Hai lần trả biệt thự
Về tiếp quản Thủ đô, anh Nguyễn Chí Thanh được văn phòng Trung ương (hồi đó chưa có cơ quan nhà đất) cấp cho ngôi biệt thự loại I ở đường Cổ Ngư, đường Thanh Niên bây giờ. Đó là biệt thự đẹp thoáng mát gần kề hồ, phong cảnh rất nên thơ, ai cũng thích. Nhưng ở đây chỉ sau một thời gian ngắn, nhận thấy nhiều điều bất tiện vì Nhà nước khi đó đang rất cần những biệt thự sang trọng như thế để phục vụ cho công việc khác cần kíp, anh đã chủ động trả nhà để phục vụ cho lợi ích quốc dân.
Trước nguyện vọng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, cơ quan và nhiều người động viên khuyến khích giữ lại nhà, nhưng anh Thanh kiên quyết chuyển đến một ngôi nhà bé hơn ở phố Cửa Đông. Bộ Quốc phòng thấy bạn bè và khách thăm anh ngày càng đông, nhà nhỏ không có cả chỗ tiếp khách, nhất là khách nước ngoài, nên đề nghị anh chuyển đến ngôi nhà khác. Đó là biệt thự loại III ở 34 Lý Nam Đế. Gia đình Nguyễn Chí Thanh đã ở đây cho đến ngày ông qua đời. Sau khi đại tướng mất, bà Nguyễn Thị Cúc và các con tự nguyện trả lại ngôi biệt thự này cho Nhà nước.
Thì ra việc trả biệt thự - dạng nhà công vụ, từ gần nửa thế kỷ trước, các cán bộ cao cấp của ta thực hiện mau lẹ và nhẹ thênh? Và khác với vẻ ì ạch, nặng nề, thậm chí chây ỳ của không ít quan chức xứ mình bây giờ?
Người thầy của 6 ông tướng hay là chuyện học văn hóa của tướng lĩnh
Tôi xin trích dưới đây những dòng tâm sự của đại tá Doãn Mậu Hòe nay là Phó chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng trong cuốn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà chính trị quân sự xuất sắc thời đại Hồ Chí Minh (NXB QĐND mới xuất bản).
Cũng nói thêm, đại tá Doãn Mậu Hòe quê ở Quế Sơn (Quảng Nam). Năm 1947, lúc tròn 17 tuổi, ông tốt nghiệp lớp đệ tứ (tương đương trình độ lớp 12 hiện nay), và thi đậu vào trường Trung cấp Sư phạm Quế Sơn với số điểm tuyệt đối.
Đúng ngày khai giảng niên khóa 1949 - 1950 thì anh giáo tương lai nhận được lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ ra chiến trường.
Sau thời gian rèn luyện học tập tại phân hiệu võ bị Trần Quốc Tuấn, ông được biên chế về chiến đấu tại đại đội 216, tiểu đoàn 50, trung đoàn 108 (Quân khu V) tham gia đánh Pháp, diệt phỉ ở mặt trận Tây Nguyên. Ngoài thời gian chiến đấu, ông Hòe còn có biệt tài trong việc tổ chức các lớp học dã chiến từ bậc xóa mù cho đến hết lớp 9 (cấp II) ngay tại mặt trận. Hơn ba năm tổ chức, duy trì lớp học, ông đã xóa mù chữ và nâng cao trình độ văn hóa cho gần 250 chiến sĩ trong đơn vị.
“Đầu năm 1957, sau khi học xong lớp bồi dưỡng trợ lý giáo viên văn hóa, tôi được Tổng cục Chính trị điều về Cục Văn hóa làm nhiệm vụ giảng dạy”, ông Hòe kể. “Trong số 40 giáo viên bộ môn văn, toán, lý, hóa được phân công giảng dạy các lớp văn hóa tại chức và lớp văn hóa tập trung tại cơ quan Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Bộ Tổng tham mưu trong đó có tôi và một giáo viên được phân công hướng dẫn các thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng tham mưu học văn hóa tại nhà riêng.
