Chuyện về Nhà thiết kế Tây bén duyên thổ cẩm Cơ Tu

Aldegonde cùng bộ trang phục hiện đại sử dụng chất liệu hoa văn thổ cẩm của người Cơ Tu
Aldegonde cùng bộ trang phục hiện đại sử dụng chất liệu hoa văn thổ cẩm của người Cơ Tu
TP - Trong chuyến đi huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam), nhà thiết kế người Bỉ Aldegonde van Alseno cùng những người bạn đã say mê thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu. Bà quyết định trở lại Việt Nam cùng sáng tạo, hướng dẫn chị em phụ nữ Cơ Tu bán sản phẩm thổ cẩm ra thị trường.  

Aldegonde từng có nhiều bộ sưu tập trang phục và được trình diễn tại các nước như Nhật Bản, Anh… Năm 2006, bà đến Việt Nam lần đầu tiên khi tham gia dự án của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Đông Giang (Quảng Nam). Tại đây, Aldegonde làm việc với những phụ nữ dân tộc Cơ Tu. Những họa tiết độc đáo trên thổ cẩm Cơ Tu khiến nhà thiết kế châu Âu mê mẩn, bén duyên.

“Tôi rất thích các sản phẩm dệt vải ở làng Đhrôồng, xã Tà Lu. Người Cơ Tu dệt vải bằng cả cơ thể, những màu sắc hoa văn thay đổi theo ý thích của họ, tôi đặc biệt chú ý đến những hạt cườm, chúng được dệt vào trong nền tấm vải”, Aldegonde nói. 

Theo bà, tất cả họ đều là những “nhà thiết kế”, bởi họ tạo ra sản phẩm theo ý riêng của mình từ kiểu dáng cho đến hoa văn. Nhưng khi bà hỏi họ sản phẩm làm ra có bán không, ai nấy đều lắc đầu bảo “không biết bán”, mà chỉ dệt để mặc khi có lễ hội, đám cưới…

Sau khi kết thúc dự án, năm 2012, Aldegonde quyết định quay lại Việt Nam gắn bó với thổ cẩm, giúp phụ nữ Cơ Tu làm kinh tế từ sản phẩm chính họ làm ra.

Cách làm của Aldegonde rất thực tế, hiệu quả. Tại Hội An, bà mở cửa hàng thời trang Ava’na, và cùng với người bạn của mình là Nele de Block thiết kế những sản phẩm mang đậm văn hóa Cơ Tu. Hai người cho ra đời bộ sưu tập mang tên “Cotu Yaya” (một vũ điệu truyền thống của người Cơ Tu). Khi làm các mẫu này, bà không dệt vải thành bộ như người bản địa, mà sử dụng các hoa văn thổ cẩm làm điểm nhấn cho các bộ trang phục như cổ áo, tay áo...

Cũng từ đó, Aldegonde gắn bó với các “nhà thiết kế” Cơ Tu. Mỗi tháng bà lên xã Tà Lu vài ngày, tập huấn cho chị em cách buôn bán sản phẩm, làm quen với hóa đơn bán hàng. 

“Sau khi tập huấn xong, tôi chuyển cho họ 50% số tiền để họ sẽ làm các sản phẩm theo thời gian yêu cầu. Phần còn lại, tôi sẽ chuyển khi hoàn thành. Người kế toán sẽ có nhiệm vụ ghi lại các hóa đơn bán và xuất hàng”, bà nói.

Aldegonde ấn tượng với chị Bling Treng, 41 tuổi, bắt đầu dệt vải từ năm 10 tuổi, đến nay đã làm khoảng 400 sản phẩm thổ cẩm khác nhau. Treng cũng làm kế toán theo nhóm sản xuất tại làng Đhrôồng. Aldegonde bán sản phẩm. Mỗi ngày làm việc, mỗi chị em có người thu nhập khoảng 400-500 nghìn đồng. Đối với những sản phẩm bán chạy trên thị trường, Aldegonde còn chia thêm lợi nhuận cho họ.

Aldegonde hiện sống cùng chồng và 2 con tại Hội An. 

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.