Chuyện một hành trình tử tế

Phu nhân tướng Lư Giang trước ban thờ gia đình có tấm ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Thành.
Phu nhân tướng Lư Giang trước ban thờ gia đình có tấm ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Thành.
TP - Cận ngày Thương binh Liệt sĩ có một hành trình tìm về sự tử tế đã làm nên hồn cốt của một đêm Hùng thiêng đất Mẹ…

Kỳ 1: Vị tướng nâng niu kỷ vật của một người lính

Đêm hùng thiêng đất Mẹ được truyền hình trực tiếp trên VTV1 tối 18/7/2015 tại Quảng trường Giải Phóng thị xã Quảng Trị. Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), UBND tỉnh Quảng Trị, phối hợp tổ chức; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt phối hợp thực hiện. Chương trình là cầu nối cho những người lính từng tham gia chiến đấu tại Quảng Trị được gặp lại nhau, là dịp để những người lính may mắn trở về sau chiến tranh có thể thực hiện phần nào tâm nguyện với người đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, là lời tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng và gia đình có công với cách mạng.

Hồi ức của phu nhân trung tướng

Tôi tìm đến ngôi nhà trung tướng Lư Giang phố Yecsin Hà Nội.

Những năm xa ấy, trong nhóm báo chí theo dõi các kỳ họp Quốc hội,  vẫn thi thoảng thấp thoáng gặp vóc dáng dong dỏng của vị Tư lệnh Quân Khu Thủ đô, trung tướng Lư Giang.

Lần đó có lẽ tò mò về cái tên nghe khá ấn tượng, nhân có cuộc quần tụ thân mật ở vườn hoa Hội trường Ba Đình giờ giải lao, tôi đã nèo trung tướng rằng cơn cớ nào từ cái tên khai sinh Lê Bá Ước trở thành Lư Giang sau này? Trung tướng cười hiền hậu nhưng vẻ như vầng trán thanh cao như hơi nhíu lại? Rằng cái chuyện nó dài lắm…

Chuyện dài? Cũng có nghĩa là một lúc khác thích hợp. Và cũng có thể là khó nói? Nhưng  đã không có dịp nào cả. Hai nhiệm kỳ liền QH khóa 8 và 9, cho đến khi trung tướng vướng bệnh nan y và mất năm 1994.

Phu nhân tướng quân bây giờ là một bà lão gầy mảnh bị ngã từ dạo Hà Nội lụt mấy năm trước. May cụ khá mẫn tiệp tuy đi lại hơi khó khăn. Tôi xin phép được thắp hương cho tướng quân.

Bàn thờ gia tiên. Có vẻ như đủ cả song thân của tướng quân và phu nhân?

Mà sao lạ? Bởi tất thảy khung ảnh đều toát lên vẻ cũ kỹ của thời gian,  nhưng bên dưới di ảnh của tướng quân lại có một tấm ảnh chụp khuôn mặt một người lính trẻ mới in chưa lồng khung?

Chuyện một hành trình tử tế ảnh 1

Bà Cao Thị Bé, vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Thành xúc động nhận lại tấm chăn dù do Thống đốc Nguyễn Văn Bình trao.

Chuyện một hành trình tử tế ảnh 2
Chuyện một hành trình tử tế ảnh 3

…Chất giọng vương âm sắc miền cực Nam Trung bộ của cụ bà cùng cái tên Hàn Dịu Trang như báo hiệu một khúc nhôi dài?  Quê gốc Hưng Yên nhưng gia đình phiêu dạt vào tận Phú Yên. Cuối những năm kháng chiến chống Pháp, bà là một y tá quen Tiểu đoàn trưởng Lư Giang khi đó là một chỉ huy của cánh quân Nam tiến chiến đấu ở Trung bộ.