Tôi nhận nhiệm vụ giảng dạy môn hóa, lý hai lớp 7 tại chức (lớp 7 cuối cấp II hệ 10 năm) và học tiếp cấp III tại cơ quan. Thủ trưởng Phạm Kiệt (tên thật là Phạm Quang Khanh sinh năm 1910, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Thời điểm theo học văn hóa là Cục trưởng bảo vệ thuộc Tổng cục Chính trị. Sau này là Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an vũ trang - NV) học môn văn, toán cấp I, học riêng ở nhà.
Thủ trưởng Hoàng Văn Thái (tên thật là Hoàng Văn Xiêm sinh 1915. Quê Tiền Hải, Thái Bình. Năm 1954 là Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN. Thời gian học văn hóa là chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn). Phạm Ngọc Mậu (tên thật là Phạm Ngọc Quyết sinh năm 1919, quê Kiến Xương, Thái Bình, sau này là Thượng tướng - NV) ở liền nhà cùng học chương trình lý, hóa cấp III. Thủ trưởng Song Hào (tên thật là Nguyễn Văn Khương sinh 1917 quê Vụ Bản, Nam Định.
Sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ QP, Phó Bí thư Quân ủy TW, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH. Thời gian học văn hóa là Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị - NV). Lê Quang Đạo (tên thật là Nguyễn Đức Nguyện sinh năm 1921, quê quán Đình Bảng, Bắc Ninh. Sau này là Trung tướng, Chủ tịch Quốc hội. Thời gian học văn hóa là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - NV) ở cùng nhà học chung chương trình hóa, lý cấp III.
Thủ trưởng Nguyễn Chí Thanh chủ trì họp bàn về việc học văn hóa. Sau khi tôi trình bày kế hoạch sắp xếp lớp, nội dung chương trình học các môn theo trình độ học lực và yêu cầu của từng thủ trưởng để sắp xếp thời khóa biểu cho khóa học, tất cả đều nhất trí mỗi tuần học 2 buổi tối, khoảng 2 giờ một tối và 1 buổi ban ngày (3 giờ/buổi).
Thủ trưởng Thanh nói, từ xa xưa, ông cha ta xếp thứ bậc vị thế trong xã hội là Quân, Sư, Phụ. Trên thầy là vua, dưới thầy là cha. Địa vị người thầy thời nào cũng được kính trọng và tôn vinh. Ngày nay chúng ta đang sống trong chế độ mới, địa vị người dân là cao nhất, dân là chủ và địa vị người thầy cũng là cao nhất càng được xã hội tôn vinh và kính trọng. Tôi đề nghị từ hôm nay, chúng tôi gọi giáo viên là thầy và giáo viên gọi chúng tôi là anh.
Cũng trong buổi gặp ấy, thủ trưởng Thanh nói: Hồi nhỏ tôi học giỏi và rất ham học. Năm 14 tuổi, tôi đang học lớp đệ tam (tương đương lớp 7 cấp II hệ 10 năm), ông cụ thân sinh tôi mất, nhà nghèo, tôi đành bỏ học làm tá điền kiếm sống nuôi gia đình.
Tôi đi theo cách mạng được Đảng, Bác Hồ giáo dục rèn luyện đào tạo, tôi biết trình độ văn hóa của mình còn thấp mà nhiệm vụ được giao lại vượt quá khả năng của mình, tôi đề ra chương trình tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn. Chúng tôi mong thầy giáo thông cảm cho những học trò là đối tượng người lớn hiểu nhanh đấy nhưng lại chóng quên, tin tưởng thầy sẽ hướng dẫn chúng tôi học hết cấp III.
