Mùa xuân năm 1941, ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ “Trắng rừng biên giới nở hoa mơ”, sau “ba mươi năm ấy chân không nghỉ” lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ tại cột mốc 108 (thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) xây dựng căn cứ địa cách mạng tại Pác Bó, tiến tới tổng khởi nghĩa tháng Tám, năm 1945 thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng về với Bác Hồ ngày ấy có 5 người: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Thế An, Hoàng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp (xếp thứ tự theo bức tranh sơn dầu của họa sỹ Trịnh Phòng). Lịch sử ghi lại về họ có phần chưa đầy đủ. Bởi vậy trong bài viết này tôi xin “kể” về 5 người ấy qua những tư liệu, những kết quả khảo sát thực địa trong hành trình nghiên cứu VỀ NGUỒN của tôi.
Phùng Chí Kiên (người vác súng, đội mũ mềm, vai khoác túi vải, bên phải Bác Hồ trong bức tranh ở trên). Ông tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh năm 1901, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1925, sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp huấn luyện cách mạng (đầu tiên) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Ông đã tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố. Năm 1931, sang Liên Xô theo học tại trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Năm 1935, ông tham gia Đại hội lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương, được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương, phụ trách công tác Đảng ở hải ngoại.
Năm 1940, ông cùng Bác Hồ từ Vân Nam về Tịnh Tây (Quảng Tây) tham gia giảng dạy lớp huấn luyện cho 40 cán bộ tỉnh Cao Bằng tại làng Nặm Quang (Trung Quốc). Tại Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Khuổi Nặm (Pác Bó), ông được bầu làm Ủy viên trung ương Đảng, được cử về khu căn cứ Bắc Sơn lãnh đạo Cứu quốc quân.
Trong trận đánh tại Khau Pàn (thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), địch xiết chặt vòng vây, Phùng Chí Kiên đi sau chốt chặn cho đồng đội. Kẻ địch bắt, hèn hạ chặt đầu ông bêu ở đầu cầu Ngân Sơn. Năm 2003, ông được Chính phủ ra quyết định truy phong là cán bộ quân đội cấp tướng.
Lê Quảng Ba (người đứng sau Bác Hồ, vai khoác bao gạo). Ông tên thật là Đàm Văn Mông, sinh năm 1915 tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tham gia cách mạng từ năm 1931. Năm 1940, hoạt động tại huyện Tịnh Tây (Trung Quốc). Ông có công lớn đưa 40 cán bộ Cao Bằng đang “nương nhờ” Trương Bội Công - viên tướng của Tưởng Giới Thạch ở Tịnh Tây về làng Nặm Quang dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức.
Về nước cùng Bác Hồ ngày 28/1/1941, ông là người tổ chức bảo vệ, lo hậu cần cho Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng. Đặc biệt trong thời gian diễn ra Hội nghị lần thứ tám Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ông đã tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn, góp phần vào thắng lợi to lớn của hội nghị.
Từ sau ngày cách mạng thành công (1945), ông vào Quân đội lần lượt đảm trách những chức vụ quan trọng như: Chỉ huy trưởng chiến dịch Thập vạn đại sơn, giúp Trung Quốc giải phóng vùng Đông Bắc, Tư lệnh trưởng Quân khu Việt Bắc (1949). Năm 1958, ông được phong hàm thiếu tướng, đồng thời đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác.
Đào Thế An (người cầm gậy, đeo ba lô sau lưng). Đây là “nhân vật” có nhiều “bí ẩn”. Sách vở ghi chép về ông rất hiếm hoi. Chỉ ghi tên là Thế An (không ghi họ) nên nhiều người nhầm với Hoàng Thế Hậu, quê Đào Ngạn, Hà Quảng, một trong 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tôi không tin điều đó nên cất công đi tìm! “Đầu mối” đầu tiên là từ cuốn hồi ký của bà Nông Thị Trưng, cháu gái nuôi của Bác Hồ, cùng Thế An ở trong đội du kích Pác Bó: “Đến tối thứ tư, tôi được tin báo có đồng chí Quốc Vân và đồng chí Thế An (là em một phó lý Đoạt) đến gặp tôi. Tôi kể tình hình cho hai đồng chí nghe cả việc chung và sự rình mò của bọn tay sai”(“Những ngày sống cùng Bác” - Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng xuất bản năm 1990 - trang 28).
