Chuyện giờ mới kể của những nhà Olympic quốc tế trẻ Việt Nam

Đoàn Việt Nam dự thi Olympic thiên văn và Vật lý thiên văn (IOAA) tại Ấn Độ
Đoàn Việt Nam dự thi Olympic thiên văn và Vật lý thiên văn (IOAA) tại Ấn Độ
TPO - “Bài thi thực hành phần nhà chiếu hình vũ trụ đã làm bọn em khá bối rối vì lần đầu được ở trong đó nên đã chưa thực sự làm tốt phần này. Một số câu phần lý thuyết phải tự đối phó vì chưa gặp phải bao giờ”- Lê Hồng Long, chàng trai lớp 11 chuyên Lý, trường THPT Amsterdam (Hà Nội) vừa giành giải trong kì thi Olympic thiên văn và Vật lý thiên văn (IOAA) tại Ấn Độ chia sẻ.

Lê Hồng Long cho biết, vì được tiếp xúc muộn với môn thiên văn và Vật lí thiên văn hơn các bạn khác trên thế giới nên phần thực hành đoàn Việt Nam yếu hơn các đoàn khác. Phần lý thuyết thì có một số phần chưa hoàn thiện kiến thức.

Long cũng chia sẻ, bài thi thực hành phần nhà chiếu hình vũ trụ đã làm bọn em khá bối rối vì ờ nhà không có, lần đầu được ở trong đó nên đã chưa thực sự làm tốt phần này.

“Bài thi lý thuyết tiếp tục làm bọn em bối rối vì số lượng giấy được cung cấp rất lớn mà bàn thì quá nhỏ và việc đánh số trang khá là rắc rối. Một số câu phần này bọn em phải tự đối phó vì chưa gặp phải bao giờ”- Long cho biết thêm.

Trần Đức Huy, cậu bé Bạc Olympic thiên văn và Vật lý thiên văn năm 2016 chia sẻ, trong cuộc thi IOAA, có nhiều bạn học sinh quốc tế đã tiếp xúc với môn học này được hơn 3 năm. Đặc biệt là bạn giành giải nhất tuyệt đối năm nay đã từng tham gia 3 kỳ thi IOAA các năm 2014, 2015, 2016 và đều giành Huy chương Vàng.

Huy cũng thừa nhận, so với các bạn quốc tế thì  đội Việt Nam thua kém nhiều ở phần thực hành quan sát vì không được thực hành nhiều, trời thường có nhiều mây, ở Hà Nội lại có nhiều nhà cao tầng nên cơ hội quan sát thực tế là không nhiều.

“Đề thi thực hành quan sát năm nay làm bọn em khá bất ngờ vì dễ hơn khá nhiều so với các năm trước đây. Tuy nhiên, đề thi lý thuyết và xử lý số liệu lại khá dài và đòi hỏi nhiều kỹ năng”- Huy cho biết.

>>Việt Nam giành HC Bạc Olympic quốc tế Thiên văn học & Vật lý thiên văn

>>Chuyện lý thú của 5 chàng trai ăn lương khô giành giải Olympic thiên văn

Trần Quang Thành, cậu bạn chuyên Lý lớp 11 cũng vừa rinh giải khuyến khích Olympic thiên văn và Vật lý thiên văn cũng chia sẻ, với các nước trên thế giới thì Việt Nam chưa phát triển môn này. Đây cũng là bất lợi với toàn đội.

“Bài thi quan sát có vẻ dễ hơn mọi năm, toàn đội có thể làm khá ổn so với dự đoán. Bài thi lý thuyết vừa tầm, trong vùng kiến thức đã học. Bài thi xử lí dữ liệu tương đối khó, nhiều vấn đề mới lạ”- Thành cho biết.

Học "chay"

Thầy Nguyễn Anh Vinh, giảng viên khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người gắn bó sớm tối với các em ôn luyện thi Olympic thiên văn và Vật lý thiên văn (IOAA)  cho rằng vì thời gian ôn cho đội tuyển ít nên lúc đầu rất lo lắng.

“Tuy nhiên, 5 em dự thi đều rất thông minh, tiến bộ nhanh trong quá trình học nên bớt lo hơn. Vì kiến thức về thiên văn là vô tận, sách, tài liệu thì vô biên nhưng giáo viên phải biết khoanh vùng để học sinh ôn luyện”- thầy Vinh cho biết.

Thầy Vinh cũng cho rằng, các học sinh dự thi phải trải qua bốn bài thi bao gồm: Bài thi thực hành (gồm 3 phần: thi quan sát Sao trong nhà chiếu hình, thi bản đồ Sao và thi quan sát bầu trời đêm qua kính thiên văn), Bài thi lý thuyết, Bài thi xử lý số liệu và Bài thi đồng đội.

Trong số đó, bài thi quan sát Sao trong nhà chiếu hình là cần phải có nhưng ở Việt Nam không có và phải học “chay”.

“Dù biết cần có nhà chiếu hình nhưng nếu phải xây dựng cho đội tuyển thì không có kinh phí cũng như quỹ đất”- Thầy Vinh thừa nhận.

Cũng theo thầy Vinh, đã từng có một nhà chiếu hình được xây dựng ở Vinh và các thầy lên kế hoạch định đưa cả đội vào đó ôn luyện: “Tuy nhiên, không hiểu sao nhà chiếu hình đó bị đóng cửa, hiện không còn ai quản lý”- Thầy Vinh cho biết thêm.

PGS.TS Nguyễn Văn Khánh, Phó trưởng khoa Vật lý, ĐH Sư phạm Hà Nội, người gắn bó với đoàn Olympic thiên văn và Vật lý thiên văn (IOAA)  khẳng định,  thiên văn là khoa học đòi hỏi nhiều thiết bị hiện đại. Song để thực hành với mức độ dạy học phổ thông thì cũng không phải cần quá nhiều tiền.

Cũng theo PGS Khánh, ngay cả các môn học truyền thống ta vẫn còn coi nhẹ thực hành, cho nên Thiên văn là kiến thức không được chú trọng ở phổ thông thì làm sao có thiết bị để thực hành. Hiện nay chỉ có một số trường ĐH Sư phạm mới có thiết bị thực hành Thiên văn.

Kỳ thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý thiên văn lần thứ 10, tổ chức tại thành phố Bhubaneswar, Ấn Độ từ ngày 10-18/12/2016. Đây là kỳ thi Olympic quan trọng nhất trong lĩnh vực thiên văn học và vật lý thiên văn dành cho lứa tuổi THPT, với hơn 50 đội tuyển đến từ các quốc gia trên khắp 5 châu. 

5 học sinh đều là học sinh lớp 11 chuyên Lý của trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, gồm các em: Trần Đức Huy, Đỗ Lê Duy, Trần Quang Thành, Nguyễn Tiến Nhân, Lê Hồng Long đã tham dự.

Đây là lần đầu tiên đoàn học sinh Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic quốc tế với mong muốn tham gia để giao lưu, học hỏi trên cơ sở nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, quá xuất sắc, 5/5 em tham dự đều đoạt giải. Em Trần Đức Huy đạt HCB còn 4 bạn khác đạt giải Khuyến khích.

MỚI - NÓNG