Những cuốc xe xuyên EU
…Tại Trung tâm báo chí (TTBC) Hội nghị, đụng một gương mặt quen quen? Phải rồi, Lê Hồng Quang, trên truyền hình.
Lứa Duy Nghĩa từ đậm tuổi hơn nhưng cũng nhang nhác như nhau ấy là máu nghề. Lê Hồng Quang vào nhà Đài còn khá trẻ. Lứa ấy, hầu hết được đào tạo bài bản.
Năm 2011, Quang sang châu Âu làm phóng viên thường trú của nhà Đài trụ sở đóng ở Bruxen, Bỉ.
Cũng chả thua kém đám Duy Nghĩa ở Nga là mấy, dân coi truyền hình chừng như đã quá quen thuộc với những phóng sự hôi hổi lẫn những góc cạnh của đời sống chính trị khối EU lẫn châu Âu. Sau thời lượng của một phóng sự vài phút mà những anh thạo nghề phải thực thi theo kiểu trói voi bỏ rọ, bao giờ cũng một chất giọng không phải thì thầm mà như chùng xuống Lê Hồng Quang, phóng viên Đài TH VN tại châu Âu.
Chuyện với Quang (và nhớ lại trước đó với Nghĩa) thì anh nào cũng không bỏ lỡ cái dịp khôn ngoan lẫn thận trọng là đồng thanh ngợi ca Ban lãnh đạo nhà Đài! Những là cung cách quản lý, điều phối thông tin thời sự cánh thường trú sao cho kịp thời bắt mắt. Cung cách ấy dường như trao quyền, như khuyến khích làm bật và tăng thêm hiệu ứng của sự năng động say nghề của phóng viên thường trú nước ngoài.
Máu nghề! Tất nhiên nhưng còn sự khuyến khích miếng giữa làng sàng xó bếp. Đề cập cụ thể việc đãi ngộ, Quang đã lảng khéo sang chuyện khác. Nhưng một đồng nghiệp nhà Đài cũng hào phóng hé cho chuyện ngoài định mức tin bài phải hoàn thành thì những phần vượt, chất lượng, thường trú được trả cũng kha khá. Tất nhiên là bằng ngoại tệ quy ra thóc, mỗi tin, mỗi phóng sự cũng phải đôi triệu hơn kém!
Chất gọn góc là một đống cụ bị đồ đạc hành nghề của đôi Lê Hồng Quang và một đồng nghiệp. Cả đêm qua hai gã nhà đài này thay nhau lái xe từ Bruxen sang La Hay này. Nghe và ngó đã ngại! Nhưng chặng ấy chưa bõ bèn gì với những lần, những chặng hành nghề đến những nơi diệu vợi xa ngái như London, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp…
Ngó cái thẻ hành nghề mà Ủy ban EU cấp, cứ ngỡ nó là thứ bùa chú muốn đi tới đâu thì đến. Việc gấp có thể đi tàu bay. Nhưng đa số do mẫn cảm nhanh nhạy nghề nên họ chủ động đón trước bằng những chuyến ô tô thay nhau lái xuyên ngang đi dọc EU như thế.
Nắm cơm Đức Tám
Cửa phòng Đức Tám PV chuyên trách ảnh của TTXVN khép hờ. Đẩy vào, thấy Tám đang hí húi làm cái gì đó ở góc phòng. Mà mùi cơm mới thổi sực ?
Thì ra Đức Tám đang nắm… cơm. Cái khăn trắng thấm nước trong tay, Tám thoăn thoắt thành hình một nắm cơm mịn dẻo. Đã bao lần chứng kiến nhóm PV này đem nồi theo nấu cơm rồi. Lưng cơm sốt với một chút thức ăn mặn dằn cái bao tử Việt chắc dạ, ấm thân để trang trải cho một ngày vác máy chạy cật lực theo sự kiện. Thân phận phóng viên tháp tùng là vậy.
Mỗi bữa sáng buffet ở khách sạn là tươm còn hầu hết là tự túc, nếu không là nhịn. Khi nguyên thủ và các quan chức vào tiệc hoặc dạ tiệc thì PV tháp tùng phải cắm cúi với bài vở để kịp truyền, gửi về. Cũng có thể dằn bụng bằng cái bánh mỳ chả hạn nhưng anh PV ảnh chuyên trách này lại có cách riêng.
