Chuyện hai gia đình 'chim cánh cụt'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hai cặp vợ chồng giới thiệu, họ là những “chú lùn”, những “chim cánh cụt” vì chiều cao khiêm tốn. Hai người vợ chỉ cao 1,1 m. Từ nhiều vùng quê khác nhau, họ chọn TPHCM làm quê hương thứ hai, hòa nhịp vào dòng chảy hối hả nơi đây.

Từng trải qua những năm tháng chật vật, có lúc cơm không đủ no, con cái đau yếu, ra vào viện liên miên, nhưng những cặp “chim cánh cụt” chưa một lần nghĩ tới chuyện buông tay nhau…

Lấy vợ bỗng cao thêm 20 cm

Đỗ Thị Phương Thảo, sinh năm 1981, tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh kể: “Ba mẹ tôi đều cao hết, em út trong nhà cũng cao, chỉ riêng tôi thấp bé. Mẹ nói, khi mang thai tôi, mẹ bị ra huyết nên tìm đến thầy lang. Ông ấy cho thuốc giữ thai nhi. Có thể đây là nguyên nhân khiến tôi thành “chim cánh cụt”.

Ngay khi còn là học sinh tiểu học, Phương Thảo đã nhận ra sự khác biệt về ngoại hình của mình so với bạn bè: “Sự tăng trưởng chiều cao diễn ra cực kỳ chậm chạp, đến cấp ba tôi chỉ cao 1,1 m và giữ nguyên chiều cao ấy đến tận bây giờ”, chị kể.

Chuyện hai gia đình 'chim cánh cụt' ảnh 1

Gia đình chị Linh - anh Trạng. Ảnh: NVCC

Được gia đình đùm bọc, ba mẹ luôn động viên, an ủi, bạn bè thương yêu nhưng mặc cảm về chiều cao luôn ám ảnh Thảo. Chị từng quyên sinh bất thành: “Tôi luôn được bạn bè giúp đỡ. Nhưng mặc cảm ở chỗ, bạn bè ai cũng chở che mình, mà mình chẳng thể chở che ai. Mỗi khi làm việc gì ở trên cao với không tới, tôi lại buồn”. Muốn chết mà không xong, ra khỏi hố sâu tuyệt vọng, Thảo tập trung học hành. Người phụ nữ bé nhỏ này có bằng trung cấp công nghệ thông tin.

Năm 2002, Phương Thảo quyết định vào Nam sinh sống khi biết ở ở TPHCM có nhóm “Chim cánh cụt” hay còn gọi nhóm “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, là thế giới của những người tí hon. Chị tin rằng, ở một “vương quốc” ai cũng như ai, bản thân chị sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn. Và đó là quyết định đúng. Tại đây, chị đã tìm được “bến đỗ” của cuộc đời: “Dương Hữu, chồng tôi, cũng là người yêu đầu tiên của tôi. Chuyện tình cảm của tôi được mai mối. Dương Hữu quê ở Trà Vinh, về Sài Gòn trước tôi, năm 2000.

Năm đó, dịp Noel, chúng tôi cùng diễn chung một “sô”. Người phụ trách nhóm gán ghép, ghẹo qua ghẹo lại, không biết từ lúc nào chúng tôi cảm thấy mến nhau rồi tìm hiểu nhau, 5 năm sau thì cưới”, Phương Thảo vui vẻ kể về chuyện tình của mình.

Giữa bao nhiêu “chú lùn” tại sao Phương Thảo chọn Dương Hữu? Chị hồn nhiên bật mí: “Lúc đó có khoảng 50-60 “chú lùn” nhưng trong “sô” diễn, chỉ có ông xã đẹp trai nhất nên tôi chọn. Ông xã cao 1,3 m, hơn tôi 20 cm. Trước đó, ông xã có người yêu trong nhóm rồi nhưng cuối cùng không hợp nhau nên chia tay. Vì thế tôi và anh mới có cơ hội quen nhau”.

