Chuyện lên cột mốc số không

TP - Phía đầu con dốc chợt òa ra một khoảng sang sáng mờ mịt sương. Tiếng reo mừng ai đó trong đoàn. Chúng tôi đã chạm mỏm đá trên đỉnh Khoang La San có độ cao 1.864 m nơi đặt Cột mốc Số Không.

Cơn cớ

Bảy năm rồi đận giáp Tết nào cũng bám Nguyễn Như Phong đi Tây Bắc phát quà Tết. Chuyện về nhà văn, nhà báo Như Phong hay dở thì có mà ối trên mạng. Nhưng riêng cái chuyện đi xin đi gom thứ này thứ khác rồi lọ mọ xe cộ khi tự lái, chuyến thì thuê ngược tít tắp về vùng sâu chốn xa những Mường Tè, Mường Nhé năm thì Sơn La năm thì Phong Thổ Lai Châu thì trong làng viết Việt, có lẽ chỉ nhõn mỗi lão này? Ðận thì chăn bông áo ấm; Khi thì giầy, ủng mỳ tôm bột canh; Lúc thì nắm phong bì đựng ít bạc vụn. Mỗi chuyến như thế gập ghềnh lắc lư đằng đẵng mươi ngày xe.  Ðã đành hồi trước lão chi dùng hết thời gian tuổi trẻ ở những địa bàn vùng cao trong chức phận anh công an vũ trang cùng phóng viên báo Công an và lưu lại lắm kỷ niệm này khác nhưng cái tình với bà con dân tộc miền ngược của Như Phong quả là hơi bị bền.

Bám dai và dài nên hầu hết các huyện của Lai Châu cũ, rồi Ðiện Biên mới cả Sơn La nữa tôi được ké hết. Nhưng nhõn mỗi địa danh mà chuyến đi thứ 8 này tôi chăm chắm là phải đến cho bằng được! Ấy là Cột mốc Số Không (CM0) nơi Ngã ba Biên giới của xã Sín Thầu thuộc huyện Mường Nhé (Ðiện Biên). Chăm chắm bởi cột mốc ấy nằm trên đỉnh Khoang La San thuộc địa bàn xã Sín Thầu quen thuộc của Mường Nhé của Ðồn biên phòng A Pa Chải. Ðường chim bay chỉ 5 km từ A Pa Chải ngược lên. Nhưng trên thực địa phải hơn 15 km nhưng đường lên phải luồn qua những đồi cỏ tranh xen lẫn với rừng già rậm rịt và đa phần là dốc đứng! Vậy nên mấy lần qua Sín Thầu đành lỡ làng. Ðịa danh CM0 trên đỉnh  Khoang La San cứ như gọi mời như thách thức lẫn trêu ngươi.

Phần háo hức chăm chắm ấy cũng bởi Như Phong đưa cặp mắt ngó lại tôi một lượt chất giọng vẻ khinh thị rằng, tuổi tác sức vóc như ông leo sao được mà lần nào cũng nhăm nhăm đòi lên. Như Phong thương cánh già hay dọa chả biết? Sau cái đêm chập chờn ở Ðồn biên phòng A Pa Chải, Như Phong tuyên bố lạnh tanh trước mấy bát mì ăn liền nóng hổi anh em đồn nấu cho. Lão thẳng tưng rằng trong danh sách leo cột số không dứt khoát phải khuyết ba lão già vì kiểu gì cũng không đủ sức leo. Rằng trên đường gục ra đấy không ai hầu được! Ba lão đây có ý chỉ đích danh anh Phong Doanh đã ngoại thất tuần nhưng ngó hãy còn phong độ lắm. Hai còn lại là nguyên Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng. Và người cuối là tôi. Ðồn phó A Pa Chải, thiếu tá Nguyễn An Vũ đặt tay lên vai tôi giọng thông cảm rằng anh Phong nói đúng đấy leo lên đó nguy hiểm lắm.

Ðêm qua chuyện với thiếu tá Vũ. A Pa Chải có đồn có trạm biên phòng. A Pa Chải nổi danh với Cột Mốc Số 3 và CM0. Cột Mốc Số 3 ngay ở chợ đường biên dân du lịch dân phượt thường xuyên kéo về mỗi dịp phiên chợ. Lại biết thêm Ðồn biên phòng A Pa Chải là điểm dừng chân của dân phượt khi leo CM0. Nằm ở độ cao Ngã ba biên giới và lộ trình khá nguy hiểm dường như càng kích thích họ vì rất nhiều người mới chỉ nghe tên và truyền tai nhau rất muốn leo Khoang La San. Nhưng chỉ có cánh trẻ phượt lên được. Máu phiêu lưu cộng với tình cảm chủ quyền quốc gia hình như đã chắp nối cho họ? Nhất cữ này đang là mùa khô, đường sá đỡ lầy, cảnh sắc Tây Bắc khá sinh sắc. Dọc đường từ Ðiện Biên lên, cứ dằng dặc găng giăng hai bên đường và bát ngát núi đồi điệp trùng một sắc vàng chanh, vàng tươi của giống hoa dã quỳ bắt mắt không kém gì thứ dã quỳ vùng Tây Nguyên. Mùa dã quỳ mà trên này gọi là hoa cúc dại cũng đúng dịp Tết của người Hà Nhì. Thiếu tá Vũ giục chúng tôi ngủ kẻo khuya. Chỗ ngủ là căn nhà sàn rộng rinh đệm, chăn đầy đủ.