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng cung cấp cho tôi một bản sao lý lịch Đảng viên. Người Đảng viên trong bản lí lịch đó có tên là Đào Mạnh Vi, sinh ngày 19/8/1916, tại Cốc Xâu, Sóc Giang, Hà Quảng, bí danh là Xô Liên. Xin trích: “Năm 1940, bí mật đi sang Tầu, hoạt động bí mật ở Tầu, cùng các đồng chí về nước hoạt động trong nước. Năm 1942 vào đội du kích bảo vệ cơ quan Hồ Chủ tịch. Năm 1946, tham gia bộ đội Nam tiến, chiến đấu ở Trung bộ và Nam bộ. Năm 1950 là Huyện đội trưởng huyện Trấn Biên”. Năm 1951 ông mất ở quê nhà lúc 35 tuổi.
Theo bản lý lịch thì Đào Mạnh Vi có thể là Đào Thế An, nhưng trong lý lịch không thấy ghi bí danh là Thế An mà chỉ ghi là Xô Liên. Tôi lên khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó tìm hiểu, được anh Nông Tiến Thành, cán bộ khu di tích đưa tôi về Cốc Xâu, đến nhà anh Đào Trường Thọ (sinh năm 1972), nơi thờ cúng Thế An. Tôi hỏi Đào Trường Thọ có biết phó lý Đoạt không? Anh Thọ trả lời “đó là ông ngoại tôi. Ông còn có tên là Đào Xuân Phục là anh trai Đào Mạnh Vi tức Thế An”.
Sau đó, Đào Trường Thọ đưa cho tôi xem tấm Bằng huân chương kháng chiến mà gia đình đang lưu giữ, chữ đã mờ, nhưng tên người được tặng huân chương còn rõ: Chủ tịch nước tặng huân chương kháng chiến cho đồng chí Đào Mạnh Vi - tức Thế An. Đó là bằng chứng quan trọng nhất khẳng định Đào Thế An tức Đào Mạnh Vi. Có thể Thế An mất sớm nên tên tuổi, thành tích không nổi, bị chìm đi.
Hoàng Văn Lộc (người đội mũ mềm, vai gánh hành lý). Hồi ký ghi ông là người lo cơm nước và bảo vệ Bác Hồ ở Pác Bó. Kháng chiến chống Pháp, ông về An toàn khu Thái Nguyên tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ. Giám đốc An toàn khu Thái Nguyên - nghệ sỹ nhiếp ảnh Đồng Khắc Thọ đã có bài viết kỹ về ông Hoàng Văn Lộc (mà bảo tàng Hồ Chí Minh ghi là Phạm Văn Lộc?!) đăng trên báo Tiền Phong số ngày 2/9 và 3/9/2014. Xin tóm tắt: “Năm 1928, Nguyễn Ái Quốc đến Thái Lan lấy tên là Thầu Chín đã chọn Nguyễn Văn Ty (sinh năm 1900 tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đặt tên là Phạm Văn Lộc làm bảo vệ. Tháng 5/1940, Phạm Văn Lộc gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Côn Minh rồi cùng Người về nước, tham gia bảo vệ Bác Hồ ở Pác Bó. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Phạm Văn Lộc trở về Khuôn Tát, dưới chân núi Hồng, ông bị sốt rét ác tính, bị bệnh đường ruột mất ngày 3/6/1948.
Vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1949), các chiến sĩ bảo vệ, giúp việc tặng Bác Hồ bó hoa rừng. Người rơm rớm nước mắt bảo: “Mang hoa ra đặt trên mộ chú Lộc, Trong lúc khó khăn, gian khổ làm việc không chút nề hà, đến lúc nước nhà độc lập cũng không mảy may đòi hưởng thụ. Đó là phẩm chất của Phạm Văn Lộc”.
Đặng Văn Cáp (người đi sau cùng). Ông tên thật là Đặng Văn Linh sinh năm 1894 tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Xuất thân trong một gia đình nho học yêu nước, nhiều đời làm nghề bốc thuốc, chữa bệnh, cứu người. Năm 1925, ông sang Thái Lan, cuối năm 1928 ông gặp Thầu Chín (lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc), được Người tin tưởng, hướng theo con đường hoạt động cách mạng.
Tháng 5/1940, Đặng Văn Cáp gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Vân Nam rồi theo người về nước. Ở Pác Bó ông được giao nhiệm vụ in tài liệu và giao dịch, vận động bà con địa phương giúp đỡ lương thực. Cách mạng tháng Tám thành công, ông về Hà Nội chăm sóc sức khỏe cho Bác Hồ. Năm 1951, ông phụ trách trường thiếu sinh quân Việt Nam tại Quế Lâm (Trung Quốc). Năm 1957, về nước làm việc tại tỉnh Cao Bằng. Năm 1960, chuyển sang làm Chủ tịch Hội Y học Dân tộc Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III. Ông mất năm 1984, hưởng thọ 90 tuổi.
Cao Bằng - 2015