Còn Dương Hữu chia sẻ: “Hồi đó tôi thích bà xã, vì bà xã tốt tính lại vui vẻ”. Từ khi gia nhập vương quốc tí hon, Phương Thảo tìm thấy niềm vui sống, không còn nghĩ đến cái chết. Dương Hữu và Phương Thảo sống bằng cát-xê đi diễn. Phương Thảo thường hát nhạc trẻ và bolero. Dương Hữu không biết hát, anh diễn ảo thuật.

Chuyện hai gia đình 'chim cánh cụt' ảnh 2

Gia đình Dương Hữu - Phương Thảo Ảnh: NVCC

Khi cả hai tích lũy được một khoản tiền nhỏ, họ quyết định làm đám cưới, năm 2007: “Ban đầu chúng tôi lấy nhau cũng vất vả, phải ở nhờ trong ngôi nhà chung của những “chú lùn”, nương tựa vào nhóm. Một năm sau chúng tôi mới thuê nhà riêng”, Phương Thảo nhớ lại những năm đầu tiên của hôn nhân.

Cả hai vợ chồng đều chăm chỉ làm ăn và nhạy bén với thị trường. 10 năm trước họ bán đĩa CD, thu nhập khá tốt. Nhưng sau đó thị trường này trì trệ, thu nhập giảm sút, họ lại chuyển sang bán khăn tắm xuất khẩu: “Chúng tôi có mối bán đồ xuất khẩu vì có một người anh dẫn lối chỉ đường. Rồi từ bán khăn tắm xuất khẩu chúng tôi còn bán nhiều mặt hàng xuất khẩu khác”, người đàn bà cao 1,1m hồ hởi khoe.

Dương Hữu còn tiết lộ thêm: Hai vợ chồng từng mở kênh YouTube, cũng đã bật nút kiếm tiền nhưng bão dịch ập đến, họ không sản xuất được chương trình. Bây giờ họ cũng đã hết hứng đầu tư kiếm tiền từ YouTube.

Có lẽ, trong vương quốc tí hon ở ta, Dương Hữu - Phương Thảo là cặp đôi viên mãn nhất. Dương Hữu sinh năm 1978, hơn vợ 3 tuổi. Khi lấy vợ anh cũng đã 29 tuổi, cứ tưởng chiều cao không thể tăng lên. Điều kỳ diệu đã đến. Chăm luyện bơi, lại được vợ chăm sóc chu đáo, anh cao thêm 20 cm. Đến nay, Dương Hữu đã cao 1,5 m. Hai vợ chồng sinh hạ được một bé trai thông minh, khỏe mạnh.

Nói về “cục cưng” duy nhất, giọng Phương Thảo đầy tự hào, mãn nguyện: “Bé đã 11 tuổi cao chừng 1,4 m rồi. Thêm nữa, bé rất hiểu chuyện. Có lần hai vợ chồng ra trường rước bé, các bạn nhìn về phía tôi và hỏi: Ôi ai mà nhỏ thế? Bé đáp: Mẹ của mình đấy. Mẹ của mình tuy nhỏ nhưng rất giỏi”.

Tôi hỏi chị: “Thời thiếu nữ chị có bao giờ mơ đến hạnh phúc này? Chị lại cười: “Tôi không bao giờ dám nghĩ mình có một gia đình hoàn hảo như vậy”.

Cặp đôi tí hon và “gia tài” đủ “nếp - tẻ”

Phương Thảo giới thiệu cho tôi một cặp vợ chồng “chim cánh cụt” khác của nhóm “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Chị bảo: Họ có một gia đình hạnh phúc, đủ “nếp - tẻ”. Đó là gia đình anh Hồ Văn Trạng và chị Nguyễn Thị Linh. Chị Linh cao 1,1m, bằng chiều cao của Phương Thảo. Anh Trạng, chồng chị Linh cao 1,25 m.

