Ngoài những nỗi lo về chọn nhà phù hợp nhu cầu, tài chính hay chọn chủ nhà tính tình thoải mái thì việc chọn bạn cùng phòng đối với những người thuê trọ cũng trở thành một vấn đề nan giải.
Ban đầu khi mới ở chung, hầu hết mọi người sẽ lịch sự, nhường nhịn và ý tứ. Song có những trường hợp vì ăn ở với nhau một thời gian nên bao nhiêu thói hư tật xấu đều bộc lộ hết và khiến người khác phải ngán ngẩm.
Vi khuẩn, nấm mốc từ quần áo đến nồi cơm điện
Ngô Thủy (20 tuổi, sống tại quận Hà Đông, Hà Nội) đang phải gấp rút tìm phòng trọ mới sau 3 tháng chung sống với một người bạn quen qua mạng. Cô chia sẻ: "Trước đó, mình thuê trọ với người khác nhưng do mình chuyển sang chỗ làm xa hơn nên phải chuyển trọ. Bạn cùng phòng hiện tại là mình quen sau một lần tìm bạn trọ ở một hội nhóm trên mạng xã hội.
Mới đầu chúng mình ở với nhau rất hòa hợp, thời gian học tập và làm việc cũng không quá chênh lệch nên không sợ ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của nhau. Mình tưởng như rất hài lòng, nhưng gần đây, sự bừa bộn, luộm thuộm và cách ăn ở của cô ấy khiến mình "ngấy" đến tận óc".
Bạn cùng phòng thiếu ý thức, khiến Thủy thường xuyên phải dọn dẹp phòng. - Ảnh: Nguyễn Hồng Ngọc |
Được biết, Thủy đã phân loại thùng rác tươi và thùng rác khô, nhưng người bạn cùng phòng cô lại tùy ý vứt rác trên mặt đất và bàn làm việc. "Một, hai lần nhắc nhở nhưng rồi vẫn chứng nào tật nấy. Bạn sẽ không thể tưởng tượng nổi góc làm việc của cô ấy luộm thuộm đến mức nào, kẹp trong những cuốn sách hay khe bàn đều là rác, từ vỏ bánh kẹo đến vỏ trái cây", Thủy nói.
Thủy kể lại câu chuyện xảy ra vào cuối tháng trước - khoảng thời gian Thủy đi học quân sự: "Mình trở về nhà sau hai tuần học quân sự, thứ đầu tiên chào đón mình lại là chiếc nồi cơm thừa không rõ bao lâu chưa dọn. Mình chụp lại và gửi bạn cùng phòng để nhắc nhở thì nhận được câu trả lời: "Do lâu không nấu cơm nên quên". Thế là mình lại phải dọn".
Hình ảnh trước và sau khi Thủy vệ sinh chiếc nồi cơm thừa để lâu ngày của bạn cùng phòng. Ảnh: NVCC |
Chưa dừng lại ở đó, vào lúc Thủy chuẩn bị giặt quần áo thì "tá hỏa" khi phát hiện thùng quần áo mà bạn cùng phòng ngâm từ lúc Thủy chưa đi học quân sự đến bây giờ vẫn chưa được giặt. "Quần áo bẩn ngâm trong nước đã mọc nấm và vi khuẩn với mùi hôi thối khó chịu mà có lẽ cả đời này mình cũng không dám ngửi lại", Thủy chia sẻ.
Góc nào trong nhà cũng trở thành giá treo quần áo
Thủy cho hay, nhiều khi cô cũng muốn rủ bạn tới chơi nhưng không thể vì căn phòng có thể trở nên lộn xộn bất cứ lúc nào. Dù đã có tủ đồ và giá treo quần áo riêng nhưng bạn trọ của cô vẫn "bạ đâu vứt đấy".
Trên thành ghế, thành giường luôn vắt đầy quần áo đã giặt lẫn quần áo đang mặc dở. Thủy đã nhiều lần gấp gọn quần áo của cả hai và để vào tủ, thậm chí là đồ cá nhân của bạn.
