Chuyện tình yêu thời tập kết 'Ở hai đầu nỗi nhớ'

Quán thanh xuân tháng 9 kể chuyện tập kết thời 1954
Quán thanh xuân tháng 9 kể chuyện tập kết thời 1954
TPO - Quán thanh xuân tháng 9, truyền hình trực tiếp lúc 20h40 Chủ nhật 15/9 trên VTV1. Chủ đề “Ở hai đầu nỗi nhớ” chính là những hồi ức của một thời tuổi trẻ những người gắn liền với giai đoạn tập kết 1954.

Khách mời Quán thanh xuân số này: Ông Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông; PGS - TS Phan Tuý - Nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Dược, Trưởng Ban liên lạc Học sinh miền Nam tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; nhạc sĩ, NSƯT Lương Nguyên; NSƯT Phi Điểu; nhà báo Thế Thanh; Bạch Dương - con gái Nhạc sĩ Thanh Tùng (học sinh tập kết). Với sự tham gia biểu diễn của một số ca sĩ như Khánh Linh, Vũ Thắng Lợi, Đinh Mạnh Ninh, sao mai Phương Thanh.

Đất nước chia cắt từ bờ Hiền Lương. Hàng trăm ngàn người con miền Nam từ biệt người thân tập kết ra Bắc, lời hẹn hai năm đã trở thành hơn 20 năm. Bối cảnh ấy đã tạo nên cả một thế hệ với khoảng trời ký ức về những ngày tập kết ra Bắc. Khách mời của Quán thanh xuân số này kể những câu chuyện như thế.

Chuyện tình yêu thời tập kết 'Ở hai đầu nỗi nhớ' ảnh 1

 Ôn lại những kỷ niệm thời tập kết

Nhạc sĩ Hoàng Việt chia tay người vợ trẻ từ Cà Mau ra Bắc. Muôn trùng cách trở, nhớ nhung được chuyển tải qua những lời ca: “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta/Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba/Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra...”. Đó là bối cảnh ra đời Tình ca.

Câu chuyện tình yêu và nỗi nhớ của cá nhân nhạc sĩ, cũng chính là tâm thức của cả một thế hệ. Nhiều câu chuyện tình yêu tương tự cũng dần được hé mở cho khán giả. Con gái nhạc sĩ Thanh Tùng sẽ kể về ký ức của cha mẹ mình những ngày xa cách nhưng vẫn cháy lửa tình yêu. Hay chuyện đám cưới cạnh gian hòm áo quan nhưng vui không kể xiết của cặp đôi nghệ sĩ Phi Điểu - Phan Nhân.

Chuyện tình yêu thời tập kết 'Ở hai đầu nỗi nhớ' ảnh 2

Vũ Thắng Lợi-một trong những ca sĩ trong chương trình

Khán giả cũng được xem trích đoạn Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, trích đoạn phim tài liệu Tập kết 1954 - Những câu chuyện bây giờ mới kể. Nhiều người miền Nam tập kết ra Bắc mang theo nỗi nhớ gia đình. Có người vừa mới cưới vợ được vài ngày, người được vài tháng, cũng có người chưa kịp cưới đã vội ra Bắc.

Nhiều người vượt qua được nỗi cô đơn, nhưng có những người không thể mới dẫn tới chuyện nhiều người kết hôn lần nữa. Khi trở về, có người đã tìm gặp chồng sau của vợ rồi trở thành bạn thân. Có những phụ nữ khi chồng tập kết, một mình nuôi 6 người con nên người và giữ một niềm tin son sắt về nhau, nuôi trong lòng Bài ca Hy vọng (Văn Ký).

Không chỉ cán bộ, Đảng và Nhà nước thời ấy có chính sách đưa học sinh từ 6 -7 tuổi cho đến 19-20 tuổi là con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam từ các địa phương ra miền Bắc học tập, đào tạo thành đội ngũ kế cận, có tới 32 nghìn em ra Bắc trong điều kiện đó.

Chuyện tình yêu thời tập kết 'Ở hai đầu nỗi nhớ' ảnh 3

Không gian Quán thanh xuân chủ đề "Ở hai đầu nỗi nhớ"

Ông Lê Ngọc Lập - một trong những thầy giáo đón học sinh miền Nam tập kết ở Thanh Hoá còn giữ từng kỷ vật về những năm tháng tập kết: Cuốn sổ ghi đầu bài đầy đủ tên học sinh, những bài kiểm tra, những lá thư tay... Ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, khi đi tập kết mới có 10 tuổi, má thức suốt đêm may cho bộ áo dài tay đầu tiên trong đời vì nghe nói ngoài Bắc lạnh lắm. Và còn nhiều câu chuyện như thế trong được kể trong Quán thanh xuân.

Đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam trở về xây dựng quê hương, nhiều người trở thành cán bộ cao cấp trong chính quyền như: Ông Trương Quang Được, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng; bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em; ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng công an Nguyễn Khánh Toàn; đại tá phi công Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Hiệu trưởng trường Hàng không Việt Nam.

Ê kíp Quán thanh xuân tháng 9 “Ở hai đầu nỗi nhớ” chuyển tải thông điệp: Tận cùng nỗi nhớ đó là tình người, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng bào vẫn còn mãi, trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong ký ức mỗi người.

MỚI - NÓNG