Mặc dù Thiện Thuật kiên nhẫn giải thích tới lui và có cả một anh chuyên viên ngoại giao nói thêm nữa nhưng đám an ninh xứ Hòa Lan không thể hiểu được dù chỉ lờ mờ cái đùm cơm Việt tròn vo, thứ ngọc thực của xứ sở cư dân lúa nước mà Đức Tám là tác giả là thứ gì?
Theo lịch bữa nay suốt ngày phải trực ở Trung tâm báo chí. Tôi láng máng biết thông tin có bữa trưa miễn phí? Tám quả là lo xa? Tự dưng bừng trong tôi những lăng lắc diệu vợi thời xa ngái khốn khó mo cơm quả cà đùm đi làm đồng xa… Có việc phải cuốc bộ hoặc đạp xe vài chục cây số dứt khoát là phải nắm cơm theo. Nay cái anh PV tháp tùng Thủ tướng dự Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân cũng lại cơm đùm cơm nắm.
Vội vác máy cho kịp, Đức Tám dặn Nguyễn Thiện Thuật PV chuyên tin (bạn đọc thi thoảng có ngó những bản tin trên Báo Nhân Dân hoặc Quân Đội… kèm dòng theo đặc phái viên của TTX Việt Nam thì tác giả là Nguyễn Thiện Thuật đấy) đi sau mang theo đùm cơm để trưa dằn bụng
Vào TTBC, tôi đi sau Thiện Thuật. Hội nghị an ninh Thượng đỉnh hội tụ lãnh đạo 53 quốc gia (trong đó có 14 Tổng thống và 1 Vua, 16 Thủ tướng, 4 Phó Tổng thống và 2 Phó Thủ tướng), gồm các cường quốc hạt nhân và các nước có nhiều ứng dụng hạt nhân dường như thủ tục an ninh ngặt hơn mọi lần thì phải? Ngoài việc soi chiếu tất tật máy móc, các đồ dùng khác đều phải mở ra.
Mặc dù Thiện Thuật kiên nhẫn giải thích tới lui và có cả một anh chuyên viên ngoại giao nói thêm nữa nhưng đám an ninh xứ Hòa Lan không thể hiểu được dù chỉ lờ mờ cái đùm cơm Việt tròn vo, thứ ngọc thực của xứ sở cư dân lúa nước mà Đức Tám là tác giả là thứ gì?
Một chú chó nghiệp vụ được điều ngay tới. Nó ngửi rồi hít hồi lâu. Hình như cẩu ta cũng lắc đầu? Thuật ta bực mình vì đợi thò tay định bẻ nắm cơm ra nhưng ngay lập tức cánh an ninh giữ chặt tay Thuật lại. Chắc họ ngại nhỡ ra có bề gì?
Rồi Thiện Thuật được dẫn đi với đùm cơm nắm…
Không được chứng kiến cái cảnh Thiện Thuật bị lưu ở chỗ an ninh non tiếng đồng hồ ra sao. Biện pháp cuối cùng sau một hồi bàn thảo của an ninh Hà Lan là cho Thiện Thuật vào tác nghiệp ở TTBC. Nhưng trước khi vào phải mang nắm cơm ra tận ngoài đường, cho vào sọt rác!
Cái “băng đạn” của Nguyễn Quang Tuấn
Xưởng phim tài liệu Thời sự đều cử PV trong các chuyến đi của nguyên thủ- lãnh đạo Đảng Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Tôi không tường cung cách hành nghề như thế nào nhưng nội việc Tuấn, PV luôn kè kè cái máy 20 ki lô gam trên vai và bao đựng ắc quy 8 kg lận quanh lưng đã thấy hốt. Có lẽ nghề ấy dẫu PV có sáng láng thông minh nhưng nếu kém sức vóc để vác máy chạy theo sự kiện có lẽ cũng đứt?
Chính cái máy quay phim nhựa kềnh càng hai yến cùng cái bao đựng ắc quy nặng chịch ấy đã làm khổ Tuấn.
Cánh an ninh Hội nghị, ngạc nhiên chưa, không biết cái thứ Tuấn vác trên vai và bao đựng pin ấy là thứ gì?
Lại chết cái, hình thù chiếc bao ắc quy không hiểu Hãng bên Đức chế tạo, chắc để cho gọn tiện đeo quanh người và tạo dáng thêm vẻ khỏe khoắn của PV ghi hình nên đã nghĩ ra cho nó một kiểu dáng hình thù rất giống một cái… băng đạn!