Năm 1965, ông Lư Giang khi đó là một yếu nhân quân sự khu Năm, còn bà là BS Quân y, trong một đêm hai vợ chồng lặng lẽ rời ngôi nhà có 2 đứa con gái nhỏ để vào tuyến lửa. Hai con gái còn nhỏ dại, khi gửi người thân khi được bố trí học hành ở Quế Lâm Trung Quốc.  Hai vợ chồng thi thoảng vẫn gặp nhau trong những tình huống nhiệm vụ cơm Bắc giặc Nam như thế. Rồi bẵng đi gần 2 năm ông không có tin tức gì… Nóng ruột bà hỏi dò thì được  biết ông đương là Tư lệnh Sư đoàn 3 kiêm Phó Tư lệnh Quân Khu V. Trong một lộ trình công tác gian nan nhưng bà đã bươn bả gần 4 tháng trời  vào với Mặt trận,  để vào với ông.

Đó là năm 1968 sau Mậu Thân. Tiếng là đại bản doanh của một quân khu  nhưng đời sống cán bộ khi đó cơ cực vô cùng. Mọi ngả tiếp tế như bị chặn đứng. Tư lệnh sư đoàn kiêm Phó Tư lệnh QK kiêm Tư lệnh Tiền phương cánh Nam Lư Giang khi đó cũng rau cháo cùng với lính. Anh lính trẻ cần vụ có tên là Thành, đồng hương Hà Bắc với Tư lệnh lanh lẹ tháo vát nhưng tính tình nhu mì hiền lành như con gái được ông rất cưng.

Anh lính cần vụ Nguyễn Văn Thành hai tay đang xoa vào nhau lí nhí như người có lỗi thưa chị mời chị dùng cơm… Bữa cơm cho ba người, mỗi người một chén cơm ghế sắn khô và một bát cháo trộn lẫn rau rừng.

Bà nhìn cậu lính cần vụ của chồng mà thương sắt se. Là thày thuốc bà biết, cái nước da mai mái ngả bủng kia ngoài sốt rét chỉ có thể là thiếu dinh dưỡng là đói. Ông bận lu bu. Hai chị em vừa việc vặt vãnh vừa đủ thứ chuyện. Chị thông cảm, chắc chị không lạ tính anh vốn thẳng… Ấy là Thành như đang thanh minh cho thủ trưởng của mình vì không biết có chuyện gì mà đêm qua ông gắt rất to, em phải thu xếp về ngay!

…Chất giọng vương âm sắc miền Trung hơi chùng xuống. Cụ bà quay đi, nghẹn ngào, mãi sau này yên hàn tôi mới hỏi ông nhà tôi sao anh ác thế? Em đã phải đi bốn tháng trời bom đạn mù trời mù đất mới vào được đó và cũng hơn ba tháng gian nan ra Bắc sao cứ đuổi em về? Ông quay đi, trời ơi điều đơn giản mà bà không biết? Mặt trận ác liệt như thế cả hai đứa mình mà chết thì con mồ côi à? Vợ chồng chỉ biết với nhau chả nhớ đến con!

Con? Cụ bà giọng nghèn nghẹn,  khi vô thăm ông bà có mang theo cái băng nội dung ghi tiếng hát cùng chuyện trò của các con với bố. Mắt ông sáng lên khi lắp băng vào chiếc máy cát xét. Nhưng lạ, ông chỉ nghe mỗi một lần? Kèm theo lời giục ra Bắc, ông hối bà phải cầm về cuốn băng nọ!

Khi đó bà đã rất giận. Nhưng chợt sững lại khi ông thở dài, nghe mãi giọng chúng nó thì mình hoang mang, bải hoải làm nổi gì nữa?

Chợt câu ca thiên hạ đàn ông nông nổi giếng khơi?

