Chuyện về 'cha đẻ' ATM gạo

0:00 / 0:00
0:00
Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh cùng vợ chụp ảnh với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong buổi nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2020
Cha đẻ” ATM gạo Hoàng Tuấn Anh cùng vợ chụp ảnh với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong buổi nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2020
TP - Năm 2020, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Hoàng Tuấn Anh, CEO Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh xây dựng hơn 100 ATM gạo, ATM khẩu trang, quyên góp được hàng nghìn tấn gạo phát miễn phí cho người dân gặp khó khăn. Anh vừa được bình chọn là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.

Dựng 100 máy trong vòng 15 ngày

“Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, khó khăn ập đến, tôi nhận ra có rất nhiều người khác cũng vậy. Đầu tháng 4/2020, thành phố bước vào giai đoạn cách ly xã hội cũng là thời điểm nhiều người bị đói vì mất việc. Tôi quyết định dựng ATM gạo đầu tiên ở sân nhà. 5 tấn gạo đầu tiên tôi phát tặng bà con hết sạch trong 2 ngày đầu ATM gạo hoạt động. Trong khi chưa biết lấy gạo ở đâu để phát tiếp, một phép màu xuất hiện...”, anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh nhớ lại.

Theo Tuấn Anh, nhờ truyền thông và mạng xã hội về ATM gạo, các doanh nhân, mạnh thường quân bắt đầu tìm đến để đóng góp, chung tay giúp đỡ người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn. “Tôi choáng ngợp khi chứng kiến làn sóng thiện nguyện lớn chưa từng thấy. Từ vài tấn gạo ban đầu, tôi nhận được vài chục tấn rồi vài trăm tấn. Từ 1 máy ATM dựng ở sân nhà, tôi bắt đầu đi đến các điểm khác của thành phố, rồi tỉnh khác để dựng lên 100 máy trong vòng chỉ 15 ngày đầu của tháng 4”, Tuấn Anh chia sẻ.

“Tôi biết câu chuyện phát gạo không chỉ là việc cá nhân nữa, mà là của nhiều người ở mọi miền Tổ quốc đóng góp. Do vậy phải làm sao để có sự công bằng, lan tỏa và quan trọng nhất là giúp đỡ được nhiều người khó khăn. Ðó là lý do tôi đặt ra mục tiêu sẽ phát gạo cho 1 triệu lượt người”.

Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh

Không chỉ trong nước, tháng 5/2020, Hoàng Tuấn Anh còn mang tặng 4 cây ATM gạo cho Campuchia, 2 ATM gạo cho Đông Timor, 2 ATM gạo cho Myanmar. Tháng 7/2020, dịch tạm lắng, Việt Nam bước sang trạng thái bình thường mới, vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế. Tuấn Anh chuyển sang làm ATM phát khẩu trang, dừng phát tặng gạo. “Đây là cách tôi khuyến khích mọi người lao động an toàn. Thay vì số tiền dùng để mua khẩu trang, họ sẽ dùng nó để mua vài kg gạo, thế là ATM khẩu trang miễn phí ra đời”, Tuấn Anh nói.
Chuyện về 'cha đẻ' ATM gạo ảnh 1

Cây ATM gạo của Hoàng Tuấn Anh

Trích doanh thu công ty làm từ thiện

Theo CEO Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh, phát minh ATM gạo không phải là điều gì vĩ đại nhưng nó đã giúp nhiều người nghèo nhận được gạo trong thời điểm khó khăn, giúp họ vượt qua suy nghĩ bi quan trong bối cảnh cả xã hội phải trải qua đại dịch. “Bản thân không có đóng góp gì nhiều cho nền kinh tế nhưng tôi dùng kiến thức, năng lực sẵn có của mình để sáng tạo ra mô hình giúp ích cho cộng đồng. Và cũng nhờ các cơ quan ban ngành, các mạnh thường quân,... đặc biệt là truyền thông, mạng xã hội, mô hình này đã được lan tỏa”, Tuấn Anh chia sẻ.

Ban đầu Tuấn Anh chỉ có ý định phát vài tấn gạo mà mình có, nhưng nhờ các cơ quan báo đài, mạng xã hội chia sẻ thông tin, chỉ sau vài ngày anh đã nhận hàng trăm tấn gạo. Có những người đi xe đạp, xe máy mang đến góp 50-100 kg gạo, có người đi siêu xe chở cả vài tạ gạo,... “Đó là động lực thôi thúc tôi làm thiện nguyện và làm đến cùng”, anh nói.

Trong quá trình mở rộng ATM gạo, có thời điểm Tuấn Anh gần như gục ngã, muốn dừng lại vì những thị phi và các sự cố. “Tôi đã nhận được nhiều lời động viên từ các mạnh thường quân, những người làm cùng. Họ đã kéo tôi đứng dậy đi tiếp. Làm từ thiện không chỉ cần có tấm lòng mà cần cả lý trí nữa”, Tuấn Anh nói.

Từng là triệu phú đô la ở Úc

Sinh ra và lớn lên ở TPHCM, đến năm 2000, Tuấn Anh đi du học tự túc ở Melbourne, Úc. Tuy gia đình có điều kiện nhưng Tuấn Anh không ỷ lại mà tranh thủ làm thêm, trang trải tiền học phí. Năm 24 tuổi, Tuấn Anh mở công ty tham gia chương trình lắp tấm cách nhiệt và kiếm được 1 triệu đô la Úc chỉ trong vòng 6 tháng. Thế nhưng, anh nhanh chóng rơi vào khủng hoảng và trắng tay khi dự án đột ngột thay đổi. Từ bỏ xứ sở Kăng- gu- ru trở về Việt Nam, Tuấn Anh khởi nghiệp bằng dự án về container và tiếp quản Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh, làm giám đốc cho đến nay.

“Cha đẻ” ATM gạo khẳng định làm từ thiện rất “lời” và ATM gạo là minh chứng cho điều đó. Từ một ATM gạo ban đầu với 5 tấn gạo, ATM này đã nhận được 300 tấn từ các mạnh thường quân. Trong 300 tấn ấy, Tuấn Anh dành 200 tấn để tặng cho mỗi một điểm từ 10-20 tấn. Từ 10-20 tấn này, họ lại tiếp tục nhận thêm vào hàng trăm tấn gạo. “Tổng số lượng gạo trong chương trình ước tính lên đến 10.000 tấn. Đây là con số khổng lồ trong từ thiện, tương đương hơn 100 tỷ đồng”, Tuấn Anh cho biết.

Chia sẻ về những dự định năm 2021, Tuấn Anh nói rằng, năm nay dịch bệnh chưa hết, nhiều người vẫn sẽ gặp khó khăn nên anh sẽ tiếp tục làm ATM gạo, khẩu trang ở bệnh viện, trường học,... Anh sẽ cùng một số doanh nghiệp mở một quỹ, trích 2% doanh thu công ty để làm ATM gạo.

“ATM gạo sẽ được đặt tại các trại trẻ mồ côi, bếp ăn từ thiện các bệnh viện,… trong cả nước. Chúng tôi sẽ phát cho họ một cái thẻ để lấy gạo tự động. Ước chừng mỗi trại trẻ mồ côi sẽ có khoảng 100-200 kg gạo/tháng”, Tuấn Anh đặt mục tiêu.

Chuyện về 'cha đẻ' ATM gạo ảnh 2
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.