Thời điểm ấy, Hong Kong, Ma Cao còn chưa sáp nhập vào Trung Hoa lục địa nên có lắm thứ bắt mắt cánh viết lách. Xuyên suốt chuyến đi là những xôm tụ, những tở mở thân tình. Hình như ở xứ người, do đặc thù công việc và sinh hoạt, có bớt đi những khoảng cách và cả những giữ gìn, dè chừng nên ngó người cùng nhìn nghề nó có vẻ thực hơn, rõ hơn thì phải?
Một trữ lượng
Khó mà chia được ở thì tương lai gần, rằng chỉ vài năm nữa thôi người đang quây tụ với mấy anh em chúng tôi trong bữa bia ở xứ người lại trở thành một Thứ trưởng? Trong mớ quyền hành ấy có quyền ký hàng ngàn tấm Thẻ Nhà Báo?
Hình như từ lẩu lâu đã định hình trong tôi một Cục trưởng Cục Báo chí Đỗ Quý Doãn phong thái hơi chất phác với giọng rủ rỉ… Như ông đang sẻ chia với tôi một quá vãng hào sảng ấm áp khi cùng nhạc sĩ Trần Hoàn (thời gian Đỗ Quý Doãn đương là sinh viên khoa Báo chí Trường Lomonoxov) leo đồi Lê Nin ở Matxcơva và tự dưng lóe bật lên những ca từ cho ca khúc Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh.
Chuyện gần, chuyện xa. Tôi thì tò mò chuyện thường ngày ở cương vị Cục trưởng Cục Báo chí, ông Doãn thế nào nhỉ?
Đỗ Quý Doãn |
Đương nghe chuyện Tổng Biên tập (TBT) báo Quảng Bình Đỗ Quý Doãn, trẻ nhất nước, 35 tuổi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quê Quảng Bình, ghé thăm báo thời mới chia tỉnh.
Háo hức trình lên Đại tướng phương án đổi mới tờ báo. Báo sẽ ra hẳn 8 trang với những chuyên đề, chuyên mục và những ý tưởng lớn, xuất bản tuần 1 số thay vì chỉ có 4 trang như trước!
Đại tướng rủ rỉ chuyện trò thân mật, rồi cuối buổi dội cho một gáo nước lạnh.
Ông Doãn làm được tờ báo 8 trương (trang) phải nói rất là tốt! Nhưng nếu ông ra một tờ báo 4 trương nhưng ngày nào cũng ra thì tốt hơn nhiều. Báo là cần thông tin, nhanh thì tốt hơn.
Lời khuyên chân thành và sâu sắc của Đại tướng, ông Doãn luôn khắc ghi trong lòng… Ông bộc bạch trong thời gian làm quản lý tầm vĩ mô. “Nhiều cơ quan lên xin phép ra báo 8 trang, 16 trang, nhưng tuần xuất bản 2, 3 kỳ, tôi cũng khuyên, thà ra 4 trang mà cập nhật hằng ngày thì tốt hơn”.
…Nhân chú chàng phiên dịch tha lên phòng khách sạn mớ nhật báo HongKong. Mở ra một tờ in sặc sỡ, anh vừa cười vừa dịch cho chúng tôi nghe chuyên một trang tinh những chuyện rởm, tin giả mà viết như thật. Xứ này được phép vậy mà.
Một vị trong đoàn ngó ông Doãn, cười.
Bên mình mà như này thì ông Cục trưởng Cục báo chí có dịp để ký lệnh mắng, lệnh phạt mỏi tay nhỉ?
Để ý thấy ông Doãn cũng cười. Nhưng vẫn chất giọng rủ rỉ cố hữu, ông thêm. Đời biết thế nào mà nói trước! Hẵng để lúc ấy hẵng hay!
Hẵng hay?
Ấy là thời điểm Thứ trưởng Đỗ Qúy Doãn đã hưu một thời gian. Một cuộc hội thảo lớn của Bộ 4T (Bộ Thông tin & Truyền thông) được tổ chức. Nhiều báo đã trích, báo thì nguyên văn, tờ thì đại ý vừa là phát biểu vừa là câu trả lời của ông Doãn với câu hỏi: Cần quản lý ra sao trước sự bùng nổ thông tin mạng, nhất là tin giả (fake news)?
