Chuyên gia nói về tiêm vắc xin COVID cho trẻ 12-17 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
Cân nhắc khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em
Cân nhắc khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em
TP - Ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ tham khảo, học hỏi và nghiên cứu để tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tượng 12-17 tuổi, sau đó có thể mở rộng tiêm cho trẻ trên 3 tuổi. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nên tiêm vắc xin cho trẻ có bệnh lí nền và béo phì, chưa cần tiêm đại trà cho trẻ.

Bộ Y tế đã có văn bản về việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Cụ thể, tiêm theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương. Theo thống kê, cả nước hiện có 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu trong quý IV sẽ tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho 95% trẻ trong lứa tuổi này. Để trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19, cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu.

Loại vắc xin COVID-19 an toàn cho trẻ em là loại được Bộ Y tế phê duyệt tiêm cho lứa tuổi 12-17 tuổi, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế chưa quyết định lựa chọn vắc xin nào nhưng sẽ sử dụng những vắc xin đã được nghiên cứu kĩ lưỡng và bảo đảm an toàn cho trẻ em, bên cạnh đó sẽ tham khảo tất cả các nghiên cứu trên thế giới để áp dụng.

Đà Nẵng sẽ tiêm cho học sinh THPT trước

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cho hay, Đà Nẵng thống nhất theo hướng tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 12-17, tiêm trước cho học sinh lớp 10, 11 và 12. Đà Nẵng hiện có 97,6% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1; khoảng 15,5% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 2.

THANH TRẦN

Đề xuất chỉ tiêm cho trẻ mắc bệnh nền, béo phì

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, nói rằng, tiêm vắc xin cho trẻ rất cần thiết, tuy nhiên tổng kết tại TPHCM và một số tỉnh, cũng như thế giới cho thấy số trẻ nhiễm bệnh thấp hơn nhiều so với người lớn. TPHCM có khoảng 500.000 ca mắc COVID-19, trong đó khoảng 20.000 là trẻ em, chiếm gần 5%. Tỉ lệ trẻ tử vong tại TPHCM chiếm gần 0,2%, đa số là trẻ béo phì hoặc có bệnh lí nền. Thực tế, người lớn bị nhiều hơn, người cao tuổi bị nặng hơn và tử vong cao hơn. Hiện gần 50 tỉnh, thành phố đã bao phủ vắc xin mũi 1 mới chỉ đạt khoảng 20%, chưa tính mũi 1 cho những người cao tuổi. “Với lượng vắc xin hiện có hơn 90 triệu liều, muốn đạt mục tiêu của Chính phủ trong Nghị quyết 128 bao phủ cho người trên 18 tuổi, người trên 50 tuổi thì cần khoảng 150 triệu liều. Khi nào đạt mục tiêu bao phủ vắc xin theo Nghị quyết 128 thì mới nên tính đến tiêm vắc xin cho trẻ em”, ông Hùng nói.

Theo PGS Hùng, chưa nên vội tiêm cho toàn bộ trẻ, chỉ nên tập trung vào trẻ có nguy cơ như trẻ béo phì, tim, phổi, tiểu đường, ung thư... Các bé này khi mắc thường dễ diễn tiến nặng với suy hô hấp và tổn thương các cơ quan. Do đó, cần tiêm vắc xin sớm, trước cho trẻ có các bệnh nền. Với trẻ có sức khỏe bình thường, COVID-19 gây bệnh nhẹ và tỉ lệ trẻ mắc thấp. “Tôi lấy ví dụ bệnh sởi mà trẻ không tiêm thì lây rất nhanh, nhiều trẻ mắc. Còn thực tế 2 năm nay dịch COVID-19 nhưng tỉ lệ trẻ mắc thấp, vì vậy dựa vào đặc thù của bệnh để tính toán tiêm thế nào cho hợp lí”, ông nói.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhận định, hiện nay số lượng vắc xin COVID-19 Việt Nam tiếp nhận còn ít, chưa tiêm phủ hết cho người từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt là người cao tuổi, có bệnh nền. Nhiều tỉnh có tỉ lệ tiêm vắc xin cho người lớn, người cao tuổi vẫn thấp, chỉ từ 15-20%. “Vì vậy, theo tôi, nên tận dụng số vắc xin hiện có để tiêm phủ cho người lớn, tạo miễn dịch cộng đồng, tạo vùng xanh. Tất cả người lớn xung quanh trẻ đều đã tiêm vắc xin cũng là cách bảo vệ trẻ nhỏ. Nếu số lượng vắc xin còn ít, việc dồn vắc xin tiêm cho trẻ em các tỉnh có độ phủ vắc xin cao thì các tỉnh thành còn lại sẽ thiếu vắc xin để tiêm cho người lớn”, ông Nga nói.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong số ca COVID-19 ghi nhận tại Việt Nam, tỉ lệ mắc của nhóm 0-2 tuổi là 2,5%; 3-12 tuổi là 8,9%; 13-17 là 5,7%. Tỉ lệ tử vong ở nhóm 0-2 tuổi là 0,19%; từ 3-12 tuổi là 0,06%; từ 13-17 tuổi là 0,09%.

Về quan điểm tiêm vắc xin cho trẻ để đến trường an toàn, cả hai chuyên gia đều chung nhận định, mục đích chính của tiêm vắc xin là giảm nguy cơ diễn biến nặng và tử vong, chứ không phải là ngăn ngừa lây nhiễm. Trẻ em được tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 và lây truyền cho người khác. Thêm nữa, trẻ em chủ yếu chỉ từ nhà đến trường và về nhà, nếu trường triển khai tốt “5K” thì nguy cơ rất thấp.

Cần nhiều năm để đánh giá tác dụng phụ của vắc xin

Theo PGS Nga, hiện nay thế giới vẫn chưa có loại vắc xin nào được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để tiêm cho trẻ em. Trẻ em cần loại vắc xin phòng COVID-19 được sản xuất với liều lượng phù hợp, có nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng đối với từng lứa tuổi. “Tôi cho rằng chưa vội tiêm vắc xin phòng COVID-19 đại trà cho trẻ nhỏ, vẫn nên cẩn trọng hơn”, ông nói.

PGS Hùng nói rằng, trên thế giới có vắc xin Pfizer được đánh giá trên một số nhóm trẻ nhưng nền tảng của vắc xin hiện nay vẫn lưu hành trong tình trạng cấp phép khẩn cấp. Còn tác dụng phụ cũng như hậu quả lâu dài của vắc xin mới tác động lên cơ thể trẻ cần nhiều năm, ít nhất là vài ba năm mới đánh giá được. Thêm nữa, các vắc xin phòng COVID-19 sử dụng công nghệ mới phải theo dõi, đánh giá, chưa thể hoàn toàn chắc chắn được. “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là vấn đề cấp phép khẩn cấp, mà khẩn cấp thường dành cho những đối tượng nguy cơ cao, những người nặng và dễ tử vong, chứ trẻ em không phải đối tượng nguy cơ cao thì chưa nên áp dụng tiêm vắc xin trong tình huống khẩn cấp. Trẻ em cũng không phải người lớn thu nhỏ để tiêm bằng chính vắc xin dành cho người lớn”, ông Hùng nhận định.

Nhiều học sinh Quảng Bình phải nghỉ học

Ngày 21/10, tin từ Phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, địa phương này đã phải cho học sinh các cấp nghỉ học vì phát hiện nhiều mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có 3 học sinh. Tối 20/10, tại thị trấn Quy Đạt ghi nhận 13 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, gồm 3 học sinh Trường Tiểu học thị trấn Quy Đạt và Trường THCS Quy Đạt.

Hoàng Nam

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.