…Ngày đầu tiên ông ra Bắc, bà mới biết, ngay cái năm 1968 bà rời Bình Định, cậu lính cận vệ Nguyễn Văn Thành hy sinh trong một lần đơn vị đi lấy gạo. Bà sững sờ nhớ lại buổi tinh mơ bà phải đi, Thành đứng đợi trước hầm. Chị ơi anh phải đi họp. Đơn vị nghèo lắm. Chỉ có ít gạo rang và chút đường này thôi chị cầm mang theo. Chị đi an toàn nhé. Hòa bình anh em em sẽ về với chị…

Tướng Lư Giang mùa lạnh luôn kè kè kỷ vật của cậu cần vụ, cái  tấm đắp bằng mảnh vải dù chiến lợi phẩm. Đi công tác đâu cũng mang theo. Ông nói với bà, khi Thành hy sinh, mất hết tư trang, chỉ còn mảnh chăn dù hoa này. Chín năm Tư lệnh QK Thủ đô bận bịu công việc họp hành đã đành. Khi ông hưu rồi bệnh cứ luôn nhắc nhớ đến nhiều đồng đội đã mất nhưng nhiều nhất vẫn là người công vụ chiến trường thương mến.  Nhiều lần, ông trực tiếp đi và nhờ người tìm khắp Hà Bắc, nhưng vẫn không ra địa chỉ nhà Thành. Trước khi mất, ông đã may một miếng vải vào tấm chăn dù và viết “Tấm đắp của Thành, y tá đã hy sinh, quê ở Bắc Ninh”. Ông dặn bà cố công tìm gia đình của Thành, nếu không tìm được thì trao kỷ vật này cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam- BTLSQSVN) trưng bày, may ra khách tham quan có thể nhận ra người thân của mình.

Chuyện một hành trình tử tế ảnh 4

Bà Cao Thị Bé ôm kỷ vật của chồng. Ảnh: Xuân Ba.

Chuyện của tổ công tác

… Hình thức để tri ân LS tại Quảng Trị nhân 68 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2015), lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất ý tưởng tìm liệt sỹ qua kỷ vật bảo tàng.  Ý tưởng này như được truyền lửa cho Phòng tuyên truyền thuộc Văn phòng NH NNVN.

Tôi đã gặp  tổ công tác của phòng do Thúy Sen phụ trách.

Họ gồm những nhà báo trẻ Quỳnh Mai,  Lê Thoa… Việc đầu tiên họ tìm đến BTLSQSVN. Sau đây là câu chuyện của các thành viên tổ công tác.

Mấy chị em được giới thiệu gặp Thượng tá Trần Thanh Hằng, chị đã nghỉ hưu nhưng rất nhiệt tình.

Tìm đến nhà chị, vừa đặt vấn đề, chị nhớ ngay đến tấm chăn dù của LS Thành và câu chuyện Trung tướng Lư Giang  về chủ nhân của kỷ vật.

Mọi sự khởi đầu phải có bức ảnh LS Thành để đưa cho bà Trang xác nhận. Nhưng than ôi, ảnh kiếm đâu?

Thượng tá Hằng liên hệ với Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị để tìm thông tin liệt sĩ tên Thành. Cục Chính sách cho chúng tôi 17 LS có tên Thành quê Bắc Giang, Bắc Ninh.

Chuyện một hành trình tử tế ảnh 5

Thượng tá Trần Thanh Hằng (trái) và phu nhân tướng Lư Giang.

Chúng tôi lập luận, đồng chí Lư Giang về làm Sư trưởng Sư đoàn 3 từ năm 1968-1970, vì thế những LS có tên Thành hy sinh trước năm 1968 và sau 1970 sẽ không nằm trong danh sách đi tìm.

Cả nhóm tập trung vào hai trường hợp LS có tên là  Nguyễn Văn Thành đều ở huyện Gia Lương, Bắc Ninh.

Chúng tôi tìm gặp đồng chí Quê của Ban Chính sách của Sư đoàn 3 hỏi thông tin về 2 LS tên Thành nhưng rất tiếc, cả hai Nguyễn Văn Thành đều không có trong danh sách LS của Sư đoàn 3.

Cuộc gặp Đại tá Nguyễn Đình Thác, nguyên Trưởng Ban chỉ huy Quân sự tỉnh  Bắc Ninh nhờ tìm giúp. Anh thông báo với chúng tôi, trong danh sách LS của BCHQS Bắc Ninh hiện không có tên LS Thành của Sư đoàn 3.

Mọi hy vọng như tan biến?

Chuyện một hành trình tử tế ảnh 6

Bác Thắng.