Ông Doãn đề xuất “Ta nên sống chung với mạng xã hội. Tuy nhiên, để khỏe mạnh, ta cũng cần vắc xin. Ta phải tự tạo kháng thể để khi nghe lời chống đối thì không bị lôi kéo theo, nghe chửi bới vô lối ta không hùa theo”.
Ông Đỗ Quý Doãn cho rằng bên cạnh sự quản lý của Nhà nước, ý thức người dùng là rất quan trọng.
Về mặt quản lý, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho cho rằng quan điểm: “Phát triển đến đâu quản lý đến đó” là phù hợp. Bởi, công nghệ số như dòng thác, ta không chặn dòng chảy của nó, mà quản lý theo kịp dòng chảy đó.
Ông Doãn đề xuất “Ta nên sống chung với mạng xã hội. Tuy nhiên, để khỏe mạnh, ta cũng cần vắc xin. Ta phải tự tạo kháng thể để khi nghe lời chống đối thì không bị lôi kéo theo, nghe chửi bới vô lối ta không hùa theo”.
…Hình như từ những năm xa, ông quan báo Đỗ Quý Doãn đã có sẵn trữ lượng cùng tố chất để ứng xử những thứ đại loại như vậy?
Chuyện của nhà báo Phạm Huy Hoàn
Giường bên là cái dáng nghiêm ngắn của TBT Báo Lao Động Phạm Huy Hoàn. Lần đầu tôi gặp nhà báo Phạm Huy Hoàn khi anh đến chỗ tôi Khu tập thể Hàng Trống chơi cùng với một người bạn.
Diện tích 5m2 nhà tôi chừng như khó dung và đâm bí bách với một con nhà tư sản Hà Nội như Phạm Huy Hoàn? Đương là cây viết cứng của Ban Quốc tế Báo Lao Động. Trời nực mà cúc cổ cúc áo tay sơ mi đóng kín. Mà chuyện của ông này càng nghe càng thấy lạ?
Bố mẹ Phạm Huy Hoàn có hàng chục ngôi nhà sang trọng. Đùng cái sạch bách sau cải tạo công thương. Cái tiếng thành phần tư sản khiến anh bung biêng lao đao nghề nghiệp.
Hội chẩn một sản phẩm báo chí |
Thi vào Bách khoa. Đỗ cao. Nhưng vì là con nhà tư sản nên không được nhập học. Chán đời, Hoàn theo đám bạn đi làm phu khuân vác ở Cảng Hải Phòng.
Lần ấy, ông Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ GTVT dẫn một đoàn chuyên gia Pháp xuống tham quan Cảng. Tình cờ họ đến chỗ đám bọn Hoàn đang cạo rỉ sét vỏ một con tàu. Chợt thấy người phiên dịch cho Bộ trưởng Tuệ cứ lúng ta lúng túng không dịch được việc gì đó. Vốn được học trường Pháp từ bé nên anh phu khuân vác Phạm Huy Hoàn buột miệng nói thay. Bộ trưởng Tuệ ngạc nhiên quá quyết định luôn Cậu về thay quần áo, từ ngày mai đi dịch cho đoàn nhé!
Rồi Bộ trưởng Tuệ xin cho Hoàn về Phòng đối ngoại của Cục Cơ khí Bộ Giao thông. Lại xin cho đi học ĐH Giao thông. Có sẵn nền tảng tiếng Pháp, học thêm tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức. Rồi Phạm Huy Hoàn bập vào việc dịch. Anh gửi cho các báo Nhân Dân, Độc Lập. Quân đội Nhân dân, Lao Động... Rồi được làm báo chuyên nghiệp. Đậu lâu nhất ở Lao Động.
…Bây giờ ngồi gõ những dòng này, nhớ lại năm 1999, lễ kỷ niệm 70 năm báo Lao Động tại Dinh Thống Nhất, gần 40 người thuộc thành phần chủ chốt báo Lao Động đã ra đi khi Phạm Huy Hoàn lên làm TBT đều hoan hỷ tới dự lễ!
Làm ở ban Quốc tế được vài năm thì Hội nhà báo có tiêu chuẩn đi học về báo chí ở Đức, điều kiện là phải biết ít nhất hai ngoại ngữ. Hội nhà báo tìm không ra người. Ông TBT Xuân Cang biết được, giới thiệu Hoàn. Đi thử ở đại sứ quán Đức, đầu tiên họ hỏi chuyện bằng tiếng Pháp, rồi chuyển sang tiếng Anh. Khi đang nói tiếng Anh, Hoàn buột mồm nói sang tiếng Đức. Thế là OK!