Sau thủ tục soi chiếu, Tuấn được phép vác máy đi. Nhưng mới vài bước, an ninh ách ngay lại. Mặc cho Tuấn giải thích chức năng của thiết bị ghi hình lẫn những giải trình về cái vật y chang băng đạn kia, cánh an ninh đều lắc hết. Cũng như Thiện Thuật, nóng lòng để minh chứng sự trung thực, khách quan của nắm cơm lẫn máy quay phim nhựa này, Tuấn đã dại dột mau mắn thao tác động thái cắm dây nối từ ắc quy sang máy quay.
Ngay lập tức, năm anh an ninh hét lên và nhẩy xổ tới. Rồi cánh tay Tuấn tê dại đau điếng bởi một cú bóp hiểm.
Hình như là phải ra tay tức thì bởi cái gã người Á Đông đầu trọc (Tuấn cắt đầu khá hào phóng gần như hết sạch tóc?) đang làm cái động thái cho chập mạch với cái khối trông giống thuốc nổ kia thì hiểm họa khôn lường?
Chắc mấy ông an ninh kia nghĩ nhanh thế nên mới hành sự hơi bị thô bạo vậy?
Tuấn bị cách ly… Người ta dùng máy ảnh chuyên dụng ghi lại các góc độ hai thiết bị nom như đồ… khủng bố của Tuấn rồi truyền ngay về Trung tâm. Trong lúc đợi kết quả, hai vật ấy cùng chủ của nó được, không phải một mà hai chú cẩu nghiệp vụ đến chăm sóc cẩn thận. Những là ngửi hít chán chê nhưng không có dấu hiệu chứng tỏ triệu chứng nào của thuốc nổ.
Một việc nữa liền kề đó theo yêu cầu của an ninh. Nếu như Tuấn không tiếc cuộn phim nhựa từng quay dở thì mở máy quay cho lộ sáng để minh chứng chiếc máy quay phim nhựa là rất an toàn! Nhưng với Tuấn thà thế này thế khác chứ dứt khoát không hủy hoại công sức tài sản quốc gia mà mấy hôm nay lao động cật lực mới có - nên kiên quyết không mở hộp máy đựng phim.
Thái độ khăng khăng ấy lại càng làm khổ Tuấn?
Mà mãi vẫn không thấy hồi âm từ Trung tâm khi nhận được hình ảnh gửi ra những thông số của thiết bị lạ mà Tuấn đang sở hữu. Tuấn bị bỏ mặc máy một nơi người một nẻo. Lại có người lẫn cẩu nghiệp vụ canh chừng nghiêm mật.
Tin ấy đã đến tai cái ông phụ trách báo chí Bộ Ngoại giao Nguyễn Thế Cường. Cường lộn trở ra. Nếu trình độ ngoại ngữ của Tuấn có thể ú ớ này khác nhưng với Cường từng có nhiệm kỳ công cán ở Đại sứ Việt tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chắc là thông làu. Nhưng oái oăm, giải thích kiểu gì cũng không lọt tai mấy ông an ninh!
Có lẽ không tiện để Tuấn đứng chình ình mãi, cách giải quyết cuối cùng của phụ trách hay bộ phận an ninh chả biết, họ đưa ra 2 phương án, một được vào hành nghề ở TTBC nhưng với điều kiện phải tự tay mở nắp hộp đựng phim máy quay. Hai là vác máy ra ngoài đường. PV quay phim Tuấn đã chấp nhận phương án hai.
La Hay trời lạnh hơn 6 độ âm ngoài trời. Tuấn ta áo vét sơ mi trong, để cho ấm người đã chống lạnh bằng cách tự mình vác máy đi đi lại lại. Mỏi vai thì đành nhảy lò cò đập chân đập tay cho đỡ rét.
Có phải an ninh cho Hội nghị lần này nghiêm ngặt nhất? Hoặc chiếc máy quay phim nhựa hiệu Evolution SL- 35mm sản xuất ở Đức mà bộ phận an ninh bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh, mặc dù kiến thức an ninh cùng mình nhưng không hiểu lý do gì mà họ chưa kịp tường?
…Trên tàu bay, bên tôi, ngó Tuấn hơi thở đều đều trong giấc ngủ chập chờn… Ngó lên màn hình báo chuyên cơ còn gần 3 tiếng đường trời mới đáp xuống phi trường Jose Marti. Bửng tưng 6 giờ sáng mai tức gần 6 giờ chiều bên mình, Tuấn và chúng tôi lại lấp xấp những sải bước hành nghề tất tả.
Và Nguyễn Quang Tuấn với gần 30 ki lô gam đồ hành nghề trên vai.
Đường trời xuyên Đại Tây Dương đêm 26/3.