Không nản chí, chúng tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Văn Tích, người viết sử của Sư đoàn 3, anh cho chúng tôi điện thoại liên lạc với Đại tá Lê Anh Sáng, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 3, hiện là Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn 3 ở các tỉnh miền Bắc. Anh Sáng cho chúng tôi địa chỉ, số điện thoại của những người từng sống và làm việc với Sư trưởng Lư Giang.

Anh còn mời chúng tôi dự lễ gặp mặt 600 cựu chiến binh Sư đoàn 3 tổ chức tại Học viện Quốc phòng để tìm thông tin. Chúng tôi mò mẫm đến từng nhà, gọi điện thoại đi mọi nơi nhưng chỉ nhận được thông tin chờ sẽ đi hỏi  giúp. 

Hơn một tháng đi tìm nhân chứng trong cái nắng 39, 40 độ, chúng tôi tưởng như đã hoàn toàn thất vọng.

Lại liên hệ với Ngân hàng Công Thương Bắc Ninh để nhờ Sở LĐTB&XH Bắc Ninh tìm giúp.

Các anh ở đây thông báo có LS tên Thành quê xã An Thịnh, huyện Lương Tài. Huyện Gia Lương trước đây nay tách ra thành huyện Lương Tài và Gia Bình. Trong danh sách liệt sỹ của tỉnh huyện Gia Lương cũ duy nhất chỉ có một LS Thành quê xã An Thịnh. Chúng tôi được cung cấp toàn bộ hồ sơ của LS Nguyễn Văn Thành, quê xã An Thịnh.

Được sự giúp đỡ của UBND xã An Thịnh, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Dĩ, Phó bí thư Thường trực xã, may sao anh là cháu ruột của liệt sỹ Thành.

Anh đưa chúng tôi về nhà của ông bà thân sinh ra liệt sỹ ở cuối làng. Ngôi nhà đã xây mới trên nền đất cũ ngôi nhà LS Thành sống trước khi đi bộ đội. Bố mẹ, anh trai LS Thành đều đã mất, chỉ còn bà Thảo là chị dâu của liệt sỹ. Trên bàn thờ của gia đình có bức hình của liệt sỹ Thành. Ông Hy, anh trai của LS đi truyền thần ba lần mới được bức ảnh giống như ảnh gốc. Cũng phải mất khá lâu chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng đã gặp được bà Cao Thị Bé, vợ của LS Thành. 

Đã xấp xỉ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bà vẫn giữ được vóc dáng thanh mảnh, duy chỉ có đôi mắt đượm buồn. Suốt buổi trò chuyện, bà hầu như chỉ có khóc…

… Tôi và anh ấy khác thôn, tôi ở thôn Tảo Hòa còn anh ở thôn Thanh Hà. Anh hơn tôi 2 tuổi. Một buổi chiều tôi đi cấy về đến đầu thôn, chị Xuân người thôn tôi nhưng lấy chồng thôn anh cứ nhìn tôi ngắm nghía. Tôi thẹn đỏ mặt. Chị nói sẽ dẫn cho tôi một đám.

Buổi tối, chồng chị Xuân đưa anh sang nhà tôi để xem mặt. Anh ưng luôn. Gia đình tổ chức đám cưới cho chúng tôi cuối năm 1966. Về nhà chồng, tôi được biết anh học xong lớp 7 đi làm công nhân ở Sân bay Kép. Nhiều cô gái trong thôn thầm mến nhưng anh chưa để ý ai. Anh chọn tôi, người mà anh cho là xinh xắn, mỏng mày hay hạt. Anh thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Về đến nhà anh làm đủ mọi việc. Anh sàng gạo tròn xoe, bó mớ rau thật khéo, cấy lúa thì nhanh chẳng kém các cô gái trong làng.

Chuyện một hành trình tử tế ảnh 7

Vợ chồng bác Quang.