Chuyện lên cột mốc số không ảnh 1 Tác giả Xuân Ba bên cột mốc số không.

Nhập cuộc

Lại đang nói đến việc bị ra rìa! Sau một hồi thương lượng chỉ có cụ Phong Doanh tình nguyện ở lại đồn. Còn cụ Lượng với tôi vẫn khăng khăng quyết nhập đoàn leo cột mốc. Tám rưỡi sáng xuất phát bám theo hai chiến sĩ biên phòng. Lúc đầu thì lối mòn hun hút xuyên qua những triền thâm thấp. Hơn tiếng sau, nhịp chân như vương vướng bởi đã bắt vào độ cao. Nhưng vẫn sải được. Sáng ở đồn, trời căm căm lạnh mà giờ đã thấy bưng bức. Rồi mồ hôi tóa ra. Tôi định lột chiếc áo len quấn vào bụng. Cân, tên anh lính biên phòng ngăn lại bảo gió thốc vào dễ nhiễm lạnh, mồ hôi có ra nhưng có cảm giác mát sau lưng dễ đi hơn. Một thôi ngược dốc. Thoai thoải thôi. Nhưng thoáng nhanh bên cạnh là nhịp thở hổn hển cùng gương mặt tái mét của cụ Lượng với Hải Ðường (nguyên UV ban Biên tập báo Nhân Dân) Cân bảo rảo nhanh sắp đến đoạn đường mới mở. Một thông tin tỉnh người. Chúng tôi đã gặp may. Hình như không chiếu theo lộ trình cũ Như Phong nói mà theo đường mới mở thoai thoải?

Nhúc nhắc nhích lên. Cứ như theo chuyện của Cân thì chúng tôi đang xuyên theo vệt rừng già nguyên sinh còn sót lại của vương quốc rừng Mường Nhé từng là huyền thoại và cũng từng bị chặt xé khai thác tơi bời. Chưa bao giờ ở rừng núi Tây Bắc Việt Bắc mà dọc vệt đường mới mở lên Khoang La San đây mà còn sót thứ thảm rừng lẫn thực vật phong phú cứ như thể như đang lạc vào vùng lõi của rừng quốc gia Cúc Phương hoặc Xuân Liên giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa mà mình đã được qua. Mà có khi còn hơn. Mặc dù thở không ra hơi nhưng khi dừng nghỉ, ánh mắt chúng tôi như níu lấy những thân gỗ không biết giống gì cỡ tay ôm hoặc hơn trắng lôm lốp, mốc xì giăng giăng bên vệt đường mới mở. Bên vệt đường mới, cùng với đất đá bạt ngang vẹt dọc ngổn ngang là phát lộ cơ man nào là cây gỗ. Mai kia sẽ là con đường nhựa nhỏ thôi, trơn bóng ngoằn ngoèo trong các thửa rừng nguyên sinh để các lương dân Việt thư thả ngược lên thưởng lãm cảnh sắc của lộ trình lên CM0 - cột mốc chủ quyền nơi Ngã ba biên giới.

Chợt thoáng động cơ của con Min khơ nào đó. Rồi bốn chiếc gập ghềnh xuất hiện. Thì ra của dân phượt thuê từ chợ đường biên. Hai anh biên phòng nói khẽ chi đó. Ba chúng tôi được ưu tiên ngồi xe lên trước rồi sẽ vòng lại đón tiếp khách phượt. Tưởng ngồi xe sướng. Nhưng hóa kinh quá. Con đường đang mở xuyên trong rừng âm u nguyên sinh không dính mưa nhưng đất nhão nhoét, trơn trượt. Mà quái, lối mòn tuyền nằm phía ta luy âm. Chỉ chệch tay lái một tẹo thôi là xe lẫn người tức khắc vèo xuống vực thăm thẳm. Hết nhảy xuống, nhảy lên, lúc gò lưng đẩy, lắc lư mãi cũng qua được mấy cây số. Ðường xấu quá đành xuống. Các Min đồng loạt quay lại đón phượt.