Có thể nói đấy là thời gian hai năm Phạm Huy Hoàn được học nghề báo bài bản, chuyên nghiệp nhất.
Phạm Huy Hoàn |
Học xong lại về Lao Động đương dưới trào của TBT Tống Văn Công. Báo muốn phát triển, quy hoạch nhưng Phạm Huy Hoàn là con nhà tư sản nên không được vào Đảng. Hoàn quyết định bỏ nghề báo xin đi châu Phi làm chuyên gia vài năm, kiếm vài chục cái xe máy second hand…
Tống Văn Công ngăn không được.
Thạo tiếng Pháp nên thi, Hoàn trúng ngay. Đang chờ ngày lên đường thì vợ Hoàn tá hỏa khi nghe chuyện một chuyên gia của ta ở Angola bị ruồi châu Phi đốt, tử vong. Vợ khuyên không đi nữa. Ông Tống Văn Công mừng lắm, quay về Lao Động ngay. Việc vào Đảng của mày, để tao tính.
Vào Đảng, dần dà trở thành Phó TBT rồi TBT.
…
Kể thì tuồn tuột vậy nhưng đường làm báo cùng quan báo của Phạm Huy Hoàn cũng không ít trầy trật.
Khi được bổ nhiệm làm Phó rồi TBT có hàng chục PV của Báo Lao Động phản đối và đòi rời tờ báo ra đi. Họ bảo: Thằng Hoàn mà làm TBT thì chỉ 3 tuần là tờ báo sập!
Nguyên nhân chính là vì mọi người muốn ông Công ở lại tiếp tục làm TBT. Nhưng tình thế lúc ấy thì không thể được!
Có lẽ lòng ham say nghề, kinh nghiệm quản trị tờ báo và cách làm báo và nữa cả cái duyên với nghề đã giúp Phạm Huy Hoàn trụ vững vị trí thuyền trưởng của một tờ như Lao Động?
Năm 2004 Phạm Huy Hoàn nghỉ hưu, nhưng đời anh gần như sang trang mới với cuộc chơi mới, phụ trách tờ Dân trí…
Và mới rồi có sự kiện trong làng báo, bố chuyển giao chức vụ cùng công việc TBT tờ điện tử Dân Trí cho con trai. Ấy là chuyện bố con nhà báo Phạm Huy Hoàn.
Mạn phép mượn lời người xưa để buông câu này.
Dưỡng công luận chi công/ Kế tổ tông chi nghiệp.
Giải mã Trần Ðăng Tuấn?
Cảm giác khó gần? Nói năng cứ ngang ngang gióng một, đôi khi lại nhát gừng.
Chả phải là lần đầu nhưng đận đi này được ngồi lâu lâu với Trần Đăng Tuấn. Mới tứ thập nhưng Tuấn đã chững chạc ở vị thế Phó Tổng Đài Truyền hình Trung ương (THTƯ).
Lại là một trong những người thành lập ra VTV3 và tố giác với thiên hạ những MC những BTV, BLV bắt mắt Lại Văn Sâm, Tạ Bích Loan, Nguyễn Thanh Lâm…
Trần Đăng Tuấn |
Tôi được Tuấn tặng cuốn Phản biện và tự phản biện. Hơn 200 trang in tập hợp hơn 30 bài báo của Tuấn.
Lật nhanh thấy hơi là lạ? Tranh thủ trong chuyến đi, tôi đọc và ghim trong đầu ít dòng như tự bạch của tác giả.
Phản biện và tự phản biện là cách để cuộc sống diễn ra, cuộc sống đi lên.
Nhưng áp dụng điều tự nhiên ấy vào cuộc sống xã hội, vào quản lý xã hội lại là việc không đơn giản. Ít nhất có ba vật cản.
Vật cản thứ nhất là sự khó chịu thường tình với ai “trái ý”. Người ta vẫn hay ca ngợi “Người hay cãi” nói chung, và vẫn ác cảm với “Người hay cãi” cụ thể ở trong đơn vị của mình, dưới quyền mình.
Vật cản thứ hai là ngại sẽ nảy sinh cái gì đó “bất ổn”, ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Lo lắng quá đáng chuyện phản biện xã hội dẫn đến phản kháng, gây mất ổn định, trong đa số các trường hợp xuất phát từ căn bệnh ích kỷ của người, của cấp đang có quyền lực.