Đầu năm 1967, anh về nhà mặt buồn rượi. Hỏi ra, mới biết anh không trúng tuyển nghĩa vụ quân sự vì thiếu cân. Anh nói đất nước có chiến tranh, bạn bè đi cả, anh ở nhà ôm chân, bó gối sao được. Rồi anh viết đơn, đeo thêm cục gạch trong người đi khám tuyển. Tháng 10 năm 1967, anh nhập ngũ. Ba tháng sau, trước khi vào chiến trường miền Nam, anh được về nhà ăn tết. Hôm đó là ngày 27 tết. Sáng mồng Một tết, anh trở lại đơn vị. Chia tay với mẹ và các anh, chị em, các cháu, anh dặn: “Cả nhà yên tâm, con đi chiến đấu, đất nước hết giặc, con sẽ về”.

Chiếc thuyền nan chở anh qua sông, tôi vẫn nhìn theo cho đến khi khuất dần…Nói đến đây, bà lại bưng mặt khóc…

“Tiếc rằng chúng tôi chưa có con. Tôi khắc khoải chờ mong ngày anh trở về… Tám năm sau, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tôi khấp khởi mong chờ. Ngày nào tôi cũng ngóng anh. Tôi cứ tưởng tượng ra con thuyền nan năm nào đưa anh về với tôi.. Rồi đến một ngày vào tháng 7 năm 1976, gia đình tôi được chính quyền mời ra đình làng dự lễ truy điệu anh. Thế là những ngày mòn mỏi ngóng đợi anh về đã vô vọng. Lúc đó tôi cảm thấy mọi thứ như đổ sụp.

Năm tôi ngoài 30 tuổi, cái tuổi ở làng gọi là quá lứa, mẹ chồng tôi quyết định cho tôi về nhà mẹ đẻ để đi bước nữa. Một năm sau, có người thợ mộc qua làng, anh ta đã ly hôn vợ. Tôi sang nhà kể cho mẹ chồng nghe chuyện anh thợ mộc ngỏ ý. Bà nói với tôi rằng: “Con ơi! Con đã lớn tuổi rồi, gặp người cứ lấy, gặp đò cứ sang”. Thế là tôi tái giá. Chuyến sang ngang này đối với tôi không phải vì tình yêu, mà chỉ là nỗi mong muốn có đứa con để nương tựa tuổi già.  Rồi anh ấy cũng bỏ đi theo người khác, tôi một mình nuôi con khôn lớn…

Sau chuyến đi Bắc Ninh, có tấm ảnh LS Thành trong tay, chúng tôi quyết định làm thêm một số phép thử. Chúng tôi đến gặp Đại tá Lê Văn Sáng.  Lặng nhìn bức ảnh, ông thốt lên: “Tôi khẳng định 95% đây là cậu Thành, y tá liên lạc của Sư trưởng Lư Giang”.

Mang theo hy vọng cuối cùng, chúng tôi đến số 6 Yersin để gặp bà Hàn Dịu Trang.

Điều kỳ diệu đã xảy ra. Bà nhìn bức ảnh đăm đăm. Như có thứ ánh sáng nào khác chợt lóe trên gương mặt già nua…  Bà ôm bức ảnh vào lòng, nước mắt giàn giụa thằng Thành, cậu Thành đây rồi…

Vĩ thanh

… Trong câu chuyện với tôi,  bà quả phụ trung tướng Lư Giang cũng nhắc lại lời bà đã đề nghị với tổ công tác của Lê Thúy Sen rằng chị em nên in cho bà một bức ảnh nhỏ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thành để bà lồng vào bức ảnh của ông Lư Giang trên bàn thờ cho tiện hương khói.

Chính là bức ảnh đang đặt tạm trên ban thờ kia.

Cụ nói thêm, sức khỏe bây giờ tuy yếu, chân cẳng lại như thế này nhưng rất nóng lòng muốn đi taxi tìm về tận nhà của anh Thành để gặp chị Cao Thị Bé và người thân của Thành. Cụ đã có dự định trích từ lương hưu một phần để gửi gia đình lo việc cúng giỗ cho LS Nguyễn Văn Thành. 

___________

Đón xem kỳ 2: Những người lính bước ra từ bức ảnh của Đoàn Công Tính

MỚI - NÓNG