“Gia đình tôi, ba mẹ cao to, trong 5 anh em cũng không ai bị thấp, chỉ có tôi ở giữa là “cánh cụt”. Ba tôi từng đi bộ đội. Mẹ tôi từng là dân công hỏa tuyến. Ba mẹ cũng không biết rõ lý do vì sao tôi thấp bé”, chị Linh chia sẻ.

Khác với Phương Thảo, người em trong nhóm, người phụ nữ tí hon sinh năm 1977 này trải qua tuổi thơ tủi cực: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Mới 6 tuổi tôi đã hiểu khiếm khuyết của mình. Bạn bè ở quê kì thị dữ lắm. Tôi thường không dám ra khỏi nhà một mình, chỉ dám ra ngoài nếu có bạn thân hoặc người nhà. Khi đi học những đứa bạn cùng lớp hoặc khác lớp nhìn thấy tôi đã không ưa, chúng chế giễu tôi.

Có lúc ức không chịu được tôi phản ứng vài câu. Thế là bị chúng đấm đá. Nhưng sự kỳ thị của bạn bè cũng không bằng ánh mắt của người dân quanh đó. Ở trong gia đình, tôi cũng luôn cảm thấy là người vô tích sự. Tôi không thể kiếm được tiền cho cha mẹ, không thể giúp cha mẹ những công việc nặng nhọc. Tôi đã từng chán nản, từng muốn chết, mà không chết được”, chị Linh hồi tưởng.

Bất chấp sự ngăn cản của người thân, chị Linh rời xa quê, vào TPHCM sinh sống, năm 2004. Chị bắt đầu bằng nghề bán tăm đũa của người khuyết tật còn gọi là tăm đũa tình thương. Một lần vào một quán cà phê, một khách hàng nữ mua giúp Linh một gói tăm. Trông cảnh cô gái bé nhỏ bán tăm mưu sinh đầy thương cảm, bà nói: “Em có muốn tìm người giống như em không?”. Linh gật đầu. Bà viết thông tin vào một mảnh giấy đưa cho chị. Chị tìm đến “lâu đài”, nơi “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” sinh sống. Chị được người phụ trách nhóm cho phép ở thử vài tháng.

Linh lo lắng không trụ được trong nhóm: “Vì tôi là người Bắc, người xứ Nghệ, lời ăn tiếng nói không được nhẹ nhàng, mềm mại như người miền Nam nên không tự tin mình sẽ ở lại được”. Hóa ra, điều lo lắng của chị bằng thừa.

Chẳng những vào được nhóm, chị còn quen được chàng trai có tên Hồ Văn Trạng, quê ở Bến Tre: “Anh sinh năm 74, hơn tôi 3 tuổi, rất hiền, thấu hiểu, luôn luôn động viên, giúp đỡ tôi”, chị kể. Tình cảm lớn dần, hai người yêu nhau nhưng vấp phải sự phản đối của hai gia đình. Đàng trai bằng mặt nhưng không bằng lòng với cô dâu tương lai.

Đàng gái cũng có thái độ tương tự với chú rể. Bởi vì cả hai bên gia đình đều lo lắng cho tương lai của hai người. Họ sợ hai người lấy nhau, cuộc sống bấp bênh, lại sinh ra những “chim cánh cụt” thì vất vả cho cả hai, lại tội nghiệp cho những đứa trẻ.

Nhưng cặp đôi Linh - Trạng được nhóm “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” giúp tổ chức hôn lễ. Nguyễn Thị Linh và Hồ Văn Trạng chào đón đứa con đầu lòng. Quá trình mang thai của người phụ nữ cao 1,1 m diễn ra thuận lợi: “Lúc đó đã mang bầu 7-8 tháng tôi vẫn rượt gà làm thịt”, chị cười, nói.

