(Ảnh: Hải quân Mỹ) |
"Hôm nay là ngày cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Washington. Hôm qua, có thông tin Mỹ và Đức đã ký thỏa thuận tiếp tục triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn phóng từ đất liền ở Đức từ năm 2026", ông Gromyko nói.
"Nếu điều này xảy ra, châu Âu sẽ lùi một bước về nửa đầu những năm 1980, và tình hình châu Âu có thể sẽ đẩy thế giới đến bờ vực của Thế chiến thứ ba".
Ông Gromyko cũng lưu ý rằng, các nhà nghiên cứu, chính trị gia và nhà ngoại giao còn rất nhiều việc phải làm “để giải quyết vấn đề lâu dài về chiến tranh và hòa bình”.
Trong một tuyên bố hôm 10/7, Mỹ cho biết đang chuẩn bị cho việc triển khai lâu dài các khí tài quân sự, bao gồm tên lửa tầm xa Standard Missile-6 (SM-6), tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh ở châu Âu.
Trước năm 2019, tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn vượt quá 500 km bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký bởi cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987. Hiệp ước đánh dấu lần đầu tiên hai quốc gia đồng ý giảm kho vũ khí hạt nhân.
Các nước bao gồm Đức, Hungary, Cộng hòa Séc và Ba Lan cũng đã phá hủy tên lửa của họ vào những năm 1990, theo sau là Slovakia và Bulgaria.
Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019 và cáo buộc Nga vi phạm quy định vì phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương định danh là SSC-8). Điện Kremlin liên tục phủ nhận cáo buộc.
Vào cuối tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Mátxcơva nên nối lại việc sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, sau khi Mỹ đưa tên lửa tương tự tới châu Âu và châu Á.
Ông Putin nói rằng Nga đã cam kết không triển khai những tên lửa như vậy, nhưng Mỹ đã tiếp tục sản xuất chúng, đưa chúng đến Đan Mạch để tập trận và đến Philippines.
Bình luận về thỏa thuận mới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nội dung thỏa thuận "đáp ứng mọi lợi ích của Đức" và phù hợp với quan điểm an ninh của nước này.
"Theo tôi, đây là quyết định đúng đắn", ông Scholz nói. "Điều này cũng được phản ánh trong chiến lược an ninh của chính phủ Đức. Đó là một biện pháp răn đe, giúp đảm bảo hòa bình. Đó là một quyết định cần thiết và quan trọng được đưa ra vào đúng thời điểm".
Phản ứng của Nga
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với kênh truyền hình Rossiya-24 rằng, việc công bố kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Mỹ ở Đức là nhằm bảo vệ danh tiếng của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Washington đang thực hiện một loạt biện pháp để cứu ứng cử viên đảng Dân chủ sau thất bại trong cuộc tranh luận của ông. Tất cả những điều này được thực hiện nhằm khiến công chúng quên đi những vấn đề mà Mỹ đang phải đối mặt".
Theo bà Zakharova, đây là lý do vì sao các bước đi quyết liệt đang được thực hiện, các tuyên bố về chính sách đối nội và đối ngoại đang được đưa ra, và tình hình xung quanh Ukraine đang được thổi phồng.