Khi thành giường trở thành giá treo đồ. - Ảnh: Nguyễn Hồng Ngọc |
Thủy chia sẻ, cô đã phải luyện một "tinh thần thép" vì bất kể lúc nào trong nhà cũng có thể xuất hiện một mùi đặc biệt, có thể là mùi quần áo, đồ chưa giặt hay những chiếc tất nặng mùi.
"Kể cả hồi trước mình có ở ký túc xá đại học hay khi tách ra ở trọ thì cũng chưa bao giờ gặp phải bạn cùng phòng nào bừa bộn, luộm thuộm và mất vệ sinh như thế này", Thủy bộc bạch.
"Thà quay mặt vào tường còn hơn đối diện với người tiêu cực"
Minh Giang (21 tuổi, sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ những trải nghiệm không tốt đẹp khi ở chung với một người bạn có phần tiêu cực.
Đối với Giang, tiếp xúc và trò chuyện với những người mang năng lượng tích cực sẽ khiến bản thân trở nên hào hứng, vui tươi hơn.
Ngược lại điều đó, bạn cùng phòng của Giang lại là người thường xuyên kêu ca, than vãn về mọi thứ, kể cả những chuyện tầm phào, nhỏ nhoi khiến cho tâm trạng Giang bị ảnh hưởng, có phần bức bối và khó chịu. Nhưng là người hướng nội nên Giang cũng chẳng mấy khi lên tiếng trách móc người bạn của cô mà luôn tìm cách lờ đi.
"Mình đã từng thử trò chuyện vì nghĩ rằng bạn ấy có thể chia sẻ để nhẹ lòng hơn. Nhưng có lẽ vì quá tiêu cực nên bạn ấy thường chỉ nhìn nhận vấn đề bằng con mắt tiêu cực, u ám.
Thậm chí có những chuyện chưa xảy ra nhưng bạn ấy vẫn cố lập luận, giải thích câu chuyện theo chiều hướng xấu. Dần dần, mình luôn tìm mọi cách để hạn chế tiếp xúc với bạn cùng phòng.
Từ nơi làm việc trở về nhà, mình sẽ chọn đi con đường dài nhất. Mỗi ngày mình ngủ sớm hơn và thức dậy muộn hơn để tránh chạm mặt. Cuối tuần, mình sẽ đi chơi một mình hoặc hẹn với những người bạn khác.
Còn những lúc ở cạnh nhau, mình ngồi một góc và tỏ ra bận rộn vì mình thà quay mặt vào tường còn hơn đối diện với người tiêu cực", Giang tâm sự.
Minh Giang thà quay mặt vào tường còn hơn đối diện với người tiêu cực. - Ảnh: Nguyễn Hồng Ngọc |
"Với người hay buôn chuyện, tốt nhất không nên chia sẻ điều gì"
Vì tiêu cực và hay phàn nàn nên bạn cùng phòng của Minh Giang luôn tìm đến người khác để giãi bày. Giang cho hay, kể từ khi cô né tránh, bạn của cô bắt đầu buôn chuyện điện thoại với tần suất nhiều hơn.
Cảm thấy phiền phức vì những người hay buôn chuyện. - Ảnh minh họa: Dubizzle |
Giang không hiểu vì sao những câu chuyện vô thưởng vô phạt luôn được bạn cô đem ra bàn tán hàng giờ đồng hồ. Sau đó bạn lại kể cho Giang nghe những điều được cho là bí mật, từ tin xấu của một người khó ưa đến tin vui của người trong mộng hay chuyện hàng xóm, chuyện sinh viên các khóa...
Giang chia sẻ, đôi lúc cô tự hỏi liệu có bao giờ những điều mà cô chia sẻ cũng từng "góp mặt" trong buổi tán gẫu nào đó vì theo cô, câu chuyện là thứ bay đi rất nhanh, một vòng trái đất chỉ trong nháy mắt. "Bởi thế nên mình đã tự nhủ, với người hay buôn chuyện, tốt nhất đừng chia sẻ điều gì", Giang nói.
Link gốc: https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/chuyen-nha-gap-vi-khong-chiu-noi-net-an-o-ban-thiu-cua-ban-cung-phong-20230312132544257.htm