Vật cản chủ quan thứ ba là: Ngại việc. Ngại mất thời gian; ngại tốn tiền bạc.
Ai đó ngầm nghĩ trong bụng “Rách việc! Trăm người trăm ý, chắc gì đã hơn một người quyết”. Những người đó không hiểu một điều là: thực hành dân chủ bao giờ cũng mất thời gian, mất công sức hơn là quyết định một chiều. Cái hay duy nhất của dân chủ là tránh được sự độc đoán, quan liêu. Mà độc đoán, quan liêu sớm muộn đem lại những khốc hại khôn lường.
Chuẩn không cần chỉnh!
Nhưng mà… chức tước, công việc của Tuấn đương hồi trơn tru hanh thông sao Tuấn lại găm và giăng sẵn cái thứ như điềm triệu chẳng lành thế này?
Bẵng nhiều năm sau chuyến đi ấy.
Rồi Chợt nghe Tiến sĩ từ quan (một bài báo của tôi khi Trần Đăng Tuấn rời Đài THTƯ).
Trần Đăng Tuấn đã đi chỗ khác chơi. Một cuộc chơi mới được bày biện. Truyền hình An Viên (AVG). Nhưng một thời gian, Tuấn lại rời sân chơi ấy.
Lại một cuộc chơi mới.
Chương trình Cơm có thịt!
…Trăm thứ việc không tên đổ lên đầu lên cổ cái người hằng bao năm luôn được ưu ái ấy.
Trần Đăng Tuấn lọ mọ tổ chức các buổi hòa nhạc, ca nhạc để gây quỹ vì trẻ em vùng cao. Những việc tử tế có sức lan tỏa nhanh thành phong trào rộng khắp. Con số Quỹ dần đạt vài trăm tỷ. Mỗi năm chi dùng vài chục tỷ. Những việc âm thầm của Chương trình Cơm có thịt đã tác động tới bộ phận cầm chịch chính sách như một sự nghĩ lại, kịp thời điều chỉnh những điều bất hợp lý.
Như việc thay đổi chính sách chế độ đối với các cháu lớp 1 đến lớp 4 các trường nội trú chẳng hạn. Chương trình Cơm có thịt cũng như Quỹ học trò nghèo vùng cao đã được Bộ Nội vụ cấp phép hoạt động nhằm mở rộng việc huy động tối đa lòng nhân ái của một tổ chức từ thiện hợp pháp.
Chương trình đã dần được phủ sóng vượt qua phạm vi biên giới lãnh thổ Việt Nam, lan tới nhiều nước khác, nơi có những người con Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc, mà trái tim luôn hướng về quê hương.
Đến nay Cơm có thịt đã được hưởng ứng tại các quốc gia như Australia (bắt đầu 8- 2012) Phần Lan, Thụy Điển, Mỹ. Và giờ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Bỉ, Hungari, Singapore…
Có người quả quyết. Muốn giải mã được quyết định cùng công việc cũng như thành bại của Trần Đăng Tuấn thì hãy đọc lại, đọc thêm cuốn Phản biện và tự phản biện?
Có gì đấy hơi sai sai cái câu của Nguyễn Du? Đạp hướng danh đồ bất điếu đầu (Bước lên con đường danh vọng thì không quay đầu lại được nữa) Nhưng Tuấn đã không ghìm neo thân phận mình vào cơ chế. Anh đã lui, đã đột ngột một khúc ngoặt của nghề báo vào cái tuổi 53 ấy?
May?
Hữu Ước, lanh lẹ quảng giao tháo vát như rường mối nối anh em trong suốt chuyến đi. Như đã từng buộc tôi vào một lưới làm ăn của lão!
Khi mới ra tờ An ninh Thế giới (ANTG) khổ nhỏ, lão giao cho tôi, một trong những cộng tác viên, rằng, cứ lang thang khắp các sạp báo Hà Nội gặp các chủ sạp làm cho lão một điều tra dạng gạch đầu dòng đại loại.
Đọc đọc tờ ANTG thấy thế nào? Cái gì được và chưa được? Cần phải thêm bớt thứ gì ?…
Hóa ra không phải mình tôi mà có gần chục các CTV tỏa đi thực thi việc điều tra xã hội học như thế.