Còn nhớ, tướng Phạm Kiệt bộc bạch, xin thầy Hòe dạy tôi, đừng phân công các cô giáo dạy. Vì trước đây tôi bị Pháp bắt tù đày đánh đập bây giờ ảnh hưởng trí não nói trước quên sau. Nếu để các cô giáo dạy, khi hỏi bài mình không trả lời được thì xấu hổ lắm.
Học trò của tôi là như vậy đấy. Tuổi đời đã bước qua ngưỡng 40-45. Trong khi đó tôi mới 25 tuổi. Tất cả đã nghỉ học từ 20-25 năm. Như gợi ý của Đại tướng Thanh là nên dạy như thế nào cho phù hợp với đối tượng người lớn tuổi để người học dễ nhớ, nhớ lâu, nhớ kỹ, thực hành có kết quả.
Tôi hướng dẫn anh Thanh học ôn môn toán, lý, hóa theo chương trình. Thời gian ôn tập các môn toán, lý, hóa cấp II trong vòng 8 tháng, đến tháng 10/1957 học tiếp chương trình môn hóa , lý lớp 8 cấp III.
Người học có định hướng đúng, hành động đúng. Người học có chí lớn tầm nhìn rộng và tư duy cao. Có tính quyết đoán kiên trì bền bỉ, quyết tâm cao. Anh Thanh dường như đã hội đủ những yếu tố trên trong việc học văn hóa. Anh đã hoàn thành trong 5 tháng chương trình toán, lý, hóa cấp II đúng dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo 20/11/1957! Và các lớp học của các anh Hoàng Văn Thái, Phạm Ngọc Mậu, Song Hào, Lê Quang Đạo, Phạm Kiệt cũng kết thúc vào dịp đó.
Trong bữa cơm thân tình tại nhà anh Phạm Kiệt ở 16A Lý Nam Đế chiều 20/11 năm ấy, tình thầy trò, đồng chí anh em ấm áp bện quện làm tôi vợi đi nhiều lắm nỗi nhớ nhà nhớ quê hương miền Nam sau 3 năm tập kết sống trên đất Bắc.
Cũng cần nói thêm rằng, tháng 2/1958 anh Nguyễn Chí Thanh sau đợt công tác dài ngày đã bắt tay vào học chương trình lớp 9. Nhưng học được 2 tháng thì anh nghỉ hẳn để tập trung nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam.
Tháng 7/1961, tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Tổng cục Chính trị điều động về Phòng Chính trị làm trợ lý văn hóa và tôi tiếp tục hướng dẫn các tướng Hoàng Văn Thái, Song Hào, Phạm Ngọc Mậu học môn hóa, lý lớp 9 cấp III còn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Thiếu tướng Phạm Kiệt đi nhận nhiệm vụ mới”.
Cũng như việc hai lần trả biệt thự, chuyện học văn hóa của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các tướng lĩnh gợi cho hậu thế nhiều sự giật mình trong thời buổi nhan nhản nạn học giả, bằng giả!
Mừng cho không ít các tướng lĩnh thời nay ai ai cũng có bằng cử nhân. Và nhiều lắm các tướng có trình độ trên đại học hoặc Tiến sĩ. Trong môi trường quân đội và ngoài xã hội nếu còn ai đó học giả bằng giả có lẽ cũng nên gẫm những gương cần công kiệm học của các tướng lĩnh Việt Nam một thời.
Còn nữa
Tôi biết anh Thanh hằng ngày vô cùng bận rộn công tác lãnh đạo, thường xuyên phải đi các quân khu nên tôi kéo giãn thời gian ôn tập dài ngày hơn và số lượng bài tập ở nhà cũng vừa phải.
Nhưng không ngờ bài tập quy định làm trong 8 ngày thì chỉ 3 ngày sau anh đã làm xong và nộp bài. Dự kiến ôn tập trong 8 tháng thì chỉ trong 5 tháng anh đã hoàn thành chương trình ôn tập các môn toán, lý, hóa cấp II.