Khi sinh con, hai vợ chồng chia tay “lâu đài” của “Bạch Tuyết và bảy chú lùn” ra ngoài thuê phòng trọ. Đây chính là giai đoạn đen tối trong cuộc sống của cả hai: “Con gái tôi ốm yếu. Bé giống tôi nên đề kháng yếu, bị viêm tuyến lệ nước mắt cứ chảy ra, lại gặp cả vấn đề ở mũi, cứ khóc là không thở nổi. Chúng tôi ẵm con lên Bệnh viện Nhi đồng, đi bằng xe bus. Ban đầu không có thẻ, cũng không được ưu tiên gì.

Sau này, khi có cái thẻ xe bus ở chế độ ưu tiên mới được nhường. Mẹ tôi từ trong quê cũng vô Sài Gòn, phụ chúng tôi chăm con nhỏ, khi đi tới đi lui bà ẵm giùm con cho. Bé đau yếu, nên tôi phải ở nhà giữ con, chỉ còn một người đi bán vé số. Phòng trọ thuê trên gác nhỏ, diện tích có chút xíu, nóng quá trời, thở không nổi, chưa kể trèo lên trèo xuống, nguy cơ xảy ra tai nạn cao”, chị nhớ lại ngày tháng cơ cực.

Những năm tháng ấy, hai vợ chồng ăn miết món cá hấp, 10 ngàn đồng được 3 giỏ, mỗi giỏ có hai con cá nhỏ, thỉnh thoảng thay món cá hấp bằng món rau luộc chấm tương. Họ cứ ăn uống đơn sơ như thế để dành tiền chữa bệnh cho con. Hồi ấy, để chữa mắt, chữa mũi cho con cũng mất hơn 2 triệu đồng, một số tiền lớn đối với hai vợ chồng mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Nhưng nỗ lực không ngừng của hai vợ chồng chị cũng được đền đáp. Con gái khỏe mạnh, chị gửi con, đi làm. Cuộc sống dần ổn định. Họ thuê phòng trọ tốt hơn và sinh đứa con thứ hai, là một “hoàng tử” khôi ngô. Cô “công chúa” của họ chiều cao chỉ gần bằng mẹ, dù đã 15 tuổi. Còn “hoàng tử” năm nay 10 tuổi, đã cao hơn chị rất nhiều.

Cả hai con của anh chị đều thông minh, học giỏi và thương cha mẹ. Chị kể kỷ niệm: “Ngày ấy, khi con gái học tiểu học, một lần tôi đến trường đón bé, bé nhắc mẹ đừng đứng gần cổng trường, cứ đứng xa để bé sẽ tự ra tìm. Tôi hiểu ý con, con mắc cỡ chắc vì bị bạn bè trêu chọc. Về nhà, hai vợ chồng bật ti vi cho con xem những chương trình về người khuyết tật nghị lực vượt lên nghịch cảnh. Bé dần hiểu điều cha mẹ muốn nói. Bây giờ, các con đều tự hào về cha mẹ”.

Không sở hữu cửa hàng như cặp đôi Dương Hữu - Phương Thảo, anh Hồ Văn Trạng và chị Nguyễn Thị Linh vẫn miệt mài mưu sinh bằng những nghề lao động nhọc nhằn. Chị Linh tiết lộ: “Tôi bán kẹo kéo. Nhiều người thương lắm, họ ủng hộ nhiều”.

Hai anh chị chưa mua được nhà ở Sài Gòn như cặp đôi Dương Hữu - Phương Thảo nhưng cũng dành dụm cất được ngôi nhà ở quê. Song chị Linh chia sẻ: “Có lẽ tương lai chúng tôi sẽ bán ngôi nhà ở quê. Cũng định mang hai con về quê sinh sống nhưng sợ con gái nhỏ bé không chịu được những ánh nhìn của người xung quanh. Ở TPHCM tuy vất vả nhưng ai biết việc người ấy, con gái sẽ thoải mái, tự tin hơn”.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.