Rồi lão kêu Ban Biên tập lại, chỉ thị phải làm như thế này như thế kia! Tôi ngờ ngợ có lẽ yếu tố đó là một trong những bí quyết để làm cho tờ ANTG thăng hạng cùng xôm tụ tia-ra (có số đạt hơn nửa triệu bản) thì phải?
Như lão đương bộc bạch với mấy anh em khi Đỗ Quý Doãn hỏi Hữu Ước về bí quyết làm tờ ANTG.
Lão cười hề hề và bộc bạch thẳng tưng rằng, TBT một tờ báo, tất nhiên phải tâm huyết. Nhưng nhất thiết phải có 3 yếu tố. Tài. Tầm (trong lúc báo chí cạnh tranh không có tầm sẽ khó). Và thứ 3 là tâm.
Lại còn phải có cái “uy” của người đứng đầu.
Để có cái uy ấy, trước hết anh phải biết chiêu hiền đãi sĩ, biết tìm và phát hiện tận dụng người tài, biết ngồi trên vai những người anh hùng và phải “kích động” để luôn thổi ngọn lửa nghề với cán bộ chủ chốt, tạo cho họ một sân chơi.
Làm TBT có quá nhiều cạm bẫy, thường đứng trên dây và bên dưới là vực thẳm. Không ít lần có cảm giác như là kỷ luật đến nơi rồi, mất chức rồi! Lại sém tù rồi! Nhưng có thể do tôi gặp được người thủ trưởng, ông Bộ trưởng quá tuyệt vời! Mình thành thực trình bày, giải thích… Các cụ lại thông cảm và tha, mà có khi lỗi không phải của mình.
Hữu Ước nói thực. Và đúng cả. Tôi đương lờ mờ nghĩ đến chữ… may!
Đương là Trưởng phòng cứng của tờ Công an nhân dân, đùng cái Hữu Ước vướng án tù mấy năm trong Chí Hòa. Ra tù, mọi cánh cửa như sập trước mặt. Nhà ở nhờ, phải đi bán báo, đi làm hộp đựng bánh kẹo thuê.
Hữu Ước |
Tôi có loáng thoáng biết, một trong những cú hích để Hữu Ước làm lại cuộc đời là từ một vị lãnh đạo Tổng cục. Vị ấy được ông Bộ trưởng Bộ CA gọi lên hỏi “vì sao đề nghị phục hồi cho Hữu Ước, cậu ấy không có lỗi à?” Vị ấy chỉ nói rất đơn giản: “Nó còn trẻ, thế Bộ trưởng không cho nó làm lại cuộc đời à?”.
Làm TBT có quá nhiều cạm bẫy, thường đứng trên dây và bên dưới là vực thẳm. Không ít lần có cảm giác như là kỷ luật đến nơi rồi, mất chức rồi! Lại sém tù rồi! Nhưng có thể do tôi gặp được người thủ trưởng, ông Bộ trưởng quá tuyệt vời! Mình thành thực trình bày, giải thích… Các cụ lại thông cảm và tha, mà có khi lỗi không phải của mình.
Nhà báo Hữu Ước
Chợt nhớ thêm, năm 1994 và 1996, cơ quan tôi tòng sự, báo Tiền Phong hai lần bị khởi tố vì hai bài báo của tôi! Chuyện kể ra thì dài nhưng cú hích hoặc nút gỡ chỉ có hai thứ thôi. Một động cơ viết bài báo là gì? Hai, có ăn tiền hay tư túi gì không?
Tôi biết ơn BBT tờ Tiền Phong đã dũng cảm bảo vệ cái đúng của phóng viên, cũng như biết ơn những vị lãnh đạo Đảng nhà nước (việc này tôi đã viết chi tiết trong vài tờ báo, khỏi kể lại) đã vô tư và dũng cảm ủng hộ cũng như kiên quyết bảo vệ quyết tâm đó của BBT nên chúng tôi đã gặp may và thoát nạn.
Cuộc đời hình như cũng na ná nghề báo? Phải có chút (nếu không muốn nói là rất nhiều) yếu tố may mắn? Như Hữu Ước gặp được vị lãnh đạo Tổng Cục? Như Phạm Huy Hoàn gặp được Tống Văn Công. Và như tôi chẳng hạn?
Chuyến đi ấy Hữu Ước chưa lên tướng! Chưa thành trung tướng Hữu Ước, Tổng Cục phó TCXDLL và thành những nhà này nhà khác… Rồi nhoáng cái một phần tư thế kỷ qua đi, tôi ngờ ngợ cái phương pháp làm báo (chứ không phải viết báo) quản trị tờ báo, dường như là một trong những yếu tố làm nên cái phần hanh thông và thành công suốt 17 năm làm TBT của lão?
