lục rất mến mộ!

Bằng uy tín và nhiều mối quan hệ sẵn có, Trần Bình Lục đã được Madeleine Riffaud tổ chức một chuyến thăm nước Pháp. Chuyến đi với bao dấu ấn tốt đẹp đối với anh Lục. Lượt trở về Việt Nam, có thể do nhiệt tình có thể do tiện chuyến công cán sang Đông Dương và Việt Nam và lý do gì gì nữa mà chị Madeleine Riffaud đã thân tháp tùng anh cán bộ Đoàn gốc cố nông Trần Bình Lục về tận chiến khu. Trở về Việt Nam, Trần Bình Lục vẫn tiếp tục công tác ở Ban nông thôn Trung ương Đoàn cho tới ngày tiếp quản Thủ đô.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ trong tác phẩm Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng có trích đoạn tự đánh giá lại Truyện anh Lục.

Chuyện về 'Truyện anh Lục' ảnh 3
Nhà văn Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và cựu cán bộ Đoàn Trần Bình Lục (phải)

Nguyễn Huy Tưởng ghi trong nhật ký ngày 21/3/1956.

“Hoàn thành tập 3 Truyện anh Lục. Gọi là xong. Khá hơn lần trước nhưng vẫn rối rắm. Vẫn một chiều, thiếu sâu sắc, thiếu cái sinh động của con người, với những đấu tranh nội tâm, những ảnh hưởng khách quan của xã hội”. Trước đó nhà văn đã xác định thiên hướng của ngòi bút: “Cần phải viết truyện gần như thực, sát sự thực. Cần phải có sự sống tràn trề”.

Với những tự bạch ấy, hình như mẫu người, típ nhân vật dạng Trần Bình Lục như một thứ men thứ bột gần như thực và sự sống tràn trề đã gột nên thành công của Truyện Anh Lục?

Tôi cũng được ông cựu cán bộ Đoàn Trần Bình Lục cho coi một bức thư.

Anh Lục thân mến!

Năm mới gửi lời mừng tuổi Lục. Tôi có biết Lục tới tìm nhưng không gặp. Thiết tha muốn gặp và nói chuyện với Lục. Lâu không gặp nên mình nhớ lắm. Nhà tôi rất mến Lục muốn nói chuyện với Lục. Tết này Lục có về quê ăn Tết không? Nếu không về được thì Lục nhớ đến ăn Tết cùng gia đình. Tôi ở 40 phố Bà Triệu trên gác nhà Lúa Mới ta sẽ có dịp nói chuyện nhiều.

Tái bút: gửi Lục tập 1 và 2 Truyện anh Lục ( tập 3 chưa in)

Cũng cần nói thêm, chả phải bây giờ mới có chuyện luân chuyển cán bộ. Thời kỳ xây dựng CNXH sôi động những năm đầu 60, nhiều cán bộ ưu tú trên Trung ương được biệt phái về cơ sở. Cán bộ Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Trần Bình Lục được chọn làm người phụ trách công tác Đoàn công trường Xây dựng thủy điện Thác Bà.

Ông Lục kể thêm, Tổng chỉ huy toàn bộ công trường là đại tá quân đội Vũ Nhất ( sau này làm Thứ trưởng Bộ Thủy lợi thủy điện) Phó là đại tá Vũ Hiển từng chỉ huy đơn vị trong trận đánh tàu địch lừng danh trên sông Lô. Một vị phó nữa cũng là đại tá tên là Vương Gia Khương. Bí thư Đoàn công trường lại là một nhân vật xuất thân từ thành phần cơ bản.

MỚI - NÓNG