Tại nước Mỹ, vấn đề bình quyền luôn được đặt ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong ngành cảnh sát, phụ nữ được tuyển chọn và phân công công tác không phân biệt tiêu chuẩn so với nam giới, miễn là nữ cảnh sát đó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Hãy cùng trở lại câu chuyện hơn 100 năm trước với người phụ nữ đầu tiên được đứng trong hàng ngũ cảnh sát Mỹ, mở đầu cho bình quyền trong ngành này ở Mỹ.
Năm 1909, tại thành phố Los Angeles (Mỹ), một nhân viên hoạt động xã hội có tên Alice Stebbins Wells sau một thời gian làm công việc hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát đã gửi thư tới thị trưởng và hội đồng thành phố yêu cầu cần thành lập một đơn vị cảnh sát nữ. Bà đã tâm huyết đưa ra các viện dẫn thuyết phục nhất cả về lý luận và thực tiễn về sự cần thiết này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của tình hình an ninh trật tự tại thành phố.
Và cuối cùng không những yêu cầu của Wells được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền mà vào ngày 12/9/1910, bà còn được chỉ định trở thành nữ cảnh sát đầu tiên của quốc gia với đầy đủ quyền bắt giữ.
Vào ngày đáng nhớ ấy, nữ cảnh sát Wells đã xúc động rơi nước mắt khi được cấp phát quân phục, chìa khóa (để mở hộp gọi điện thoại), một sách ghi điều luật và một túi tư trang chuyên dụng cho cảnh sát cùng giấy chứng nhận quyền được đi xe điện miễn phí hai chiều từ nơi làm việc về nhà.
Cảnh sát trưởng Los Angeles ra lệnh "từ nay, nam cảnh sát không được thẩm vấn trẻ em gái có hành vi vi phạm pháp luật. Việc thẩm vấn đó sẽ do nữ cảnh sát thực hiện, những người với bản năng và sự thông cảm cùng giới sẽ dễ làm việc với những trẻ em này hơn".
Ngoài việc thẩm vấn các trẻ em nữ vi phạm pháp luật, Wells còn có trách nhiệm cùng đồng đội tuần tra, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực lễ hội ngoài trời, truy tìm người mất tích và giải đáp thắc mắc của hiệp hội nữ quyền về các lĩnh vực thuộc công tác cảnh sát. Ban đầu, khi bà thực hiện nhiệm vụ, người dân thành phố, thậm chí là các nam đồng nghiệp trong sở cảnh sát đều tỏ ra lạ lẫm và có cả sự hoài nghi.
Một số người dân khi thấy bà tuần tra trên phố trong bộ cảnh phục còn tưởng bà là diễn viên đang trong vai diễn của một đoàn làm phim nào đó. Bỏ ngoài tai tất cả lời ong tiếng ve và các định kiến, Wells vững vàng và tỏ ra đầy bản lĩnh ngay từ ngày đầu tiên đứng trong hàng ngũ cảnh sát.
Trong công tác, Wells đã thể hiện năng lực và sự cố gắng cao, không ngừng tự học hỏi nâng cao trình độ về pháp luật, nghiệp vụ, thể lực, khả năng chiến đấu, được các đồng nghiệp nam nể phục và đây là cơ sở để lãnh đạo đặt niềm tin.
Wells kiên trì đấu tranh yêu cầu tất cả nữ cảnh sát trên toàn nước Mỹ phải được đào tạo đầy đủ và công bằng như cảnh sát nam để có đủ năng lực đảm trách mọi nhiệm vụ được giao. Bà đã gặp nhiều ý kiến phản đối từ các đồng nghiệp nam và cấp trên nhưng một số lãnh đạo đã mạnh mẽ ủng hộ bà để bà vững tin.
Tới năm 1918, Wells thành công trong việc thuyết phục Đại học California mở khóa học chuyên ngành về công tác của cảnh sát nữ tại Khoa Tội phạm học. Vài năm sau đó, sự kiên trì của bà được đền đáp khi các nữ cảnh sát Mỹ chính thức được trao đầy đủ quyền tuần tra, phòng chống tội phạm, điều tra hình sự…, những quyền mà trước đây chỉ do cảnh sát nam đảm nhận.
Các nữ cảnh sát Los Angeles luôn đạt hiệu suất cao trong công việc, sát cánh cùng các nam đồng nghiệp trong tất cả các mặt công tác, không quản ngại gian khổ, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, xóa tan sự ngờ vực của xã hội và định kiến phân biệt giới tính của một bộ phận trong xã hội. Họ đã tự chứng minh được vai trò và vị thế của mình trong một ngành đặc thù bằng chính năng lực và thành công trải nghiệm qua thực tiễn công tác.
Thậm chí, một số phụ nữ đã lập những chiến công xuất sắc, trở thành khắc tinh của các loại tội phạm. Cũng từ bài học thành công này, ngày càng nhiều phụ nữ trên khắp nước Mỹ từ bỏ được sự e ngại để nộp đơn xin gia nhập lực lượng cảnh sát và số lượng nữ cảnh sát ngày càng tăng. Họ được bổ nhiệm và phân công công tác ở nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ trong một vài lĩnh vực bó hẹp.
Những nữ cảnh sát Mỹ đầu tiên cũng luôn nỗ lực đến gần hơn với người dân thông qua công tác vận động quần chúng, giúp đỡ nhân dân, tạo được hình ảnh đẹp và gần gũi trong mắt người dân nên dần họ được xã hội ghi nhận, ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ. Họ cũng góp phần làm "mềm hóa" hình ảnh của lực lượng cảnh sát Mỹ, một lực lượng vốn trước đây bị người dân Mỹ coi là rất "cứng nhắc và đầy bạo lực".
Bà Wells kiêm trách nhiệm Chủ tịch Hiệp hội nữ công chức bang California từ năm 1928. Bà tới tất cả các bang của nước Mỹ để nêu bật vai trò của phụ nữ trong các cơ quan công quyền, đặc biệt là trong lực lượng cảnh sát.
Năm 1934, Wells được bổ nhiệm chức Trưởng ban nghiên cứu lịch sử của Sở Cảnh sát Los Angeles. Bà đảm nhiệm vị trí này tới khi nghỉ hưu năm 1940, sau đúng 30 năm công tác trong ngành cảnh sát. Nữ cảnh sát đầu tiên của nước Mỹ qua đời tháng 8/1957. Lễ tang của bà được tiến hành theo nghi thức cảnh sát với hàng tiêu binh danh dự gồm 10 cảnh sát nữ và sự có mặt của toàn bộ ban lãnh đạo và đông đảo sỹ quan cảnh sát Sở Cảnh sát Los Angeles.
Bài điếu văn của Giám đốc Sở Cảnh sát Los Angeles đã nêu bật và vinh danh những đóng góp quan trọng của bà cho lực lượng cảnh sát, đặc biệt là tiền đề cho việc hình thành và phát triển cảnh sát nữ ở nước Mỹ. Từ nền tảng do bà đặt ra, đến nay, toàn bộ các bang trên nước Mỹ đã có lực lượng cánh sát nữ rất hùng hậu, đảm trách những vị trí trọng yếu và đóng góp to lớn vào chiến công chung của toàn lực lượng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự cho nước Mỹ.