Người báo, người thơ Vũ Duy Thông
Từ giữa những năm 70, tôi đã theo Vũ Duy Thông, phóng viên Thông tấn xã (PV TTX) đi xuống vùng than Quảng Ninh.
Sớm ấn tượng với một Vũ Duy Thông duyên dáng và chút kênh kiệu. Đôi khi bất ngờ sắc lẻm và lợi hại bởi những điều tra tân văn báo chí.
Như thứ song kiếm hợp bích, loạt bài “Ngành than trước ngưỡng báo động” (Nguyễn An Định và Vũ Duy Thông viết chung) cuối những năm 80 ấy làm rúng động Chính phủ, Bộ Nội Thương, Bộ Điện Than và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh .
Tưởng thân gần hệ thống lãnh đạo, vậy mà hai tay ký giả gạo cội ấy lại đứng về phe nước mắt- đời sống của hàng vạn thợ mỏ đang đặt ra nhiều vấn đề câu hỏi cấp bách phải tháo gỡ…
Một cuộc họp trọng. Ông Lê Đại, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho gọi ông Vũ Hoan, Phó Chủ tịch tỉnh lên đưa tờ báo ra.
Nếu thế này thì phải xin lỗi công nhân…
Vũ Duy Thông |
Thời gian tôi cộng tác với Vũ Duy Thông, Trần Mai Hạnh để làm tờ Tuần tin tức cũng là thời gian có nhiều điều sở đắc. Cố để vượt thoát kiểu làm báo xơ cứng và định kiến - có người đùa vui tuần tin tức là đọc cái tin mà tức cả một tuần - Tờ báo gần như phụ san của TTXVN một thời gian dài được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận.
Một thời gian sau nghe ký giả Vũ Duy Thông sang hẳn phụ trách tờ Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ. Hóa ra anh lại đầu quân cho cụ Huy Cận (Bộ Văn hóa) chứ không trong diện đề bạt lãnh đạo TTXVN? Rồi lại nghe Vũ Duy Thông đi học cái gì ấy để thi tiến sĩ? Chả phải lời đồn nữa mà Vũ Duy Thông trở thành PGS.TS thật. Ngành mỹ học.
Bẵng đi cũng lâu lâu, rồi chính thức cái tin Ban Tuyên giáo TƯ có cán bộ mới. Ngồi vào cái ghế của Vụ trưởng Vụ báo chí của Ban là người báo, người thơ Vũ Duy Thông.
Bao năm rồi mới lại gặp nhau! Cái đêm ở một khách sạn Ma Cao, Hong Kong, Vụ trưởng Vũ Duy Thông.
Thôi cứ như cau vườn/ Nhích lên từng đốt một/ Trời đã cho một búp/ Gắng gỏi mà xanh tươi.
Tôi đọc lại khổ thơ của tác giả đương nằm bên cứ như một phương pháp một triết lý sống?
Có lẽ chả phải? Tôi cứ khư khư cái ý nghĩ gần như đã mặc định, là cái ông quan báo này dẫu có đóng có bập vào chức gì thì lão vẫn tìm vẫn ghìm giữ lại cái người thơ! Để mà cân bằng mình?
Phải vậy không mà mấy lão, mấy gộc báo tôi được cận kề trong chuyến đi ở xứ người này, hầu như tất tật đều vướng vô nghiệp thơ?
Đỗ Quý Doãn sau này đứng riêng hẳn một tập? Hữu Ước thì tất nhiên rồi, cứ gọi là lai láng! Trầm trầm như Trần Đăng Tuấn cũng cất riêng một tập chép tay… Những bài thơ chưa in đâu cả. Quên chưa kịp hỏi Phạm Huy Hoàn? Hay lão cũng từng sở hữu riêng một tập mà chưa phát lộ?
Tốt cả thôi các lão! Để cân bằng. Để đỡ chung chiêng trong cõi ta bà vô thường. Như Vũ Duy Thông là để đời nó xanh. Để mà tĩnh trí để bập vô nghiệp báo vốn lạnh lùng nghiêm cẩn. Nói như G.Markez là phải tuân thủ sự thật đến từng dấu chấm!
Tháng 6/2022