Một hồi ì ạch nữa. Lại có tiếng xe. Không phải dân ôm. Một ông bảnh bao đang ì ạch con xe phân khối lớn biển số 79. Của Nha Trang. Lật mũ. Cái cười trắng lóa của một chàng trai. Mời thuốc. Hỏi một lúc, lần ra một chuyện lạ. Chàng tên là Thành quê Nha Trang đang làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch. Máu phượt? Tất nhiên. Năm ngoái, Thành đã mò lên CM0. Một mình không đã. Mùa khô năm nay Thành rủ cô vợ sắp cưới quê ở Bình Ðịnh cùng làm công ty cùng phượt lên đây. Kim Phượng, tên vợ Thành. Thành, Phượng đã xuyên phượt qua hơn 30 tỉnh thành. Ðến mỗi địa danh mới, Thành, Phượng lại bận đồ áo cưới để chụp ảnh. Thành nói bộ ảnh cưới của họ phải đủ hình của sáu mấy tỉnh, thành.

Kim Phượng đang ngồi thở ở đầu dốc. Thì ra cô hối Thành quay xe đón khách phượt lên giúp họ đỡ mệt. Dân phượt với nhau mà. Chà, hai cây số tôi được ngồi xe Thành. Kim Phượng khá xinh. Chuyện nối chuyện với cô gái lạ, với đôi vợ chồng trẻ đương xung máu phượt thấy tự dưng nhẹ cả người.

Tận thấy CM0

Mười một giờ. Chúng tôi đụng con dốc mà Thành nói là gay nhất. Gần như dựng đứng. Khoảng hơn cây số. Bỗng điện thoại của Như Phong hối tất cả phải quay về vì đường lên nguy hiểm quá.  Hội ý nhanh. Lại được Thành, Phượng và hai anh biên phòng động viên. Thêm nữa có cả Loan vợ Như Phong dù lử khử nhưng sốt sắng bỏ ngoài tai lời cảnh cáo nghiêm khắc của đức ông chồng. Chùa Hương, Yên Tử chưa bõ bèn gì với con dốc hơi bị đứng này. Có thêm cú đẩy của hai anh biên phòng phía sau cũng chả khá hơn. Lúc này mới thấm Như Phong hối giục quay lại là có lý. Tất cả há mồm như đớp lấy từng lọn không khí thì mới đủ thở. Cân nói không khí trên này loãng nên xuống sức nhanh. Khá nguy hiểm với người bệnh tim mạch. Trầy trật, dò dẫm chỉ mươi bước dốc đã phải dừng để thở. Chỉ mong có khoảng đất bằng nho nhỏ để thăng bằng đỡ chung chiêng.

Xuống chăng? Tôi thấy đã đuội lắm khi hỏi Lượng và Ðường. Lượng chùng chình rồi lắc… Thành hai tay đẩy lưng vợ nhích lên, hổn hển cười còn chút thôi, gắng lên mấy anh… Chút là bao giờ. Hơn tiếng đồng hồ ì ạch thở. Ngỡ dài như cả kiếp người. Phía đầu con dốc chợt òa ra một khoảng sang sáng mờ mịt sương. Tiếng reo mừng ai đó trong đoàn. Chúng tôi đã chạm mỏm đá trên đỉnh Khoang La San có độ cao 1.864 m nơi đặt CM0. Ba lão già, Ba Lượng (lạng) Ðường may sao cũng tới được đích! Sau này hỏi lại mới biết nguyên do. Thì ra Như Phong khi lên trước đến đoạn dốc vừa nãy hoảng quá nên ra lệnh lui quân. Còn lão bây giờ tất nhiên đang bệt trên sân cột mốc mà vẫn chưa hết hổn hển!

CM0 kia! Sau bao tao loạn trận mạc, nay yên hàn mới chĩnh chiện một tiêu chí lãnh thổ cương vực như thế này đây! Tôi phủ phục bên cột mốc ốp đá hoa cương, giữa là cột hình tam giác cao 2 m có ba mặt hướng về ba nước, mỗi mặt có khắc tên nước và quốc huy của mỗi quốc gia. Phía mờ sương thăm thẳm kia là thị trấn Khúc Thủy của huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam. Bên cạnh cũng mờ mịt sương khói hướng xuống địa danh Noong Chấn thuộc tỉnh Phong Xa Lỳ của CHDCND Lào.

Khi kính cẩn chạm tay vào thành cạnh bê tông mát lạnh của cột mốc hướng về A Pa Chải, lãnh địa Việt rồi lần lượt các cạnh của phía hai láng giềng, tôi thoáng hao hao cảm giác lần chạm tay vào thành đá cột mốc Ngã Ba biên giới Việt - Lào - Campuchia ở cửa khẩu Bờ Y Gia Lai. Ðất nước mình có hai cột mốc ở Ngã Ba biên giới như thế. 

MỚI - NÓNG